• Zalo

Nhìn lại 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2015

Thế giớiThứ Năm, 31/12/2015 03:46:00 +07:00 Google News

COP 21, Cộng đồng ASEAN, khủng hoảng người di cư, các cuộc tấn công khủng bố... là những sự kiện quốc tế nổi bật năm 2015 do VOV bình chọn

COP 21, Cộng đồng ASEAN, khủng hoảng người di cư, các cuộc tấn công khủng bố, Nga can thiệp quân sự tại Syria... là những sự kiện quốc tế nổi bật năm 2015 do VOV bình chọn.
1.  Đạt được thỏa thuận lịch sử về hạn chế lượng khí thải toàn cầu.
Tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP21), đại diện của 195 quốc gia đã nhất trí thông qua Thỏa thuận Paris nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. 
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cùng các đại biểu hoan nghênh Thỏa thuận Paris
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cùng các đại biểu hoan nghênh Thỏa thuận Paris 
Đây là một thỏa thuận lịch sử, đạt được sau quá trình đàm phán căng thẳng với mục tiêu quan trọng nhất là giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm khống chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp cuối thế kỷ XIX, đồng thời kèm theo khuyến nghị quyết tâm đạt được mức 1,5 độ C. 
Thỏa thuận Paris sẽ bắt đầu có hiệu từ năm 2020 khi ít nhất 55 quốc gia, chiếm ít nhất 55% lượng khí thải toàn cầu, ký kết.
2. Hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015.
Tuyên bố Kuala Lumpur về Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 được Lãnh đạo 10 nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký kết là dấu mốc quan trọng của ASEAN trong 48 năm thành lập và phát triển. 
Lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015
Lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 
Việc hình thành Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột chính gồm Cộng đồng Chính trị- An ninh, Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa- Xã hội sẽ giúp khu vực hội nhập sâu rộng hơn, cạnh tranh hiệu quả hơn và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN. 
Đồng thời mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các thành viên như tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường; giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ; giảm tỷ lệ thất nghiệp; tạo thuận lợi đi lại.
3. Thế giới bày tỏ lo ngại và phản đối Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Những căng thẳng liên quan tới tranh chấp trên biển ở khu vực Biển Đông tiếp tục là chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn song phương, khu vực và quốc tế trong năm 2015. 
Phương tiện của Trung Quốc hút cát từ đáy biển để bồi đắp đảo trái phép
Phương tiện của Trung Quốc hút cát từ đáy biển để bồi đắp đảo trái phép 
Hành động của Trung Quốc đơn phương tự ý cải tạo, bồi đắp, thay đổi hiện trạng tại một số đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam gây quan ngại lớn cho cộng đồng quốc tế, đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. 
Nhiều nước đã phản đối và có hành động mạnh mẽ đòi Trung Quốc chấm dứt các hoạt động này. 
4. Khủng hoảng người di cư ở Châu Âu.
Cuộc khủng hoảng người di cư bao trùm các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất kể từ những năm 1940. 
Người tị nạn Syria tràn qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ
Người tị nạn Syria tràn qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ  
Riêng trong 10 tháng đầu năm 2015, số người di cư trái phép vào các nước thuộc EU đã lên tới hơn 1 triệu người, trong đó đa số là người Syria muốn thoát khỏi cuộc nội chiến.  
Cuộc khủng hoảng di cư đặt EU vào nguy cơ bất ổn an ninh, khiến khối này cân nhắc tạm dừng Hiệp ước về đi lại tự do (Hiệp ước Schengen). 
5. Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) cực đoan tiến hành nhiều vụ khủng bố đẫm máu.
Đỉnh điểm là 6 vụ tấn công khủng bố liên tiếp tại Paris đêm 13/11 làm 129 người chết và hơn 300 người bị thương. 
Người dân Paris đặt hoa và nến tưởng niệm nạn nhân các vụ tấn công khủng bố
Người dân Paris đặt hoa và nến tưởng niệm nạn nhân các vụ tấn công khủng bố  
Việc thủ đô Paris của Pháp bị khủng bố tấn công, làm chết nhiều thường dân đã gây chấn động toàn cầu. 
