Mới đây, Sở GD&ĐT TP.HCM công bố danh sách gần 500 trung tâm ngoại ngữ, tin học chưa được cấp phép, giấy phép hết hạn (253 trung tâm ngoại ngữ, tin học chưa được cấp phép hoạt động giáo dục; 241 trung tâm có giấy phép đã hết hạn hoạt động), trong đó có nhiều trung tâm ngoại ngữ không có giấy phép, giấy phép hết hạn nhưng vẫn tổ chức chiêu sinh, quảng cáo rầm rộ, khiến nhiều phụ huynh bức xúc.
Trả lời VTC News về sự việc trên, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Phó Chánh Văn phòng, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, hiện nay Sở đã ban hành văn bản quản lý các đơn vị ngoài công lập. Sở cũng đang cố gắng rà soát trung tâm nào không phép, nhưng ngược lại rất khó. Bởi 24 quận, huyện diện tích rất rộng, mà mỗi quận, huyện Trưởng phòng Giáo dục chịu trách nhiệm về quản lý địa bàn. Có những trung tâm hoạt động không phép thuộc địa bàn quận quản lý, Sở không trực tiếp quản lý.
Sở đã ban hành công văn nhắc nhở các quận, huyện về công tác phối hợp quản lý theo địa bàn, tuyệt đối không để các đơn vị hoạt động không phép; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người học; xử lí nghiêm các vi phạm.
“Có trung tâm hoạt động 2 năm họ thay đổi địa chỉ, phải làm quyết định thay đổi địa chỉ trụ sở. Hết 5 năm rồi họ có thể chuyển qua lại các nhà đầu tư khác nhau, và thời gian họ làm gia hạn lại cũng mất kha khá thời gian. Vì sở phải đi thẩm định lại. Khi đi cấp phép, cũng phải có thời gian, một lần mình đâu kiểm hết được. Ví dụ trường hợp Trung tâm ngoại ngữ Việt Mỹ, họ gửi một bộ hồ sơ hai mươi mấy cái nên đi thẩm định lâu, nên có những cái phải kéo dài, chưa cấp phép hết được", ông Nguyên nói.
Trong danh sách trên, Trung tâm Anh ngữ Á Châu do Công ty TNHH Ngoại ngữ Quốc tế Á Châu làm chủ đầu tư có tới 9 chi nhánh chưa được cấp phép hoạt động giáo dục, gồm chi nhánh 1,2,3,4,5,7,8,9,10 tại Quận 12, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn.
Mặc dù nhiều cơ sở chưa có giấy phép, nhưng Công ty này vẫn để các chi nhánh hoạt động, quảng cáo rầm rộ, chiêu sinh và mở lớp. Ví dụ như cơ sở tại 468 Thống Nhất, Phường 16, quận Gò Vấp hay 119 Lê Văn Khương, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn chưa được cấp phép hoạt động giáo dục của Sở GD&ĐT TP.HCM nhưng các lớp học vẫn diễn ra tại 2 cơ sở này.
Sự việc khiến phụ huynh nghi ngờ tính trung thực của Trung tâm Anh ngữ Á Châu, nhiều phụ huynh bày tỏ bức xúc.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên cho biết, Sở đã có thông báo yêu cầu các trung tâm làm nhanh thủ tục để cấp phép. Sở cũng thông báo liên tục với các nhà đầu tư hoàn thành hồ sơ cấp phép, hạn đến 1/3/2021. Ông Nguyên cho biết thêm, các trung tâm khi có quyết định thành lập, về mặt doanh nghiệp được phép hoạt động.
“Các nhà đầu tư có giấy chứng nhận đầu tư đăng ký với Sở Kế hoạch - Đầu tư, có giấy này rồi họ sẽ đăng ký thành lập. Khi đăng ký thành lập, ở đây về mặt doanh nghiệp họ vẫn được phép hoạt động, họ có thể có giấy phép hoặc không có. Trường hợp thứ 2, có những trung tâm họ có quyết định thành lập nhưng họ không hoạt động, có hoạt động đâu mà cần phép, chỉ thành lập rồi để đó, chưa chuẩn bị được đội ngũ”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyên còn dẫn thêm ví dụ Trung tâm Đại Bàng. Theo ông Nguyên, Trung tâm này quảng cáo có giáo viên nước ngoài nhưng tình hình COVID-19, tuyển giáo viên nước ngoài không được. Trung tâm có quyết định thành lập nhưng không hoạt động, thậm chí là chưa treo biển lên. UBND quận xuống kiểm tra, cơ sở đóng cửa, thực chất là không hoạt động nên không cần cấp phép.
Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các địa phương; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các đơn vị hoạt động không đúng quy định; tiếp tục rà soát, cập nhật thông tin về các đơn vị được cấp phép trên Cổng Thông tin điện tử (http://dichvugiaoduc.hcm.edu.vn) để địa phương, người dân và xã hội cùng phối hợp giám sát.
Bình luận