Cả nhà 6 miệng ăn nhưng bữa nào món chủ đạo cũng chỉ rau muống luộc. Hôm nào có tí gì tươi tươi như cá kho (cá đồng tiền bé tí tẹo, mình mỏng dẹt, rặt xương là xương, hoặc cá mè ranh), hay tí thịt bạc nhạc rang đã là tươm tất lắm, người cứ sướng run lên.
Ngày còn bé, năm nào cũng mong ngóng đến Tết.
Mong đến Tết để được ăn ngon, được mua quần áo mới.
Năm nào con gái rượu cũng được ngồi vắt vẻo sau xe đạp đi sắm Tết với bố. Nói là sắm Tết cho oai chứ bố con ra về cũng chỉ tòn ten một cành đào và túi mứt Tết, trong đó èo uột vài món hàng mậu dịch như hộp mứt, gói chè «ba hào», bao thuốc lá, miếng bì lợn sấy khô,... Bố cưng chiều con gái rượu duy nhất nên thường mua cho chiếc nơ cài tóc kết bằng vải nhựa màu để làm dáng. Năm nào khá tí nữa thì được thêm đôi dép nhựa Tiền Phong, bộ quần áo vải phin (hay vải chéo). Có thế thôi mà đã sướng run người, chạy khoe khắp khu tập thể. Tối nằm ngủ nơ vẫn cài mái tóc, tay vẫn ôm khư khư bộ quần áo và đôi dép.
Quanh năm nuôi gà, vịt nhưng hầu như chỉ được ăn khi Tết đến, hoặc khi nhà có khách đặc biệt, hoặc có ai ốm đau, hoặc khi…. gà bị rù, vịt bị chết. Khổ thế đấy. Thế nhưng, xung quanh mọi nhà đều thế cả nên cũng không lấy thế làm buồn, làm khổ. Thậm chí còn thấy vui sướng là khác.
Lớn chút nữa, là con gái duy nhất trong nhà nên mọi việc chuẩn bị cho Tết đều đến tay. Đến giờ vẫn không sao quên được những ngày giáp Tết, mưa phùn giá rét, cả người run lập cập, hai bàn tay nhăn nhúm vì rửa lá dong, vo nếp, đãi đậu, bóc hành. Mấy đứa con nít trong khu vừa làm vừa tán phét râm ran quanh bể nước của khu tập thể. Lạnh, rét cóng người nhưng mà vui. Cứ xong nồi bánh chưng là nhẹ hết cả người. Tự gói bánh nhưng lại mang vào bếp tập thể của trường thuê luộc nên cũng đỡ vất vả đôi chút, tuy thế lại thiếu mất cái thú vui thức đêm trông nồi bánh chưng.
Mua sắm hàng Tết xưa
Chiều tối ba mươi, sau bữa cơm cúng tất niên, trẻ con cả khu lại í ới nhau tụ tập chơi đủ thứ, từ tú lơ khơ, tam cúc cho đến bịt mắt bắt dê, trốn tìm. Có năm, cả khu vừa đốt pháo râm ran đón giao thừa thì cả lũ rủ nhau chơi trốn tìm. Bí quá không có chỗ nấp tôi lao ngay vào nhà bác Thạch bố thằng “Phúc gái” (thằng này tính như con gái, lại biết thêu thùa, đan lát rất khéo nên bị trẻ con cả khu sư phạm gọi là Phúc gái, còn con Hạnh em gái nó thì tướng mạo và tính tình y hệt đàn ông nên bị gọi là con “Hạnh giai”). Chẳng hiểu đen đủi thế nào mà vừa ra giêng thì con lợn nhà nó lăn quay ra chết. Bố mẹ nó cứ đổ riệt là do mình xông đất. Đứa trẻ con dại nghếch có biết gì đâu nên nghe thấy bị qui tội tày định đó thì sợ chết khiếp. Của đáng tội, ngày đó lợn mà chết còn kinh hơn bố chết. Bởi thế, có câu chuyện tiếu lâm kể rằng có vị giáo sư khi đang thao thao giảng bài thì người nhà đến báo bố hấp hối, vị nọ vẫn hăng say nói không phanh được. Người nhà đành đánh liều chạy vào ghé tai rỉn ra mấy lời “ông ơi, lợn chết, lợn chết”. Nghe đến thế vị giáo sư nọ bủn rủn chân tay, bắn ngay ra khỏi bục, tức tốc lao về nhà. Thời buổi đói nghèo thê lương đến thế!
