Khi con trai mới lên lớp 3, chị Phạm Thị Lý (35 tuổi, Nam Định) liên tục nhận được lời ngỏ từ ban phụ huynh lớp về việc cho con tham gia lớp luyện viết chữ đẹp.
Nguồn cơn đến từ việc cô chủ nhiệm phàn nàn trong lớp có nhiều học sinh viết rất xấu. Do đó, ban phụ huynh đã lên kế hoạch tổ chức một lớp luyện chữ, gia đình nào có nhu cầu sẽ đăng ký cho con theo học 2 -3 buổi/tuần, mỗi buổi 300.000 đồng.
“Nói là tự nguyện nhưng tôi thấy mấy anh chị trong ban phụ huynh dùng lý lẽ thuyết phục mọi người như: luyện chữ đẹp để rèn tính kiên nhẫn cẩn thận, để các con có cơ hội đi thi vở sạch chữ đẹp, để tránh làm ảnh hưởng đến thi đua chung của lớp…”, chị Lý kể.
Chị thừa nhận con trai viết không đẹp, thậm chí là xấu. Nhưng suốt 2 năm qua, con vẫn học tốt, bắt nhịp với bạn bè đồng trang lứa, chưa kể khả năng học ngoại ngữ cũng khá ổn. Do đó, chị dứt khoát không cho con đi luyện viết chữ đẹp.
Theo chị Lý, không thiếu những môn học kỹ năng có thế giúp trẻ rèn tính kiên trì, lại gây hứng thú. Học đàn, vẽ tranh là một ví dụ. Ở hai bộ môn này, trẻ phải rất tập trung, sáng tạo mới chơi được một bài nhạc không lỗi và vẽ được bức tranh đẹp.
Nữ phụ huynh này cũng cho rằng, việc cho trẻ đi luyện chữ để tham gia các cuộc thi vở sạch chữ đẹp đang thể hiện triết lý giáo dục rất lỗi thời. “Thế hệ của chúng tôi hàng chục năm về trước, chương trình học còn nhẹ nhàng, thoải mái thời gian rèn luyện các môn yêu thích. Ngày nay, với khối lượng kiến thức khổng lồ, trẻ phải học ngày học đêm. Vậy mà vẫn còn phụ huynh cố dành thời gian cho con đi luyện chữ, sau đó tham gia một cuộc thi chỉ để so bì xem ai viết đẹp hơn, thật khó hiểu”, chị Lý bày tỏ.
Mọi người cần thực tế hơn bởi chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ, chủ yếu làm việc trên máy tính. Việc luyện chữ vừa lãng phí tuổi thơ con, tiền bạc của bố mẹ, song không mang lại kết quả gì ngoài cái danh chữ viết đẹp. Chưa kể khi ngồi luyện chữ, các con thường dí sát mặt vào vở, lâu ngày sẽ thành thói quen, dễ dẫn đến vẹo cột sống, cận thị, "lúc đó hối cũng không kịp".
Đồng tình với chị Lý, chị Bùi An Ngọc (29 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cho rằng, tuổi thơ của trẻ đi học thêm các môn văn hoá là quá đủ. Giờ lại đến luyện chữ đẹp, trẻ lấy đâu ra thời gian nghỉ ngơi, vui chơi.
Từng chứng kiến một người đồng nghiệp dạy con luyện chữ đẹp, chị Ngọc nói thấy căng thẳng, áp lực hơn đứa trẻ đang cầm bút, khi để viết được một chữ in hoa, trẻ phải phải mở to mắt, nhìn kĩ chấm từ đâu, vòng tới chỗ nào, cao thấp bao nhiêu, uốn lượn ra sao.
“Liệu giáo viên hiện nay, có mấy người viết chuẩn chỉnh mẫu chữ như học sinh tiểu học? Tại sao lại bắt các cháu phải oằn mình luyện từng nét thanh nét đậm, để rồi lên cấp hai nét cũng vỡ hết vì phải ghi chép với tốc độ cao?”, chị Ngọc đặt ra câu hỏi.
Chị không thấy lợi ích của việc luyện viết chữ đẹp, cũng chẳng thấy mối liên hệ nào giữa người học giỏi, thành công với việc viết đẹp.
Có hai con trai đang ở bậc tiểu học, chị Ngọc chưa bao giờ nghĩ đến việc cho chạy theo điều mà chị cho là “vô bổ” này. Hai con dù viết xấu, nhưng để nhận xét khách quan về tính cách, chị thấy chúng rất ngoan và nghe lời, chẳng hề cẩu thả, lại hay giúp mẹ làm việc nhà.
“Nếu cha mẹ hy vọng đứa trẻ sẽ trở thành nhà thư pháp, sống bằng nghề viết thì hãy cho con đi luyện chữ, còn không thì thôi. Đừng nên tốn thời gian tiền bạc, khiến con mất đi hứng thú với các môn học khác”, nữ phụ huynh nói.
Theo cô Trịnh Thị Hà, giáo viên THCS tại Hà Nội, dân gian xưa có câu "nét chữ nết người" và các bậc phụ huynh cũng vì thế mà đổ xô cho con đi luyện chữ đẹp. Tuy nhiên vẫn có không ít phụ huynh kém mặn mà, thậm chí thờ ơ trước vấn đề này.
“Không chấp nhận cho con luyện chữ đẹp không có nghĩa là mặc cho chúng viết xấu, muốn viết sao cũng được. Điều này thể hiện sự vô trách nhiệm trong giáo dục con cái. Nét chữ nết người thời hiện đại là phải gọn gàng sạch sẽ dễ đọc”, cô Hà nhấn mạnh.
Cô cho rằng, không môn học hay kỹ năng nào là vô bổ, chỉ là phụ huynh chưa nhìn ra hết những lợi ích nó đem lại. Với những thứ mang tính nghệ thuật như luyện chữ, không nên gò ép mà hãy biến nó thành môn học kiểu tự chọn. Học sinh nào có hứng thú sẽ chọn.
Đồng quan điểm, cô Bùi Thị Nhơn, giáo viên trường Tiểu học Tân Thành A (Bình Phước) cho rằng, viết chữ đẹp là môn học nghệ thuật, mà nghệ thuật luôn cần năng khiếu. Nếu trẻ đã viết được to, rõ ràng, đủ nét thì phụ huynh không nên mất thời gian cho con đi luyện chữ nếu con không muốn.
"Không thể phủ nhận, luyện viết chữ đẹp sẽ mang lại cho học sinh những đức tính tốt như cẩn thận, tỉ mỉ, chỉn chu… Tuy nhiên nên dạy trẻ viết rõ ràng, thay vì ép luyện chữ đẹp. Đừng bắt con vừa văn hay, vừa chữ tốt vì trẻ không phải siêu nhân", cô Nhơn nói.
Bình luận