Chiều 27/9, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an tổ chức họp báo thông tin vụ triệt phá đường dây sản xuất ma túy "khủng" ở tỉnh Kon Tum và Bình Định do nhóm người Trung Quốc cầm đầu.
Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố nhóm người gồm: Cai Zi Li (tên gọi khác là Thái Tự Lực, SN 1963, là kẻ cầm đầu đường dây sản xuất ma tuý), Song Jian Huang (tên gọi khác là Tống Kiến Hoàng, SN 1963), Lyu Yu Zhong (tên gọi khác là Lữ Dư Trọng), Yang Yuan De (tên gọi khác là Dương Viễn Đức, SN 1964), Huang Shan Yuang (tên gọi khác là Hoàng Sơn Nguyên, SN 1990), Zhang Qin Shu (SN 1961), Cai Si Yuan (tên gọi khác là Thái Tư Viện, SN 1946, cùng trú Trung Quốc) và Sàn Khuấn Sáng (tên gọi khác là Tức Trần, SN 1976, trú quận Bình Tân, TP.HCM).
Trong vụ án triệt phá ma túy ở Kon Tum và Bình Định vừa qua, lực lượng chức năng thu giữ gần 30 tấn tiền chất dùng để sản xuất ma túy. Một câu hỏi đặt ra là nhóm người Trung Quốc vận chuyển những loại tiền chất này thế nào?
Trả lời câu hỏi trên, Trung tướng Phạm Văn Các cho biết, nhóm người Trung Quốc vận chuyển tiền chất, hóa chất từ Trung Quốc sang và mua sẵn tại Việt Nam.
“Ở Việt Nam hiện có khoảng 900 loại hóa chất, được nhiều bộ nghành quản lý. Trong đó có nhiều loại tiền chất mà nhóm người Trung Quốc dùng để sản xuất ma túy không thuộc danh mục cấm”, Trung tướng Các nói.
Theo trung tướng Các, sau khi triệt phá đường dây sản xuất ma túy ở Bình Định và Kon Tum, đơn vị sẽ kiến nghị Bộ Công thương quản lý chặt chẽ hơn các loại tiền chất không nằm trong danh mục cấm được dùng vào việc sản xuất ma túy.
“Quản lý tiền chất là Cục Hóa chất của Bộ Công thương quản lý. Vì vậy, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Công thương quản lý chặt chẽ hơn nữa”, Trung tướng Các cho hay.
Theo trung tướng Các, bên cạnh việc thu giữ khối lượng lớn tiền chất ở Kon Tum, lực lượng chức năng cũng bắt giữ lượng tiền chất lớn không kém ở Bình Định, nơi nhóm người Trung Quốc từng lập xưởng sản xuất ma túy trước đó.
Bình luận