(VTC News) – Chỉ trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5, vốn hóa thị trường của sàn Tp.HCM đã bị thổi bay 35.000 tỷ đồng (gần 1,7 tỷ USD).
Phiên giao dịch 4/5 mang lại nhiều “cơn đau tim” cho nhà đầu tư. VN-Index mất 17,32 điểm và dừng ở mức 545,08 điểm. Đà “lao dốc của VN-Index đã lấy đi 35.000 tỷ đồng (gần 1,7 tỷ USD) vốn hóa thị trường của sàn Tp.HCM.
35.000 tỷ đồng là con số rất lớn. Trong khoảng thời gian gần đây, vốn hóa thị trường sàn Tp.HCM chỉ biến động tăng hoặc giảm khoảng 5.000 tỷ đồng. Các con số cho thấy ngày hôm nay, thị trường chứng khoán đã biến động mạnh mẽ như thế nào.
Trong khi đó, do quy mô thị trường bé hơn rất nhiều nên vốn hóa thị trường của sàn Hà Nội “chỉ” bốc hơi gần 3.900 tỷ đồng.
Bầu Đức và bầu Long là hai đại gia chịu thiệt hại nặng trong phiên giao dịch 3/5 |
Mặc dù HAG không nằm trong danh sách các blue-chip lao dốc mạnh nhất nhưng khi giảm 1.000 đồng/CP xuống 19.100 đồng/CP, HAG đã lấy đi gần 343 tỷ đồng khỏi tài khoản của bầu Đức. Dù vậy, bầu Đức vẫn vững vàng ở vị trí thứ hai trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với 6.546 tỷ đồng.
Thời gian này có vẻ không thuận lợi với bầu Đức. Tháng tư vừa qua, bầu Đức phải nhận nhiều chỉ trích bởi màn trình diễn kém ấn tượng của lứa Công Phượng trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai. Tháng tư cũng là khoảng thời gian cổ phiếu HAG đi xuống và lấy đi hàng trăm tỷ đồng của bầu Đức.
Tương tự HAG, cổ phiếu HPG chống chọi khá tốt trong “tâm bão” ngày 3/5 khi chỉ giảm 700 đồng/CP xuống 43.300 đồng/CP. Nhưng do nắm giữ số lượng cổ phiếu HPG rất lớn nên ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát vẫn chịu mất mát lớn.
Cụ thể, trong ngày 3/5, giá trị cổ phiếu do ông Long nắm giữ giảm 81,35 tỷ đồng. Thiệt hại mà ông Long phải gánh chịu còn nặng hơn nếu tính cả lượng cổ phiếu do bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long sở hữu. Hôm nay, bà Hiền phải “chia tay” 25 tỷ đồng vì HPG.
Xét về tốc độ suy giảm giá trị cổ phiếu, các đại gia của Masan đứng đầu danh sách khi MSN là blue-chip giảm mạnh nhất trên sàn Tp.HCM (không tính những mã giảm sàn như OGC, FLC và ITA). MSN giảm 4.000 đồng/CP xuống 77.000 đồng/CP.
MSN khiến bà Nguyễn Hoàng Yến, Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Masan mất 105 tỷ đồng. Trước đây, ông Hồ Hùng Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan thường “song hành” cùng bà Yến. Tuy nhiên, cuối năm 2014, ông Hùng Anh đã chuyển một phần cổ phiếu MSN cho vợ nên ông đã biến mất khỏi danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Đà tăng nhẹ đầu phiên không giúp cho FPT vững vàng. Cuối phiên, FPT vẫn giảm khá mạnh. FPT giảm 2.100 đồng/CP xuống 49.400 đồng/CP. FPT khiến ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT mất 52 tỷ đồng.
Vị trí cao trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam càng khiến cho khối tài sản của bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Vĩnh Hoàn lung lay mạnh khi VHC giảm 1.100 đồng/CP xuống 35.000 đồng/CP.
VHC khiến bà Khanh mất 50 tỷ đồng. Hiên tại, bà Khanh đang nắm giữ khối tài sản lên đến 1.645 tỷ đồng và là đại gia thủy sản giàu nhất sàn chứng khoán.
Đứng sau bà Khanh là ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Hùng Vương. Ông Minh là đại gia thủy sản giàu thứ hai trên sàn chứng khoán. Hôm nay, khối tài sản của ông Minh giảm 65 tỷ đồng khi HVG giảm 900 đồng/CP xuống 19.000 đồng/CP.
Là một trong những ngân hàng công bố các chỉ số kinh doanh rất tốt nhưng Sacombank ít nhiều gây lùm xùm khi trả lương lão đạo bình quân 4 tỷ đồng/người/năm. Điều đó có nghĩa những lãnh đạo cấp cao nhất sẽ nhận được con số cao hơn 4 tỷ đồng rất nhiều. Thông tin này ít nhiều khiến cổ đông Sacombank so bì.
Vì vậy, STB là một trong những cổ phiếu ngân hàng rơi mạnh. STB giảm 800 đồng/CP xuống 17.100 đồng/CP. STB khiến ông Trần Phát Minh, Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần chứng khoán Phương Nam mất 44 tỷ đồng. Ông Trầm Trọng Ngân Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Phương Nam cũng đánh rơi số tiền tương tự.
Trong phiên giao dịch ngày 4/5, KDC nằm trong danh sách các blue-chip giảm mạnh nhất. KDC giảm 2.500 đồng/CP xuống 41.500 đồng/CP. Vì KDC, ông Trần Lệ Nguyên Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Kinh Đô mất 41 tỷ đồng.
Bảo Linh
Bình luận