Trong mấy ngày Tết kiểu gì lũ bạn cũng rủ nhau nhảy tàu điện ra phố Thuốc Bắc thăm cô giáo chủ nhiệm cấp 2. Quà cho cô khi là cây dừa tết bằng phim, khi là bức tượng thạch cao hình cô gái cầm cuốn sách, khi là một con hươu nho nhỏ xinh xinh bằng thủy tinh đựng nước màu xanh đỏ. Ngày ấy, quà tặng cho cô chỉ sơ sài thế thôi, đâu có phong bao phong bì, quà cáp như ngày nay, nhưng tình cảm thì nồng ấm vô cùng. Buồn cười nhất là vừa ra khỏi nhà cô, trước khi trèo lên tàu điện để về, cả lũ còn tính tính toán toán chia nhau tiền đóng góp mua quà cho cô…. Là con gái, lên cấp ba bắt đầu biết ăn diện đôi chút. Chiếc áo đẹp nhất là chiếc sơ mi may bằng vải lụa hoa do anh trai ở Liên Xô gửi về. Mùa đông thì tứ đời mặc chiếc áo nhung đen sờn và rách hai khuỷu tay, của mẹ. Mãi đến đầu cấp 3 mới có nổi một chiếc áo len, màu tím hoa cà, đan từ chiếc áo len cũ của bà ngoại. Ngày bà ngoại mất, mẹ giữ lại chiếc áo của bà làm kỉ niệm. Mẹ tháo ra, hấp lại và đan cho con gái chiếc áo diện Tết. Chỉ thế thôi mà con gái thấy làm hãnh diện và sung sướng lắm, diện mãi. Suốt cả thời thiếu nữ con gái của mẹ cũng chỉ có mỗi chiếc áo len ấy.
Rồi lớn lên, lấy chồng quê xa.
Quê chồng nghèo xác, nghèo xơ.
Xưa chỉ biết đến cái nghèo xứ này qua văn chương, nay thì, “mục sở thị” tận nơi…
Nhiều lần nói vui với chồng: Tớ lấy cậu coi như trúng số độc đắc. Việt Nam nghèo nhất thế giới, Nghệ An nghèo nhất Việt Nam, Nghi Lộc lại nghèo nhất Nghệ An (vùng đất được gọi là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”), Nghi Trường nghèo nhất Nghi Lộc (“đất Nghi Phong cồn khô cát bạc, đất Nghi Trường chó chạy phỏng chân”), nhà cậu nghèo nhất Nghi Trường (vì gia đình chồng tuy ở quê nhưng lại không phải nhà nông nên quanh năm đói).
Chồng đi bộ đội mới được ăn no bằng cơm.
Chẳng thể nào quên được những lần về quê chồng ăn Tết. Tết nào chiếc xe tuyến của Học Viện Quân Y chở các gia đình người Nghệ Tĩnh về quê cũng ngật ngưỡng bò trên đường. Đồ đạc chất đầy lên tận nóc xe, từ đồ dùng cho đến đồ ăn, thức uống. Nào gạo nếp, gạo tẻ, thịt thà, rau cỏ,… Đất chó ăn đá, gà ăn sỏi, đến cả su hào, cà rốt cũng phải tha lôi về quê. Nhiều nhà còn chất cả xe đạp lên nóc ô tô để về quê còn có cái mà đi chúc Tết bà con xa. Người ngợm và hàng hóa chất đống trong xe đến ngạt thở. Sao dạo đấy tuyệt chẳng thấy công an phạt xe chở quá trọng tải và số hành khách cho phép nhỉ? Mà cũng may không có chuyến nào bị lật nhào. Hai vợ chồng năm nào cũng chuẩn bị Tết cho toàn bộ đại gia đình nhà nội không thiếu thứ gì, chắc chỉ trừ lá dong và lạt. Cũng bánh kẹo, gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh, thịt, giò, mì chính, đường, sữa, hương, miến, măng, mì đa, mì tôm, (mì tôm ngày đó được ba chồng quí như đặc sản). Chồng bảo gạo nếp ở quê không ngon, nấu bánh không dẻo nên lọ mọ kiếm cả nếp cái hoa vàng mang về quê gói bánh. Giờ nếp cái hoa vàng bán giăng giăng khắp nơi chứ ngày xưa thuộc hàng cao cấp, khó kiếm. Ở Nghệ An chỉ thắp trầm, chồng còn cẩn thận mang cả hương Hà Nội về thắp cho Tết có hương vị Bắc.
