• Zalo

Nhiều người sẵn sàng chấp nhận vay tiêu dùng lãi suất cao

Kinh tếThứ Ba, 22/11/2016 10:00:00 +07:00Google News

“Giả sử với một khoản vay 1 triệu đồng, trong 1 tháng mà người vay chỉ phải trả 100 nghìn đồng tương đương lãi suất 10%/tháng và là120%/năm nhưng hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán thì không thể cho là cao được”, ông Phạm Xuân Hòe Phó viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng nhận định.

Vay lãi đến hàng nghìn phần trăm mỗi năm

Anh Hoài Nam ở Hoài Đức (Hà Nội), là thợ làm thuê cho một cửa hàng sửa chữa xe máy. Trong quá trình sửa xe cho khách, anh Nam phát hiện ra một chiếc xe cũ giá rẻ còn khá ổn.

Nhận thấy việc mua về sơn sửa lại sẽ bán được với mức giá cao hơn, anh đã quyết định vay nặng lãi với số tiền 9 triệu đồng để mua lại xe. Sau đó, anh đã bán chiếc xe được 12 triệu đồng; trả lãi vay 1 tháng 900.000 đồng, anh Nam đã thu về một khoản là 2 triệu đồng.

“Lúc đó tôi thực sự rất cần tiền, càng nhanh càng tốt, nếu không người ta sẽ bán mất chiếc xe đó cho người khác. Chính vì vậy, đi vay nặng lãi là cách nhanh nhất, nếu không muốn vuột mất cơ hội. Thật ra, với mức lãi 10%/tháng, tương đương 900.000 đồng, đối với tôi không hề cao chút nào, thậm chí còn rẻ hơn một số chỗ cho vay nặng lãi khác”, anh Nam tâm sự.

Cũng giống như anh Hoài Nam, anh Mạnh Hùng ở chợ Hà Đông (Hà Nội), cần tiền gấp để quay vòng vốn mua hàng bỏ mối, sáng vay tối trả. Anh đã vay của một đầu mối 5 triệu đồng, đến tối trả tiền gốc kèm lãi 150.000 đồng. Như vậy, tính ra anh Hùng đã vay với lãi suất là 3%/ngày, tương đương 90%/tháng và 1.080%/năm. Một mức lãi suất gây sốc và “không tưởng”. Tuy nhiên, bản thân anh Hùng vẫn cảm thấy rất hợp lý bởi nhờ có nguồn vốn này mà anh đã kiếm lời gần 1 triệu đồng/ngày.

unnamed

 

Thực tế cho thấy, nhu cầu vay vốn tiêu dùng trong cuộc sống hàng ngày là có thực, và liên tục nảy  sinh. Tuy nhiên, những trường hợp như anh Hoài Nam và anh Mạnh Hùng lại chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay tiêu dùng của ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Nếu tiếp cận được tới những kênh này, chắc chắn mức lãi suất vay sẽ còn thấp hơn, an toàn và bảo đảm hơn, tránh được những rủi ro ngoài xã hội và theo đó, cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn rất nhiều.

Theo các chuyên gia, “tín dụng đen” là dịch vụ cho vay nặng lãi với “muôn hình - vạn trạng”, từ vay nóng lãi suất cao, đến “bốc họ”, cầm đồ, thế chấp... đang phổ biến và nở rộ ở hầu các ngõ ngách của cuộc sống, rõ nhất là tại các khu nhà trọ công nhân và quảng cáo nhan nhản trên các trang quảng cáo, mạng xã hội... Người lao động nghèo không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng do các thủ tục hành chính phức tạp, trong khi thủ tục “tín dụng đen” lại rất nhanh gọn, không cần hợp đồng, chỉ cần ký sổ. Bởi vậy, họ chính là những nạn nhân của “tín dụng đen”.

Lấn cấn khi vay tín dụng

Thoát ra khỏi vòng “bủa vây” của tín dụng đen, rất nhiều khách hàng đã tìm đến các công ty tài chính để được đáp ứng nhu cầu vay vốn tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có những băn khoăn về mức lãi suất vay tiêu dùng. Cụ thể là với lãi suất cho vay từ 30%/năm, các công ty tài chính đang bị cho là áp mức lãi suất quá cao. Tuy nhiên, theo giải thích của giới chuyên gia, người tiêu dùng cần hiểu rõ về bản chất của vấn đề. Rõ ràng chỉ khi không có đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng, hoặc quá ngại với thủ tục rườm rà thì khách hàng mới tìm đến dịch vụ này. Nói cách khác, người vay là đối tượng có mức độ rủi ro lớn, mà thường rủi ro lớn luôn đi kèm với lãi suất cao, nên việc họ phải vay với lãi suất cao là đương nhiên.

unnamed

 

Trao đổi với báo chí về vấn đề lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng:  Cần phải hiểu rõ bản chất về mức lãi suất vay tiêu dùng, cao là cao so với cái gì?

“Vấn đề chúng ta không nên quan niệm cao hay thấp, cao so với cái gì mà phải quan tâm đến có cao so với khả năng trả lãi của người vay hay không. Giả sử với một khoản vay 1 triệu đồng, trong 1 tháng mà người vay chỉ phải trả 100 nghìn đồng, nghĩa là lãi suất chưa đến 10%/tháng, nhân lên khoảng 120%/năm. Mức lãi suất này hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của khách hàng thì không thể cho là cao được”, ông Hòe nhấn mạnh.

Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa bên cho vay và người đi vay, theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, vấn đề đầu tiên cần quan tâm là phải kiện toàn hành lang pháp lý cho kênh tài chính tiêu dùng, có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tài chính hoạt động, cạnh tranh lành mạnh. Theo đó, cần tách riêng hoạt động cho vay tiêu dùng của khối công ty tài chính ra khỏi phạm vi điều chỉnh chung của khối ngân hàng thương mại. Quy định này sẽ góp phần tạo nên một sân chơi lành mạnh cho khối các tổ chức tín dụng, bởi đây là 2 hình thức cho vay với các tiêu chí, đối tượng hoàn toàn khác nhau.

Ngoài ra, cũng cần nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng. Theo đó, công ty tài chính cần tổ chức tư vấn tốt cho khách hàng cả trước, trong và sau quá trình sử dụng dịch vụ. Bởi trong hiện tại vẫn còn có tình trạng khách hàng lơ là trong việc nghiên cứucác điều khoản nêu trong hợp đồng, cộng với ý thức trả nợ kém, dẫn tới những phản ứng tiêu cực, một chiều, gây bất lợi trong dư luận. Làm được như vậy, uy tín, vai trò của công ty tài chính tiêu dùng mới được thể hiện, mang lại những thuận lợi nhất định cho người tiêu dùng nói riêng, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế nói chung.

Lan Hương
Bình luận
vtcnews.vn