Chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 sẽ được truyền hình trực tiếp vào sáng mai 20/9. Nhìn lại hành trình của 4 thí sinh có mặt trong chung kết là Nguyễn Thị Thu Hằng (Ninh Bình); Vũ Quốc Anh (Đắk Lắk); Văn Ngọc Tuấn Kiệt (Quảng Trị) và Lưu Đào Dũng Trí (Hà Nội).
Thí sinh nữ duy nhất - Nguyễn Thị Thu Hằng
Lần đầu tiên sau 8 năm, một thí sinh nữ giành vé vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 là Nguyễn Thị Thu Hằng, học sinh trường THPT Kim Sơn A, tỉnh Ninh Bình.
Tại cuộc thi quý diễn ra tháng 11/2019, Thu Hằng tranh tài cùng ba thí sinh nam là Nguyễn Xuân Huy (THPT Thăng Long, Hà Nội), Trần Minh Triết (THPT chuyên Trần Hưng Đạo, Bình Thuận) và Bùi Toàn Thắng (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng).
Ở phần thi Về đích, Thu Hằng có chiến thuật hợp lý. Em giành 20 điểm từ gói câu hỏi của Minh Triết, trả lời đúng hai câu hỏi 10 điểm trong gói của mình. Kết thúc cuộc thi, Thu Hằng có 175 điểm, qua đó mang cầu truyền hình về trường THPT Kim Sơn A. Hai bạn Minh Triết và Xuân Huy cùng có 170 điểm và Toàn Thắng 80 điểm.
Chiến thắng kịch tính ở phút cuối khiến nhiều người xúc động, Thu Hằng hứa sẽ cố gắng hơn để cầu truyền hình tại trường Kim Sơn A bùng nổ thật sự trong trận chung kết ngày mai 20/9.
Hiện Thu Hằng nắm giữ kỷ lục là thí sinh nữ sở hữu số điểm cao nhất trong lịch sử từ trước đến nay của chương trình Đường lên đỉnh Olympia với 350 điểm.
Thu Hằng từng là Á khoa đầu vào lớp 10 của trường THPT Kim Sơn A. Không chỉ giỏi các môn tự nhiên, Thu Hằng còn có năng khiếu ca hát và tham gia các hoạt động tập thể.
Thí sinh có điểm số cao nhất - Vũ Quốc Anh
Vũ Quốc Anh hiện là học sinh lớp 12 trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk. Trên hành trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 (tính đến hết Quý IV) Quốc Anh đang là thí sinh giữ thành tích cao nhất với số điểm 385; hai lần đạt điểm tuyệt đối phần thi Vượt chướng ngại vật, trong đó có kỷ lục giải mã từ khóa nhanh nhất.
Đặc biệt, trong ba lần giành được vòng nguyệt quế ở trận thi tuần, tháng và quý, Quốc Anh đều giành chiến thắng tuyệt đối và ghi đậm dấu ấn.
Cụ thể, Quốc Anh về nhất cuộc thi tuần với số điểm 385 - lập kỷ lục thí sinh có số điểm cao nhất Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20; cách biệt, hơn thí sinh về nhì 185 điểm; gấp đôi thí sinh về thứ ba; gấp năm lần thí sinh về thứ tư.
Đến trận thi tháng, nam sinh Đắk Lắk tiếp tục thể hiện phong độ xuất sắc và liên tục dẫn đầu trong suốt cuộc đua. Dấu ấn lớn nhất của Quốc Anh trong trận thi tháng là phần thi Vượt chướng ngại vật.
Từ khóa cần tìm có 11 chữ cái. Ngay trong những giây đầu tiên, khi MC Diệp Chi chưa đọc xong câu hỏi hàng ngang gợi ý đầu tiên, Anh đã nhấn chuông trả lời từ khóa của chương trình với suy nghĩ "nếu lần này không liều thì chưa chắc đã có lần sau để em liều".
Quốc Anh đưa ra đáp án "Rác thải nhựa" và giành 80 điểm - số điểm tuyệt đối của phần thi này. Đồng thời khép lại phần thi nhanh gọn một cách chóng vánh, lập kỷ lục mới cho cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia thập kỷ 2020.
Trận thi quý, Vũ Quốc Anh tiếp tục giành được chiến thắng tuyệt đối so với các nhà leo núi khác. Lần thi này, Quốc Anh chiếm ưu thế lớn trong phần thi khởi động và phần thi Về đích. Khán giả được chứng kiến sự bùng nổ của Quốc Anh. Cậu đã liên tục giành quyền trả lời và ghi được điểm từ lượt thi của ba thí sinh còn lại. Quốc Anh trả lời chính xác 2/3 câu hỏi, chung cuộc nam sinh đạt 300 điểm- chính thức mang cầu truyền hình chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 về Đắk Lắk.
Chàng trai lội ngược dòng - Văn Ngọc Tuấn Kiệt
Văn Ngọc Tuấn Kiệt (THPT Thị xã Quảng Trị, Quảng Trị) là một trong bốn ứng viên vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20.