Mâm cơm ngày Tết
Vợ chồng lần nào về quê cũng thấy mẹ, dáng bé nhỏ, giấu chiếc rá sau lưng, con cón sang nhà hàng xóm vay gạo. Các con mới chân ướt chân ráo ở Hà Nội về chẳng nhẽ lại hỏi có mang gạo về không để mẹ nấu cơm.
Thấy cảnh đó, con dâu ngoảnh đi chùi vội giọt nước mắt. Ở Hà Nội cũng chỉ ăn gạo đong 13kg/tháng theo tiêu chuẩn nhà nước, tuy thế nhưng chưa bao giờ đứt bữa, lèng tèng ra cũng còn có cơm độn bo bo hay “bánh nắp hầm” (thứ bánh làm bằng bột ngô pha bột mì để ăn thay cơm)
Bữa cơm tất niên ở nhà chồng bao giờ cũng là thịt chó.
Làm thế cho rẻ, cho tiện vì “của nhà trồng được”, chỉ cần tóm lấy một «anh» trong cả đàn đang chạy ngoắng ngoài sân là xong.
Ba chồng bảo “quê mình có đặc sản là bánh chưng bất nhân (không có nhân) con ạ”.
Canh bù (bầu) khô thay cho canh măng. Từ ngày có vợ chồng thằng con trai lập nghiệp ở Hà Nội về ăn Tết cả nhà mới được biết đến món giò và canh măng khô (măng lưỡi lợn hẳn hoi).
Gia đình nhà chồng thuộc nền nếp gia phong cũ. Mẹ và các con gái lúc nào cũng chỉ ngồi mâm dọn ra ở nhà dưới, những đồ ăn ngon nhất bao giờ cũng dọn lên mâm trên (bày trên nhà thờ) cho ba và các con trai. Từ ngày có cô con dâu “tân thời” từ Hà Nội về nói mãi mẹ mới chịu lên mâm trên ăn với ba và các con trai. Mà cũng không phải dễ thuyết phục bà. Nói mãi không được nên có lần con dâu đành xuống bếp bế luôn mẹ chồng ra sân quay mấy vòng rồi mang vào nhà đặt bà ngồi cạnh ông. Bà có lẽ là người đàn bà hiền lành nhất mà tôi biết. Cả đời bà chưa nói nặng hay nói to với ai một câu, nhẹ nhàng, hiền hậu với cả vật nuôi trong nhà.
Tết của những ngày xưa có mùi rất đặc trưng, mùi thơm của pháo. Mùi pháo quyện với mùi hương, mùi bánh chưng mới luộc làm nên mùi của Tết.
Từ ngày không còn được nghe thấy tiếng pháo, ngửi mùi pháo và nhìn thấy xác pháo hồng tràn ngập khắp nơi, cảm giác về Tết, nhất là thời khắc giao thừa, khác hẳn, trống rỗng và nhẹ bẫng hẳn đi.
Rồi những ngày dài xa xứ.
Tết đến, dù không phải là dịp nghỉ, ba mẹ vẫn cố gắng tạo hương vị Tết đầy ắp trong nhà mình. Ba hì hụi gói bánh chưng, giò xào, mẹ cùng con gái ngồi làm cành đào. Sau này có thêm thằng út bò lổm ngổm quanh phòng, bốc nếp và đậu xanh rải khắp nhà. Chỉ thế thôi mà lòng nhẹ hẳn nỗi buồn xa xứ.
Tết bây giờ cái gì cũng làm sẵn, chỉ cần vài phút ra chợ hay vào siêu thị đã có thể mang Tết về nhà.
Một cặp bánh chưng, một nồi măng nho nhỏ, một con gà cúng.
Thế là xong Tết.
Tranh thủ những ngày nghỉ để làm những việc mình yêu thích, chuyện trò với những người mình quí mến.
Người lớn chắc chẳng mấy ai còn mong Tết đến.
Trẻ con còn mong Tết, vì được thoát gánh nặng bài vở mấy ngày.
Càng ngày mình càng hờ hững với Tết.
Mà cũng không chỉ với Tết.
Hay là mình bắt đầu già?
Nguyễn Thị Phương Hoa
Bình luận