Liên quan đến vụ việc CSGT nhận mãi lộ ở khu vực Tân Sơn Nhất, ngày 9/9, trả lời VTC News, luật sư Nguyễn Anh Thơm (văn phòng luật sư Nguyễn Anh, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng nếu chứng minh được tổng số tiền của người dân đưa cho lực lượng CSGT từ 2 triệu đồng trở lên, phải xem xét xử lý hình sự theo điều 289 về tội nhận hối lộ.
Bình luận xung quanh vấn đề này, luật sư Thơm cho biết trong những năm gần đây, Cục CSGT đã liên tiếp có những chấn chỉnh và quy định về quy tắc, tác phong ứng xử của lực lượng CSGT đối với những người tham gia giao thông.
Cục CSGT đã có những quy định chặt chẽ hơn về xử lý vi phạm nhận được theo phản ánh trên cơ sở ý kiến của người dân về các sự việc tiêu cực xảy ra trong ngành giao thông.
"Đây là một sự việc cá biệt", luật sư Thơm nói.
"Tuy nhiên, một nhóm CSGT có hành vi có dấu hiệu xử lý vi phạm bất thường đã đi ngược lại sự quyết tâm, nỗ lực chung của toàn ngành trong thời gian qua. Đây là sự việc hết sức đáng tiếc, cần phải xem xét thật kỹ, nếu có hành vi vi phạm cần xử lý thật nghiêm” – ông Thơm chia sẻ.
Ông Thơm cho hay, đoạn clip ghi rõ hình ảnh tài xế cũng như biển số những xe vi phạm bị yêu cầu dừng kiểm tra ngày hôm đó. Như vậy, những người vi phạm cần phải đến trình báo cơ quan chức năng để làm căn cứ xử lý.
"Nếu người đưa hối lố tự giác khai báo sự việc thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Đây cũng là một việc cần thiết để những người tham gia giao thông bị dừng xe hôm đó chủ động trình báo, tố giác hành vi vi phạm để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật", vị luật sư này phân tích.
Việc tố giác này góp phần đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, nhũng nhiễu đối với một bộ phận nhỏ trong ngành CSGT.
Theo luật sư Thơm, nếu tổng số tiền của người dân đưa cho lực lượng CSGT có định lượng từ 2 triệu đồng trở lên, phải xem xét xử lý hình sự theo điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội nhận hối lộ.
Nếu tổng số tiền của người dân chưa đến 2 triệu, có thể xử lý bằng biện pháp hành chính theo quy định của ngành. Nặng nhất, các chiến sĩ này có thể bị buộc thôi việc.
"Nếu có đủ căn cứ để chứng minh các CSGT trong đoạn clip có hành vi nhận tiền từ 2 triệu đồng trở lên để bỏ qua không xử lý vi phạm thì những cảnh sát này đã có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ và sẽ bị khởi tố về tội nhận hối lộ theo điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999", ông Thơm phân tích.
Luật sư Thơm cho rằng, những hình ảnh trong clip chưa rõ nét, chưa đủ để chứng minh các CSGT trong đoạn clip có hành vi nhận hối lộ nhưng đây cũng có thể coi là chứng cứ.
Ngoài ra, luật sư Thơm cũng bình luận cần xem xét đến những chứng cứ khác như lời khai của những người nghi đưa tiền hôm đó hoặc những nhân chứng tại sự việc xảy ra vào thời điểm đó.
Cũng phải căn cứ theo báo cáo của các CSGT về sự việc xảy ra làm căn cứ chứng minh có hay không có hành vi vi phạm pháp luật để xử lý.
Video: CSGT nhận mãi lộ và cái kết không ai mong muốn
Trước đó, ngày 7/9, báo chí đăng tải clip ghi lại hình ảnh tại giao lộ Hoàng Minh Giám - Hồng Hà (quận Phú Nhuận, TP.HCM), một CSGT và một học viên thực tập "lập chốt" kiểm tra xe.
Theo nội dung clip, một ô tô mang biển số 61A bị cảnh sát chặn lại khi tài xế lái vào đường cấm. Sau đó, tài xế cầm theo giấy tờ trình viên thượng sĩ CSGT, rồi rút ví…
Sau khi nhận vật giống tiền, viên thượng sĩ làm vài động tác rồi trả lại giấy tờ cho tài xế mà không lập biên bản.
Chỉ trong khoảng 1 giờ, tại khu vực này có ba ô tô vi phạm bị xử lý với quy trình như trên, hoàn toàn không lập biên bản.
Một trường hợp khác được ghi nhận vào ngày 14/6, một ô tô 7 chỗ bị dừng xe cũng tại khu vực trên.
Viên trung úy CSGT "soi" rất kỹ chiếc xe, làm động tác như chuẩn bị lập biên bản. Từ trong xe, một phụ nữ bước xuống và nói chuyện với viên trung úy.
Sau cuộc nói chuyện kéo dài khoảng 1 phút, người phụ nữ và viên trung úy tiến lại gần hàng rào tôn, nơi kín đáo, mở túi xách, lần lượt rút nhiều tờ giống tiền mệnh giá 500.000 đồng, rồi đưa cho viên trung úy. Sau đó, viên trung úy đưa lại giấy tờ cho người phụ nữ rồi quay đi.
Chiều 7/9, trao đổi với báo chí qua điện thoại, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng tham mưu kiêm phát ngôn của Công an TP.HCM, cho biết, ông đã xem clip ghi cảnh CSGT nhận tiền "mãi lộ" của người vi phạm ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình).
Theo đại tá Quang, hiện vụ việc đã được báo cáo lên Giám đốc Công an TP. Lãnh đạo Công an TP đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) điều tra, xác minh cụ thể cán bộ chiến sĩ có mặt trong clip để xử lý.
Ông Quang cho hay, bước đầu đã xác định có 3 cán bộ chiến sĩ liên quan đến hình ảnh và thông tin Báo Tuổi Trẻ phản ánh gồm: Thượng uý Nguyễn Thịnh Ph., thượng uý Nguyễn Minh H. và trung uý Trịnh Xuân Ph. thuộc Đội CSGT Tân Sơn Nhất ( PC 67).
Ngày 8/9, Đại tá Quang ch biết: "Công an TP.HCM đã đình chỉ 3 cán bộ liên quan đến sự việc. Quan điểm của Công an TP là xử lý nghiêm, kiên quyết không bao che, dung túng cán bộ, chiến sĩ vi phạm".
Người phát ngôn của Công an TP.HCM cũng khẳng định Công an TP.HCM sẽ xử lý nghiêm, kiên quyết, không bao che, dung túng cán bộ cảnh sát vi phạm.
Điều 279 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
Điều 289 Bộ luật Hình Sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội đưa hối lộ như sau:
“1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.
6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”.
Bình luận