"Manchester United cảm ơn Jose Mourinho về những cống hiến trong thời gian qua. Chúc ông gặt hái nhiều thành công trong tương lai". Dòng thông báo ngắn gọn, lạnh lùng và rất công thức trên trang chủ MU chính thức khép lại gần hai năm rưỡi làm việc của Mourinho ở sân Old Trafford. Kết thúc buồn cho Người đặc biệt, song buồn hơn là nó phải đến sớm hơn, thay vì chỉ xảy ra khi đã quá muộn.
Video: Thất bại 1-3 trước Liverpool là trận đấu cuối của Mourinho tại MU
Mourinho làm được gì cho MU?
Sẽ không công bằng nếu phủ nhận sạch trơn mọi công lao của Mourinho. Chấp nhận ngồi vào ghế HLV trưởng MU trong giai đoạn hoàng hôn đã là quyết định dũng cảm của "Người đặc biệt". Nửa năm sau khi bị Chelsea sa thải đau đớn, Mourinho muốn chứng tỏ với cả thế giới rằng ông chưa hết thời. MU cũng muốn thể hiện họ không phải "đống tro tàn" sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu.
Họ tìm đến nhau, trong "cuộc tình" mà đôi bên đều khao khát sự thừa nhận.
Mourinho làm được gì cho MU? Một danh hiệu vô địch Community Shield ngay trong trận chính thức đầu tiên. Dẫu đây chỉ là danh hiệu nặng tính hình thức, việc đánh bại Leicester City để nâng cao chiếc khiên bạc khi mới nhậm chức được vài tuần là khởi đầu không thể hứa hẹn hơn.
Mùa giải 2016/17 trôi qua không thật sự suôn sẻ với MU ở Ngoại hạng Anh, song chức vô địch cúp Liên đoàn Anh sau trận chung kết nghẹt thở với Southampton và danh hiệu Europa League là đủ để Mourinho in dấu ấn ở mùa giải đầu tiên. Ông là HLV đầu tiên giành cú đúp danh hiệu ngay khi mới dẫn dắt Quỷ đỏ, trong mùa giải mà ông mới "xé nháp", chứ chưa có nhiều thời gian đặt dấu ấn.
Kỳ vọng đặt vào Mourinho chỉ lên cực đại ở mùa giải thứ hai, thời điểm ông đã chinh phục vinh quang cùng Porto, Inter Milan, Chelsea hay Real Madrid. MU được bổ sung hàng loạt hảo thủ như Nemanja Matic, Romelu Lukaku, Victor Lindelof,... kết hợp với dàn cầu thủ cũ, Quỷ đỏ được nhận diện là ứng viên vô địch hàng đầu.
Kết quả là, MU về nhì, kém Manchester City 19 điểm. Thực tế là trong mùa giải đội bóng của HLV Pep Guardiola giành tới 100 điểm và đè bẹp hầu hết mọi vật cản, thành tích Á quân của MU là chấp nhận được.
Đội bóng của Mourinho đã thắng tất cả các đối thủ trong "Big Six" ở ít nhất một trong hai lần đối đầu ở Ngoại hạng Anh năm ấy, tiêu biểu là màn ngược dòng quả cảm trên sân Etihad của Man City, khiến đối thủ không thể ăn mừng chức vô địch ngay sau trận derby Manchester.
Những sai lầm của Người đặc biệt
Đó là công, còn tội của Mourinho thì sao?
Chiến lược gia người Bồ Đào Nha có ba "điểm đen". Thứ nhất, Quỷ đỏ không đạt thành tích đáng kể so với kỳ vọng và khoản đầu tư trên thị trường chuyển nhượng của giới chủ Mỹ. Dù chi tiêu rất nhiều, mang về nhiều cầu thủ đắt giá, MU chỉ về đích ở vị trí thứ sáu ở mùa giải đầu tiên, kém đội dẫn đầu là Chelsea tới 24 điểm. Mùa giải thứ hai, MU về nhì (đã tiến bộ), nhưng lại trắng tay trên mọi đấu trường.
Ở Champions League, MU thua đau đớn trước Sevilla trên sân nhà, bị loại ở vòng 1/8. Cúp FA, Pogba cùng các đồng đội vào tới chung kết, nhưng không thể vượt qua vật cản cuối là Chelsea. Cúp liên đoàn Anh, MU trở thành cựu vương sau trận thua Bristol City - đối thủ nhỏ bé từ hạng dưới.
Mùa giải năm nay chứng kiến MU tiếp tục bết bát, nhưng tốc độ xuống dốc của đội chủ sân Old Trafford đã tăng phi mã. Giáng sinh còn chưa tới, MU đã hết hy vọng vô địch, kém ngôi đầu 19 điểm và đã bị loại khỏi cúp Liên đoàn Anh. Quỷ đỏ đang xếp thứ sáu ở Ngoại hạng Anh song mục tiêu dự Champions League giờ được mô tả như "một phép màu". Cả mùa năm ngoái, MU thủng 28 bàn. Sau 17 vòng mùa này, De Gea đã phải vào lưới nhặt bóng tới 29 lần. Đó là lý do khiến MU đang có hiệu số bàn thắng/ bại là... 0.
Một sự sỉ nhục với đội bóng lớn.
Thứ hai, Mourinho không tạo dựng được lối chơi có bản sắc cho Quỷ đỏ. Dưới thời chiến lược gia người Bồ Đào Nha, MU dù có nhiều hảo thủ tấn công, song luôn chủ trương chơi phòng ngự phản công và rình rập chờ sai lầm của đối thủ. Lối đá "ru ngủ" của Mourinho có thể phù hợp với bóng đá Italia hoặc những đội bóng với tiềm lực khiêm tốn như Porto, nhưng với MU thì không.
Khi Chelsea, Man City, Tottenham, Liverpool hay Arsenal đều đá đúng với phong thái đội bóng lớn và trình diễn thứ bóng đá đẳng cấp cao, MU vẫn cứ chậm chạp, nhàm chán và không có nhiều thay đổi. Trong quá khứ, Mourinho có thể lấy thành tích bao biện cho lối chơi. Song hiện tại, thành tích không có, "Người đặc biệt" chẳng còn lý do để tại vị.
Cuối cùng, mối quan hệ rạn nứt với cả ban lãnh đạo và cầu thủ khiến Mourinho không có "hậu phương" trong cuộc chiến sống còn này. Ông chỉ trích cấp trên, gây mâu thuẫn với Pogba, Anthony Martial, Eric Bailly, Alexis Sanchez, khiến phòng thay đồ của MU chìm trong không khí độc hại. Mourinho không giúp các cầu thủ tiến bộ lên hay đạt đến đẳng cấp mới. Dưới sự dẫn dắt của ông, hầu hết các học trò đều không còn là chính mình.
Sóng gió ập đến, Mourinho chê trách tất cả, trừ... bản thân mình. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha cũng không cho thấy thiện chí làm lành với tất cả để hướng tới thành công chung của đội bóng.
Khi MU sa sút, Mourinho chỉ biết đổ trách nhiệm cho tất cả. Và hôm nay, Mourinho là người gánh trách nhiệm cho thất bại của đội bóng, cũng như thất bại của chính ông khi những năm tháng hoàng kim đã nằm khuất sau chân núi.
Bình luận