Thanh niên này không mắc bệnh lý về tim mạch hay bệnh mạn tính nào, song nghiện thuốc lá, hút hơn một bao thuốc mỗi ngày.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lưu Tuấn Việt, khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nam thanh niên bị nhồi máu cơ tim cấp. Kết quả chụp động mạch vành qua da phát hiện huyết khối gây tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước, bác sĩ chỉ định hút huyết khối và đặt stent.
Sau can thiệp, người bệnh không còn cảm thấy đau tức ngực và khó thở, sức khỏe ổn định.
Trước đó, nam thanh niên 34 tuổi, quê Phú Thọ khó thở cũng được gia đình đưa vào viện trong tình trạng đau ngực dữ dội. Người bệnh được cho điện tim và đưa vào phòng can thiệp. Khi chụp mạch vành, bác sĩ phát hiện tắc cụt hoàn toàn động mạch liên thất trước từ đoạn đầu, diện nhồi máu rất lớn, lý giải phần nào cho việc bệnh nhân đi vào sốc rất sớm.
Ngày 21/8, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng tiếp nhận một trường hợp người trẻ bị nhồi máu cơ tim cấp. Đó là nam thanh niên 31 tuổi, trú tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. 23h đêm, người này bất ngờ đau tức dữ dội vùng ngực trái, phải đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Theo các chuyên gia, bệnh lý tim mạch đang trẻ hóa. Các nghiên cứu cũng cho thấy ngoài yếu tố nguy cơ truyền thống như huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá, hiện nay ở người trẻ có thêm các yếu tố nguy cơ là căng thẳng, thức khuya, béo phì.
Bác sĩ khuyến cáo, những bệnh nhân tiền sử mỡ máu cao, hoặc có người nhà bị mỡ máu cao (yếu tố nguy cơ mang tính chất gia đình, do ăn cùng chế độ ăn uống và sinh hoạt…) nên theo dõi sức khỏe sát sao. Họ cần uống thuốc theo đúng đơn bác sỹ đã kê, ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn thịt đỏ và nội tạng động vật, tập thể dục thường xuyên và lưu ý đi khám sức khỏe định kỳ từ 3-6 tháng/lần.
Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (đặc biệt là đột nhiên xuất hiện các cơn đau tức ngực, khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn…) cần đến các cơ sở y tế sớm để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn điều trị.
Bình luận