Nga cũng là mục tiêu khủng bố nhắm tới khi máy bay chở khách của Nga nổ tung trên bầu trời bán đảo Sinai của Ai Cập hôm 31/10 khiến toàn bộ 224 người thiệt mạng. 
Nước Mỹ cũng trở thành nạn nhân của IS khi ngày 2/12, một đôi vợ chồng có liên quan đến tổ chức này, đã xả súng giết chết 14 người ở thành phố San Bernardino, bang California. 
6. Nga can thiệp quân sự tại Syria.
Ngày 29/9, Quốc hội Nga đã nhất trí thông qua việc sử dụng không quân để hỗ trợ quân đội Syria chống lại các tổ chức khủng bố, đặc biệt là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). 
Hai máy bay Nga xuất kích tiêu diệt IS tại Syria
Hai máy bay Nga xuất kích tiêu diệt IS tại Syria 
Sự tham gia của Nga được đánh giá đã tạo nên thay đổi rõ rệt trong cục diện cuộc chiến chống IS ở Trung Đông. 
Tuy nhiên, sự can thiệp của Nga lại gây căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và một số quốc gia, điển hình là với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi không quân nước này bắn hạ máy bay Nga tại khu vực biên giới Syria với lý do bảo vệ không phận. 
7. Iran và Nhóm P5+1 đạt thỏa thuận hạt nhân toàn diện.
Ngày 14/7, Iran và nhóm P5+1 đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện mang tích lịch sử chấm dứt 12 năm đàm phán, đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ giữa Iran với các quốc gia phương Tây. 
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano trả lời phỏng vấn của Reuters về Thỏa thuận hạt nhân Iran
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano trả lời phỏng vấn của Reuters về Thỏa thuận hạt nhân Iran 
Thỏa thuận gồm ba nội dung trụ cột: Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân trong ít nhất một thập kỷ; quốc tế dỡ bỏ cấm vận chống Iran; tăng cường các biện pháp kiểm soát chương trình hạt nhân của Tehran. Ngày 18/10, Thỏa thuận chính thức có hiệu lực.
8. Hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngày 5/10/2015, Bộ trưởng Thương mại 12 nước thuộc Vành đai Thái Bình Dương đã hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 
Bộ trưởng các nước đàm phán TPP tại Atlanta, Mỹ
Bộ trưởng các nước đàm phán TPP tại Atlanta, Mỹ 
Đây là hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử thế giới. Mục tiêu của TPP là mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, xóa bỏ thuế quan và dỡ bỏ mọi rào cản thương mại, tạo cú hích phát triển mới ở từng nền kinh tế thành viên. Ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.  
9. Kỷ niệm 70 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít được tổ chức tại nhiều nước trên thế giới.
Nổi bật nhất là ngày 9/5/2015, tại quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow, Liên bang Nga đã tổ chức trọng thể cuộc duyệt binh lớn nhất trong lịch sử nước này để kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. 
Liên bang Nga tổ chức trọng thể cuộc duyệt binh lớn nhất trong lịch sử nước này để kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít
Liên bang Nga tổ chức trọng thể cuộc duyệt binh lớn nhất trong lịch sử nước này để kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít  
Chiến thắng phát xít không chỉ cứu nhân loại thoát khỏi họa phát xít, đem lại hòa bình cho toàn thế giới mà còn là một trong những cột mốc đánh dấu sự phát triển quyền tự quyết, quyền độc lập của các dân tộc; mở ra một kỉ nguyên mới, đó là hòa bình hợp tác và phát triển với sự ra đời của Liên Hợp Quốc.
10. Trung Quốc phá giá nhân dân tệ.
Tháng 8, Trung Quốc bất ngờ liên tiếp điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ so với đôla Mỹ. Quyết định này đã khiến thị trường tài chính thế giới “choáng váng”. 
Trung Quốc bất ngờ liên tiếp điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ so với đôla Mỹ
Trung Quốc bất ngờ liên tiếp điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ so với đôla Mỹ 
Sắc đỏ gần như bao trùm toàn bộ thị trường chứng khoán toàn cầu. Các nước, giới đầu tư và các chuyên gia quốc tế lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. 
Trong một diễn biến khác, vào ngày 30/11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố nhân dân tệ của Trung Quốc đủ điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).


Nguồn: VOV
Bình luận
vtcnews.vn