Theo Nikkei Asian Review, mới đây, hãng điện tử Sharp tuyên bố sẽ chuyển nhà máy sản xuất màn hình ở Trung Quốc sang Việt Nam để mức tránh thuế quan mới được áp đặt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài.
Nhà máy tại Việt Nam sẽ lắp ráp màn hình LCD cho ôtô được bán ở Mỹ. Đồng thời, một số nhà máy sản xuất máy tính cá nhân của công ty con Dynabook cũng có thể được chuyển từ Trung Quốc sang cơ sở mới này.
Sharp chưa tiết lộ khoản đầu tư để xây nhà máy mới nhưng cho biết sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2020 gần TP HCM. Bên cạnh màn hình LCD để bán cho Mỹ, nhà máy này cũng sẽ sản xuất máy lọc không khí và các thiết bị điện tử khác để bán tại Việt Nam.
Ngày 1/8, Sharp công bố lợi nhuận ròng trong quý 2/2019 của công ty là 12,5 tỷ yên (tương đương 115 triệu USD) giảm 35% so với cùng kỳ.
Doanh số của Sharp cũng giảm 4% xuống còn 515 tỷ yên (khoảng 4,8 tỷ USD). Đây là lần giảm doanh số và lợi nhuận đầu tiên kể từ khi Sharp được Foxconn (Đài Loan) mua lại vào tháng 8/2016.
Trong khi đó, Kyocera, công ty Nhật Bản chuyên sản xuất các sản phẩm gốm và đồ điện tử, cũng sẽ chuyển nhà máy sản xuất máy photocopy và máy in đa chức năng phục vụ thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Chủ tịch Kyocera Hideo Tanimoto tiết lộ với các phóng viên: "Chúng tôi sẽ chuyển đổi sản xuất giữa các cơ sở của Trung Quốc và các cơ sở của Việt Nam".
Trước đó, máy in đa năng của công ty Kyocera được sản xuất tại Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu đến Mỹ, còn những máy in được sản xuất tại Việt Nam thường được dành cho thị trường châu Âu.
Quyết định này của nhà sản xuất Nhật Bản được đưa ra sau nhiều tháng cân nhắc và lập tức công bố ngay sau khi Tổng thống Mỹ quyết định áp thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ 1/9/2019.
Máy in đa chức năng cũng nằm trong danh sách các loại hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc sẽ bị áp dụng với mức tăng thuế 10% từ ngày 1/9 tới.
Việc di dời nhà máy sản xuất máy photocopy và máy in đa chức năng của Kyocera sẽ được thực hiện trong năm tài chính hiện tại cho đến tháng 3/2020, nhưng sẽ mất thời gian để điều chỉnh việc mua sắm vật liệu và các quy trình khác.
Chi phí cho việc dịch chuyển sản xuất được ước tính khoảng từ 1 tỷ yên, tương đương khoảng 9,2 triệu USD.
Doanh thu năm tài chính trước đó của Kyocera vào khoảng 375 tỷ yên, trong đó khoảng 20% đến từ thị trường Mỹ.
Bình luận