Nhịn ăn để thiền?
Lợi ích của việc ngồi thiền vẫn luôn được nhắc đến rằng có thể giúp cho con người vượt qua được căng thẳng, lo âu, mệt mỏi và mang lại bình yên, tĩnh lặng trong tâm hồn và giúp mang lại một trí tuệ minh mẫn, một cơ thể khỏe mạnh.
Đặc biệt hơn, có nhiều ý kiến cho rằng, việc ngồi thiền sẽ có được một “cái tâm” trong sạch, không tham sân si và phiền muộn.
Có lẽ vì lý do này, việc nhịn ăn hay ăn chay kết hợp với ngồi thiền là suy nghĩ mà hiện nay nhiều người đang hướng tới.
Tuy nhiên, theo TS.Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA), hiện nay có nhiều người quan niệm sai về chuyện nhịn ăn trong thiền, tức là thiền và nhịn ăn nhưng lại không đúng.
“Trong nghệ thuật nhịn ăn, người nhịn không được nạp thêm bất kỳ thứ gì ngoài nước, việc làm này gọi là “thau rửa” cơ thể. Giống như dọn một bể nước, bể phải được tát cạn rồi dùng nước rửa mới sạch sẽ.
Nhưng do quan niệm sai, một số trường hợp nhịn ăn nhưng “chưa tới”, do cơ thể mệt mỏi, uể oải, không đủ chất dinh dưỡng nên uống tạm sữa hay một ít nước mè đen, như vậy không được coi là nhịn. Vì nhịn đúng thì chỉ cần uống nước tinh khiết và ngồi thiền là đã đủ”, TS Vũ Thế Khanh cho biết.
Ngoài ra, theo TS.Vũ Thế Khanh, việc nhịn ăn trong thiền cũng phải được tuân thủ theo một chu trình nhất định. Nếu không sẽ dẫn tới tình trạng vừa không đạt được mục đích mà còn gây thiếu chất, mệt mỏi, suy nhược cơ thể và khiến tâm sinh lý của người thiền không được như bình thường.
TS.Khanh cho rằng, trong quá trình nhịn ăn nên có lúc ngồi thiền nhưng cũng có khi phải đi lại vận động cho cơ thể được thư thái. Nhưng chỉ nên vận động nhẹ nhàng, không nên mang vác hay vận động mạnh, hoặc thực hiện những động tác sử dụng cơ bắp. Vì khi nhịn, chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể ít hơn bình thường.
“Nhịn ăn mà không được uống nước đầy đủ cũng không được. Tôi đã từng biết có những người nhịn ăn ngồi thiền mà chỉ uống nước tới khoảng vài ba tháng, nhưng họ thiền đúng, nhịn đúng và tâm không động. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều người vì nhịn ăn sai mà lâm vào trạng thái “gần chết” là chuyện bình thường.
Trong đạo Phật cũng có một tương truyền rằng, Phật Thích Ca ngồi thiền nhịn ăn tới mức gầy trơ xương, gọi là “tu khổ hạnh – Phật Tuyết Sơn”.
Nhưng sau khi gần chết vì nhịn ăn thì có người đổ cho một bát sữa, ông ấy đã bỏ cách đó. Phương pháp này nhắn nhủ con người ta rằng, nếu như chỉ nhịn ăn thôi thì không thể thành Phật được”, ông Khanh cho biết.
Thiền để có “siêu năng lực”?
Theo Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA - TS.Vũ Thế Khanh, hiện nay có những người ngồi thiền vì mục đích sức khỏe, có nhiều người theo đạo Phật ngồi sẽ thiền với mục đích giác ngộ.
Tuy nhiên, cũng có một số người không bình thường, ngồi thiền để cầu sao cho được “thần thông”, có phép này phép khác. Những người này thường có suy nghĩ muốn khai mở luân xa không cẩn thận sẽ lâm vào trạng thái giống như bị “tẩu hỏa nhập ma”, hay hoang tưởng.
TS.Vũ Thế Khanh nhận định, khi ngồi thiền nếu đúng thì phải buông bỏ tất cả những ham muốn sân si, phiền não. Không tham vọng, thì sự thanh tịnh tự đến và tâm lý sẽ tự nhiên thấy thoải mái.
Nhưng ngược lại, với những người có tâm lý ngồi thiền để cầu thần thông, lúc nào cũng mong muốn nhận những điều xa xôi như năng lượng từ vũ trụ hay từ những đấng xa xôi nào đó như thành ông thần linh này, bà thần linh kia.
Chính những suy nghĩ này sẽ làm cho con người ta cảm thấy đau đầu, mất ngủ hay rối loạn tâm lý.
“Nhiều người hiện nay thiền nhưng rơi vào ma đạo, hoang tưởng, lúc nào cũng nghĩ mình là thánh thần, được bồ tát nhập vào, có thể nhìn thấy trời, thấy thánh, nhìn thấy bồ tát quan âm. Tất cả những người nói như vậy đều có tâm lý không bình thường do thiền không đúng cách”, ông Khanh cho biết.
TS.Khanh cũng cho biết thêm, nhiều người khi thiền thường có xu hướng nghĩ đến nhiều thứ, lan man, bất tận trong lúc ngồi thiền.
Nếu không có một điểm nào đó để hướng suy nghĩ đến, không có người dẫn dắt, sẽ dẫn tới nghĩ lung tung, tưởng đang tĩnh lại hóa động, tâm trí loạn xạ, và nếu cứ tập kéo dài sẽ dẫn đến nhức đầu, căng thẳng. Nguy hiểm hơn, ngồi thiền nhưng chưa biết điều tiết hơi thở sẽ càng nguy hiểm.
Bởi vậy, theo TS.Khanh, việc ngồi thiền phải được đảm bảo theo 4 yêu cầu về: Địa điểm (không gian), phương pháp (động tác, thư thế), thời điểm và cuối cùng là mục đích của việc ngồi thiền. Bên cạnh đó, khi mới thiền cũng nên có người giám viên bên cạnh để hướng dẫn.
“Tất cả đều phải tuân thủ theo khoa học, không nên tự ý học hay có suy nghĩ lệch lạc, mơ hồ hay hoang tưởng về tác dụng của việc ngồi thiền mang lại. Có như vậy mới đảm bảo có sức khỏe tốt và đạt hiệu quả cao trong thiền tông”, ông Vũ Thế Khanh nói.
Video: Nhịn ăn 49 ngày ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?
Bình luận