Ở chặng thi tuần Tuấn Kiệt có cuộc đua lội ngược dòng ngoạn mục thì chặng tháng là chiến thắng giòn giã, chặng quý cạnh tranh, nghẹt thở đến câu hỏi cuối cùng. Chung cuộc Tuấn Kiệt ghi danh tranh tài trận chung kết năm Olympia ở quý III với nhiều cung bậc cảm xúc chiến thắng.
Cụ thể, trận thi tuần, cậu đã có khởi đầu thuận lợi khi đạt 90 điểm, nhưng đánh mất ưu thế dẫn đầu trong phần thi Vượt chướng ngại vật tiếp theo khi đưa ra đáp án không chính xác từ khóa và mất quyền chơi.
Sau phần thi Tăng tốc, cậu xếp vị trí thứ ba. Đến Về đích, cậu có cuộc ngược dòng ngoạn mục ghi liền 100 điểm để giành chiến thắng chung cuộc 270 điểm.
Trận thi tháng, cậu có chiến thắng giòn giã thuyết phục với 310 điểm. Ngay từ hai phần thi đầu tiên Khởi động và Vượt chướng ngại vật cậu đã chiếm được ưu thế dẫn đầu khi có giải được nhiều câu hỏi nhất; giải mã từ khóa "Rơm" ngay khi hàng ngang đầu tiên được giải đáp.
Sang phần thi Tăng tốc, cậu tiếp tục giữ ngôi đầu với khoảng cách an toàn, cách người thứ hai 60 điểm. Đặc biệt, trong phần thi Về đích, trước khi đến lượt thi của mình, cậu đã có 290 và cầm chắc chiếc vòng nguyệt quế.
Trận thi quý diễn ra gay cấn, Tuấn Kiệt sau phần khởi động "hụt chân" đã vươn lên vị trí dẫn đầu khi giải được từ khóa Vượt chướng ngại vật là "Miễn dịch"; củng cố vị trí ở phần thi Tăng tốc. Trong phần thi Về đích, Tuấn Kiệt giành được vòng nguyệt quế, đưa cầu truyền hình trực tiếp trận chung kết năm Olympia năm thứ 20 về Quảng trị.
Văn Ngọc Tuấn Kiệt là người thứ tư đưa cầu truyền hình trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia về tỉnh Quảng Trị trong vòng 6 năm qua.
Ở trường, Tuấn Kiệt là thành viên đội tuyển học sinh giỏi Toán, 9 năm liên tiếp dự thi Olympic tiếng Anh qua Internet và đều có giải cấp tỉnh, dự thi “Tự hào Việt Nam”, 2 lần tham gia cuộc thi “Chinh phục đỉnh cao” do trường tổ chức.
Người chuyên về Nhì- Lưu Đào Dũng Trí
Trong bốn ứng viên tranh tài chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20, Lưu Đào Dũng Trí (THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) được đánh giá có hành trình leo núi gập ghềnh, nhiều cung bậc cảm xúc nhất.
Hai lần hụt chân tưởng dừng cuộc chơi; một lần liên quan đến đáp án chưa chuẩn kiến thức lịch sử vẫn có điểm, nhưng chỉ một lần đoạt vòng nguyệt quế cậu đã vào chung kết năm.
ở vòng thi tuần, Dũng Trí chỉ có thể về nhì với 240 điểm. Với số điểm này, cậu vào chơi trận tháng bằng tấm vé nhì cao điểm nhất.
Trong trận thi tháng, Dũng Trí đã có phần khởi đầu khá tốt khi được 60 điểm để tạm vươn lên dẫn đầu. Song ưu thế này nhanh chóng bị mất trước sự bứt phá của Tạ Quang Hưng (THPT chuyên Bắc Ninh, Bắc Ninh) trong phần thi Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc.Nỗ lực trong phần thi về đích, Dũng Trí ghi thêm 85 điểm để kết thúc cuộc chơi với vị trí thứ hai 235 điểm.
Để biết có vé chơi trận quý IV, Dũng Trí phải chờ đợi 8 trận đấu khác, nhất là kết quả của hai trận thi tháng. Ngay trong trận thi tháng kế tiếp, số điểm 235 của Dũng Trí suýt bị thí sinh Trần Nhật Quang (THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai) san bằng. Khoảng cách người đi tiếp - kẻ dừng cuộc chơi chỉ là 5 điểm.
Sau hai lần bước qua "khe cửa hẹp", Dũng Trí đã có mặt trong trận thi quý - trận đấu mà các thí sinh muốn đi tiếp bắt buộc phải chiến thắng. Xếp thứ hai sau phần thi khởi động, Dũng Trí đã vươn lên ở Vượt chướng ngại vật và Tăng tốc, rồi nhẹ nhàng cán đích với 280 điểm.
Với số điểm này, Dũng Trí lần đầu tiên bước lên bục cao nhất đội chiếc vòng nguyệt quế Olympia và trở thành một trong bốn thí sinh tranh tài trận chung kết năm.
Bình luận