• Zalo

Nhờ Asian Cup, công nghệ VAR trở thành 'sứ giả cảm xúc' thế nào?

Thể thaoChủ Nhật, 03/02/2019 15:00:00 +07:00Google News

Công nghệ VAR mang lại công bằng cho bóng đá, đồng thời không khiến môn thể thao vua mất đi những cảm xúc, kịch tính vốn có.

Phút 90+2, sân Kazan Arena, Nga, từ tình huống chuyền bóng của đồng đội, Kim Young Gwon nhanh chân sút bóng tung lưới Manuel Neuer, mở tỉ số cho Hàn Quốc trước Đức. Trọng tài biên căng cờ việt vị bàn thắng bị từ chối.

Từ lời tư vấn của tổ trọng tài trong phòng kỹ thuật, ông Mark Geiger quyết định dừng trận đấu và tham khảo băng hình. Trên khán đài, các cổ động viên Hàn Quốc và cả Đức bắt đầu cầu nguyện. Sau ít phút xem xét, trọng tài công nhận bàn thắng cho Hàn Quốc. Đội bóng Đông Á ăn mừng trong vỡ oà, trong khi người Đức đổ gục xuống sân. Giây phút ấy, ai nói công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) đã cướp đi cảm xúc của môn thể thao vua?

VAR ra đời và được ứng dụng vào bóng đá để giảm thiểu tranh cãi, hỗ trợ trọng tài trong những tình huống nhạy cảm và khó quan sát (phạm lỗi trong vòng cấm, đánh nguội,...), song bản thân VAR cũng mang tới tranh cãi khi nhiều cổ động viên cho rằng máy móc và công nghệ sẽ khiến bóng đá đánh mất tính bản năng, cảm xúc nguyên thuỷ của nó. Có VAR, Diego Maradona sẽ không bao giờ có "bàn tay của Chúa" để khiến người Anh căm hận ngàn năm.

Có VAR, Luis Garcia sẽ không có "bàn thắng ma" lịch sử khiến Chelsea ôm hận trước Liverpool. Hay có VAR, cú sút xa của Frank Lampard vào lưới Đức sẽ lên đầu trang nhất các báo với chính danh "siêu phẩm", thay vì bị trọng tài Jorge Larrionda từ chối trong tiếc nuối.

Thực ra, tranh cãi hay sai lầm trọng tài là một phần tất yếu của bóng đá, đồng hành cùng bóng đá từ giai đoạn sơ khai đến hiện đại. Có những sai lầm thú ví đến mức được ghi vào trong sử sách. Nhưng một phần tất yếu còn quan trọng hơn của bóng đá, khiến VAR bắt buộc phải ra đời và từng bước áp dụng, đó là bóng đá phải công bằng.

Đó là lí do trọng tài ra đời, và khi trọng tài không còn đủ nhanh (vì trọng tài không phải cái máy) để theo kịp tình huống với 90 - 95% độ chuẩn xác, VAR sẽ làm thay việc đó.

VAR 3

Công nghệ video hỗ trợ trọng tài phát huy hiệu quả ở Asian Cup.

Sự có mặt của VAR khiến bóng đá mất đi ít nhiều tranh cãi, nhưng bóng đá không chỉ thú vị nhờ tranh cãi. Thậm chí, tranh cãi từ sai lầm rất có thể nảy sinh cảm xúc tiêu cực và để lại hệ luỵ khôn lường, trong thời đại truyền thông đại chúng phát triển cực mạnh. 

Nhờ có VAR, pha dùng tay chơi bóng của đội trưởng Maya Yoshida bên phía Nhật Bản mới bị phát hiện, khiến tuyển Việt Nam tránh được một bàn thua oan. Cũng nhờ VAR, tình huống Tiến Dũng đưa chân tác động rất nhanh, rất nhỏ vào những bước chạy của Ritsu Doan mới được làm rõ, giúp Nhật Bản được hưởng quả phạt đền hợp lệ.

Nếu không có VAR, Yoshida ghi bàn bằng tay, Nhật Bản bị từ chối phạt đền, tỉ số vẫn là 1-0 cho đội bóng xứ mặt trời mọc, song rõ ràng, sự góp mặt của VAR giúp hai tình huống trở nên minh bạch, không đội nào phải chơi với tư thế ấm ức vì bị xử ép.

VAR cũng giúp Nhật Bản được hưởng một quả phạt đền khác khi pha căng ngang của Takumi Minamino đưa bóng chạm tay một hậu vệ Iran, nhưng VAR cũng lấy đi của thầy trò HLV Hajime Moriyasu cơ hội ngược dòng trước Qatar trong trận chung kết khi xác định tình huống để bóng chạm tay của Yoshida (vâng, lại là Yoshida). Rất nhiều lần công nghệ tiên tiến này được các trọng tài sử dụng, song chẳng ai nói trận Iran 0-3 Nhật Bản hay Nhật Bản 1-3 Qatar là... vô cảm.

truc tiep nhat ban vs qatar

Nhật Bản là đội có nhiều tình huống phải tham khảo VAR nhất.

Thậm chí, nhờ có VAR, các cầu thủ đã dè chừng hơn khi định "ăn vạ" trong vòng cấm để kiếm phạt đền hay đánh nguội, chơi xấu đối thủ.

Tất nhiên, việc áp dụng VAR ở Asian Cup đã nhuần nhuyễn hơn World Cup hay Serie A (Italia). Các trọng tài không lạm dụng công nghệ để cắt xẻ trận đấu liên tục, hay cắt còi để xem băng hình khi tình huống trôi qua quá lâu. Khi công nghệ được ứng dụng, tính công bằng của bóng đá sẽ được đảm bảo, dẫu vẫn có trên dưới 5% sai sót không thể kiểm soát hoàn toàn.

Và bóng đá, vẫn sẽ hấp dẫn như vốn dĩ bản chất của nó. Khoảnh khắc trọng tài dừng trận đấu để xem lại băng hình, có ai dám chắc mình không... nín thở, để rồi vỡ oà hoặc đau khổ khi ông vua áo đen ra quyết định lần thứ hai?

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn