(VTC News) - Hãng tin RT uy tín Nga nói Syria đã trở thành mục tiêu không kích thứ 7 của Tổng thống Mỹ Obama, người đang sở hữu giải Nobel hòa bình.
Cuộc không kích vào 'căn cứ của nhà nước Hồi giáo tự xưng IS' hôm 23/9 vừa qua đã khởi đầu cho trận chiến chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan do Mỹ dẫn đầu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama |
Kể từ năm 1942, khi tham gia Thế chiến II đến nay, Mỹ chưa hề tuyên bố chiến tranh với nước nào. Tuy nhiên, theo RT, Syria đã trở thành quốc gia thứ 7 hứng chịu oanh tạc từ không quân Mỹ kể từ khi Tổng thống Obama nắm quyền cho tới nay.
Washington được cho là sẽ không tìm sự hậu thuẫn từ Tổng thống Syria Bashar Assad, người vốn 'không được lòng' Mỹ.
Video: Mỹ phóng tên lửa Tomahawk tấn công IS
Ít nhất 120 người đã thiệt mạng sau trận không kích, theo thống kê của Tổ chức quan sát nhân quyền Syria.
Hãng tin RT bình luận rằng khi Lầu Năm Góc nói 'cuộc chiến chống IS sẽ tốn ít nhất vài năm', đây hoàn toàn không phải lời nói đùa.
Afghanistan (2001 tới nay)
Đây là quốc gia đầu tiên hứng chịu bom Mỹ trong thế kỷ 21. Việc này khởi nguồn từ vụ khủng bố chấn động nước Mỹ và thế giới hôm 11/9/2001. Trùm khủng bố Osama Bin Laden đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng Taliban tuyên bố sẽ không giao nộp Bin Laden cho Mỹ.
Binh lính Mỹ ở Afghanistan |
Cuộc chiến bắt đầu từ thủ đô Kabul của Afghanistan và sau đó lan ra các thành phố lớn khác như Kandahar và Jalalabad.
Những trận chiến này khiến chế độ cai trị hà khắc của Taliban bị lật đổ, nhưng cũng gây ra hàng chục ngàn thương vong cho cả phía Mỹ và Taliban.
Bị cho là sa lầy trong chiến tranh ở Afghanistan, Mỹ đã quyết định bắt đầu rút quân từ tháng 6/2011 cho tới cuối năm 2014. Nhà Trắng tuyên bố trách nhiệm duy trì an ninh sẽ được chuyển giao cho chính quyền Afghanistan. Tuy nhiên, truyền thông Nga nói các cuộc không kích vẫn diễn ra lẻ tẻ ở nhiều nơi được cho là có tàn quân Taliban.
100 tỷ USD đã được Mỹ chi cho lực lượng an ninh Afghanistan, trong khi cuộc chiến từ năm 2001 đến nay đã khiến hơn 2.200 lính Mỹ bỏ mạng và 20.000 binh lính khác bị thương, theo thống kê của hãng tin AP.
Giới lãnh đạo Afghanistan được cho là cũng đang bất đồng gay gắt quanh việc quân đội Mỹ hiện diện trên đất nước này khiến 'quá nhiều thường dân thiệt mạng'. Tuần trước, tên lửa Mỹ đã sát hại 11 dân thường Afghanistan.
"Cuộc chiến ở Afghanistan là vì lợi ích của người nước ngoài. Nhưng người Afghanistan ở cả hai chiến tuyến là những con chiên hiến tế và nạn nhân của cuộc chiến này", RT dẫn lời Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai.
Yemen (2002 tới nay)
17 lính Mỹ thiệt mạng sau cuộc tấn công của Al-Qaeda vào chiến hạm USS Cole ở cảng Aden, Yemen năm 2000. Tháng 11/2002, chính quyền Yemen đồng ý để Mỹ thực hiện chiến dịch không kích chống lại lực lượng Al Qaeda.
Người Yemen phản đối các chiến dịch không kích của Mỹ |
Mục tiêu là Qaed Salim Sinan al-Harethi, người mà Mỹ tin rằng đã chủ mưu trong vụ tấn công chiến hạm Mỹ USS Cole và cũng là chỉ huy tối cao của Al Qaeda tại Yemen.
Người này sau đó thiệt mạng trên ô tô khi bị máy bay không người lái Mỹ dùng tên lửa bắn trúng. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, ông Paul Wolfowitz nói đây là chiến thuật rất thành công, buộc Al Qaeda phải thay đổi hoạt động.
Tiếp nối chính sách chống khủng bố của người tiền nhiệm George W.Bush, ông Obama đã cho tiếp tục không kích tiêu diệt Al Qaeda.
Tài liệu bị rò rỉ của Wikileaks nói chính quyền Yemen cũng đồng ý để ông Obama đưa tiếp tục sử dụng không quân ở Yemen.
Tin của RT cho rằng các cuộc không kích đã 'gia tăng đáng kể về số lượng', trong khi các tổ chức nhân quyền ở Yemen nói rằng số lượng dân thường thiệt mạng đang tăng lên bởi chiến dịch chống khủng bố của Mỹ.
Tổ chức quan sát nhân quyền Human Rights Watch nói số liệu phân tích 6 cuộc không kích năm ngoái của Mỹ đã giết chết 82 người Yemen, trong đó có tới 57 dân thường.
Iraq (2003-2011)
Sau bài phát biểu hôm 5/2/2003 của Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ với nội dung cáo buộc Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống lại chính quyền Tổng thống Saddam Hussein.
Binh lính Mỹ tham chiến ở Iraq |
Cuộc không kích đầu tiên diễn ra hôm 20/3/2003, và chỉ sau hai tuần, chính quyền của ông Saddam Hussein bị lật đổ. Tuy nhiên, sau đó quân đội Mỹ và đồng minh gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của các chiến binh dòng Hồi giáo Sunni và Shiite, xưa nay vẫn luôn tranh giành ảnh hưởng với nhau. Nhưng họ được cho là đã cùng nhau cầm súng chống lại lính Mỹ và đồng minh. Các chiến binh Al Qaeda cũng được cho là tham gia vào các cuộc phục kích nhằm vào người Mỹ trên đất Iraq.
Tháng 10/2013, bài viết đăng trên hãng tin AFP nói nửa triệu người Iraq đã thiệt mạng sau các cuộc không kích của Mỹ, nhưng số liệu này chưa được kiểm chứng độc lập.
Một nghiên cứu ở Mỹ được AFP trích dẫn nói 125.000 dân thường Iraq đã thiệt mạng do các cuộc không kích của Mỹ, hoặc là nạn nhân trong các vụ đánh bom liều chết nhằm vào lính Mỹ và liên quân.
Pakistan (2004 đến nay)
Theo hãng tin RT, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Pakistan đã bắt đầu dưới thời George W. Bush. Nhưng đến thời ông Obama, tần số xuất kích của máy bay Mỹ đã tăng đến mức độ chưa từng có.
Nhiều dân thường Pakistan bị cho là đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Mỹ |
RT dẫn số liệu từ báo chí Mỹ cho hay đã có 390 vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Pakistan kể từ năm 2004, trong đó có 339 vụ được thực hiện kể từ khi ông Obama lên nắm quyền. Điều này bị cho là đã dẫn đến gần 4.000 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 1.000 dân thường.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif được RT dẫn lời nói các cuộc không kích của Mỹ 'gây bất lợi lớn cho cuộc chiến chống khủng bố' và ông này cũng nói đây là vấn đề khiến quan hệ Mỹ-Pakistan gặp trở ngại.
Somalia (2007 đến nay)
Tháng 1/2007, Mỹ phát động không kích nhằm vào các lãnh đạo Al Qaeda ở Somalia, vốn bị Mỹ tin rằng đứng sau cuộc đánh bom vào Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania khiến hơn 200 người chết.
Không quân Mỹ được sự ủng hộ Tổng thống Somalia Abdullahi Yusuf Ahmed trong cuộc chiến chống Al Qaeda tại đây.
Đến tháng 9/2007, chiến binh thánh chiến Somali trong nhóm Al-Shabaab liên kết với Al-Qaeda, xác nhận rằng lãnh đạo của họ là Ahmed Godane máy bay không người lái Mỹ phóng tên lửa sát hại. Nhóm thánh chiến này sau đó tuyên bố sẽ chống lại người Mỹ đến cùng.
Nhiều tay súng Al Qaeda và các tổ chức thân cận đã thiệt mạng khi quân đội Mỹ tấn công trại Godane tại Somali với tên lửa Hellfire và bom dẫn đường bằng laser.
Libya (2011 đến nay)
Truyền thông Nga nhận định, việc cố đại tá Muammar Gaddafi không chịu từ bỏ quyền lực đã khiến Mỹ bắt đầu chiến dịch ném bom đất nước này. Tháng 3/2011, Tổng thống Mỹ được cho là đã ra tối hậu thư với ông Gaddafi: "Từ bỏ quyền lực, hoặc chúng tôi sẽ tấn công".
Cuộc nội chiến Libya đã kết thúc trong vòng 8 tháng, mặc dù sự hỗn loạn và súng vẫn nổ trong các cuộc giao tranh giữa các phe phái ở Libya. Hàng ngàn người Libya đã chết, bao gồm quân chính phủ, phe ly khai và dân thường.
Văn Việt
Bình luận