Phạm Thành Long (23 tuổi, quê Bắc Ninh) tốt nghiệp Đại học Mở Hà Nội vào tháng 6/2022 với tấm bằng loại khá, ngành Kế toán. Cậu nhanh chóng tìm được việc ở một công ty về sản xuất gia công nhôm, inox với mức lương khởi điểm 7 triệu đồng/tháng.
Hồi còn sinh viên, mỗi tháng gia đình chu cấp cho Long 4 triệu đồng tiền sinh hoạt (tiền nhà, tiền ăn, đi lại...), "cố gắng lắm thì tiêu đủ, tháng nào quá tay sẽ phải xin thêm". Giờ đi làm, vật giá leo thang, lương hàng tháng càng không đủ để thanh niên này trang trải.
"Mỗi tháng, riêng tiền nhà đã tiêu tốn gần 2 triệu đồng, cộng với tiền ăn uống chi tiêu, tiền liên hoan, tiệc tùng với đồng nghiệp cơ quan, cưới hỏi, ma chay... em chẳng để ra được đồng tiết kiệm nào", Long nói. Chưa kể, cậu cũng phải đầu tư thêm để đi học các lớp nâng cao nghiệp vụ kế toán, thuế vì các kiến thức dạy trong trường không đủ đáp ứng yêu cầu công việc.
Tròn một năm đi làm, mức lương của Long tăng lên 10 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn như "muối bỏ bể", không đủ để trang trải nhu cầu sinh hoạt, công việc hàng ngày. Thậm chí, cậu còn đang vay bố mẹ gần 100 triệu đồng tiền đi học nâng cao nghiệp vụ mà chưa có khả năng để trả nợ.
Tháng trước, Long quyết định nộp đơn xin nghỉ để đi làm việc tự do. "Lựa chọn này của em bị bố mẹ phản đối vì họ cho rằng đi chạy xe ôm công nghệ không có tương lai, công việc bấp bênh", nam sinh nói.
Hằng ngày, Long bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối mới tắt app để về nhà, sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt. Dù vậy, mức thù lao cậu nhận được khá hậu hĩnh, đủ để lo cho bản thân và dư giả đôi chút.
Tháng đầu đi làm, tổng thu nhập của Long lên đến 18 triệu đồng. Sau khi trừ hết các chi phí sinh hoạt, cậu tiết kiệm được 10 triệu đầu tiên kể từ khi rời trường đại học.
"Nhiều lúc bản thân cũng hoài nghi về lựa chọn này, nhưng rồi em vẫn gạt đi vì không muốn quay trở lại công việc kế toán ngày làm 9 -10 tiếng mà mức lương nhận về bèo bọt. Hơn hết, đi làm xe ôm công nghệ thời gian chủ động hơn, tối về mệt quá thì ngủ, không cần suy nghĩ quá nhiều về những con số, công việc và các mối quan hệ nơi công sở", Long nói.
Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội hồi tháng 8/2021, Lê Minh Phương (24 tuổi, quê Nghệ An) xin về dạy tiểu học tại ngôi trường gần nhà để được ở gần bố mẹ.
Là giáo viên hợp đồng, Phương nhận mức lương gần 4 triệu đồng/tháng. Tháng đầu tiên khi nhận lương, nam thanh niên thấy rất vui vì vừa được gần gia đình, vừa được sống với đam mê của bản thân.
Tuy nhiên, thực tế không màu hồng, số tiền lương ít ỏi của cậu chỉ đủ đóng tiền điện cho gia đình, ngoài ra không mua thêm được gì, hoàn toàn sinh hoạt ăn uống phải phụ thuộc vào bố mẹ.
Phương hạn chế mọi cuộc vui với bạn bè vì không có tiền. Bố mẹ thấy con trai như vậy cũng sốt ruột. Họ từng hy vọng cậu có thu nhập tốt hơn để nghĩ tới việc lấy vợ.
Nhiều đêm thức trắng để hoàn thành sổ sách, giáo án, Phương suy nghĩ đời dạy học của mình sẽ đi về đâu. Trong lứa sinh viên tốt nghiệp cùng cậu chỉ có 4 - 5 người theo nghề, mà thu nhập của họ cũng chẳng khá hơn là mấy.
Đôi khi chứng kiến cảnh bạn bè đồng trang lứa xây nhà, mua được xe anh thấy chạnh lòng. Khổ nhất là những tháng nhiều đám cưới, tiền lương của cậu chẳng còn đồng nào. Thấy rằng cảnh lương thấp, Phương quyết định xin nghỉ việc sau 2 năm dạy học.
"Để đưa ra quyết định này, em suy nghĩ rất nhiều. Đây là công việc bản thân ao ước từ khi còn nhỏ nhưng nhìn vào hoàn cảnh gia đình và đồng lương hiện tại buộc em phải lựa chọn dừng lại", Phương tâm sự.
Điều đầu tiên Phương làm khi quay trở lại Hà Nội là đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Chạy xe cả ngày từ 7 giờ sáng tới 10 giờ tối cậu kiếm được khoảng gần 600.000 đồng. Tháng nào chăm chỉ cậu cũng kiếm về được 15 - 17 triệu đồng. Mức thu nhập này cao hơn rất nhiều so với việc dạy học trước kia nhưng phải chấp nhận chịu khó cày cuốc.
"Biết rằng công việc này vất vả phải tiếp xúc nhiều với khói bụi gây ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng bản thân vẫn phải cố gắng vì trên vai còn bố mẹ và một người em học đại học", Phương nói. Hiện cậu chưa có ý định quay trở lại nghề giáo, mục tiêu chỉ là chạy được nhiều cuốc xe nhất có thể mỗi ngày.
Thầy Đỗ Đức Long, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, hiện tỷ lệ sinh viên sau khi ra trường làm trái ngành khá phổ biến, điều này hoàn toàn bình thường trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, đáng lo ngại ở chỗ, nhiều bạn sinh viên lựa chọn chạy xe ôm công nghệ thay vì cố gắng tìm công việc ổn định, phù hợp hơn.
Để đầu tư cho con học 4 năm đại học, trung bình mỗi gia đình sẽ tiêu tốn từ 60 - 120 triệu đồng/năm. Như vậy, để tốt nghiệp ra trường, các em đã tiêu tốn hết trên dưới 500 triệu đồng từ bố mẹ.
Thế nhưng đến khi đi làm, các em lại lựa chọn con đường lợi trước mắt đi chạy xe ôm công nghệ mà quên cái hại lâu dài. Nhiều sinh viên chê bai mức lương khi ra trường thấp nhưng đâu biết rằng, mức lương này có thể tăng gấp 3 - 5 lần sau vài năm. Đồng thời, việc chạy xe ôm trong thời gian dài sẽ ảnh hướng rất lớn tới sức khỏe.
"Sinh viên mới ra trường cần cố gắng đầu tư phát triển cho bản thân, chịu chấp nhận cố gắng với mức lương thấp, học hỏi, tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm, tăng giá trị bản thân. Chỉ như vậy mức thu nhập của các em ngày càng ổn định, giúp ích lâu dài thay vì lựa chọn làm xe ôm công nghệ", thầy Long phân tích và nói không bài xích những bạn làm xe ôm công nghệ nhưng cần tính toán lâu bền cho tương lai, không nên lãng phí tấm bằng đại học.
Bình luận