• Zalo

Nhiều người bị lừa khi mua thực phẩm thiết yếu qua mạng xã hội trong mùa dịch

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 06/08/2021 13:59:30 +07:00Google News
(VTC News) -

Lợi dụng TP.HCM đang giãn cách xã hội khiến nhu cầu mua hàng online tăng cao, nhiều đối tượng đã lập Facebook ảo rao bán thực phẩm để lừa chiếm đoạt tiền.

Những ngày qua, trên các group chung cư ở TP.HCM xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo bán thực phẩm bằng chiêu thức đăng bán rau củ quả, thịt cá giá rẻ. Cũng vì ham rẻ và quá tin người bán, nhiều cư dân mất oan tiền mà thực phẩm cũng không tới tay.

Nhiều người bị lừa khi mua thực phẩm thiết yếu qua mạng xã hội trong mùa dịch - 1

 Cảnh báo lừa đảo bán thực phẩm qua mạng Facebook.

Lừa chuyển tiền mua thực phẩm rồi trốn mất

Anh N.N.A. chia sẻ, một tài khoản Facebook tên “Thảo Dể Thương” đã đăng bài bán thực phẩm tươi sống tại các group chợ cư dân như: Vinhomes, Masteri Thảo Điền và Gateway. Khi đăng bán, tài khoản Facebook này yêu cầu người mua chuyển khoản qua thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử MoMo. Nhận được tiền của khách hàng chuyển, tài  khoản Facebook này ngay lập tức chặn số điện thoại và chặn luôn Facebook của người mua. 

Nhiều người bị lừa khi mua thực phẩm thiết yếu qua mạng xã hội trong mùa dịch - 2

 Một tài khoản lừa đảo bán thực phẩm tươi sống qua Facebook để chiếm đoạt tài sản. 

Chị T.H.C. (cư dân chung cư Masteri Thảo Điền) cho biết, do TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội nên hàng ngày chị C. vẫn thường lên group cư dân chung cư để mua nhu yếu phẩm. Tại đây, chị C. thấy tài khoản Facebook tên “Thảo Dể Thương” đăng bán rau củ quả và thịt tươi sống giá rẻ hơn nên đã đặt mua.

Nhiều người bị lừa khi mua thực phẩm thiết yếu qua mạng xã hội trong mùa dịch - 3

Lợi dụng giãn cách xã hội, nhiều đối tượng đã lừa đảo bán thực phẩm để chiếm đoạt tài sản.

Chị C. cho biết, khi đặt mua hàng tài khoản “Thảo Dể Thương” giới thiệu mình là cư dân sống trong khu chung cư. Tiếp đó, người này yêu cầu chuyển đủ 100% tiền mới chốt đơn giao hàng. Nhưng ngờ đâu, sau khi chuyển tiền thành công, người bán lập tức chặn mọi liên lạc. Mất tiền nhưng lại không có cách nào gọi được cho người đã nhận tiền, chị C. rơi vào tình huống “dở khóc dở cười”.

“Vì dịch bệnh diễn biến phức tạp nên hầu hết cư dân thường mua hàng online trong khu chung cư mình sinh sống cho an toàn, hơn nữa là mua giúp nhau để vượt qua khó khăn trong mùa dịch. Chiêu thức lừa đảo này không mới nhưng trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp như này thì người bị lừa trở tay không kịp”, chị C. nói.

Bị lừa nhưng phải "ngậm bò hòn làm ngọt”

Tại chung cư Mizuki Flora (huyện Bình Chánh, TP.HCM), tài khoản Facebook “Thảo Dễ Thương” cũng tiếp tục dùng chiêu thức “cũ” để lừa đảo cư dân khi liên tục rao bán thực phẩm tươi sống giá rẻ.

Anh L.T.N. (cư dân Mizuki Flora) cho biết, thấy tài khoản Facebook “Thảo Dể Thương” đăng bán các loại rau củ với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg; thịt bò Mỹ giá 280.000 đồng… giao hàng tận nhà, miễn phí giao hàng đơn trên 300.000 đồng. Sau khi chuyển hơn 600.000 đồng qua ví điện tử MoMo, anh N. ngay lập tức bị chặn liên lạc và cũng không nhận được hàng.

Nhiều người bị lừa khi mua thực phẩm thiết yếu qua mạng xã hội trong mùa dịch - 4

 Để lấy lòng tin khách hàng, tài khoản này đã đưa ra nhiều giá ưu đãi "ảo" dành cho người mua.

Cũng rơi vào tình cảnh giống anh N., chị N.Ng.L. sau khi biết mình bị lừa đành chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Chị L. kể, lúc trước tài khoản Facebook lừa đảo này có tên “Phạm Trường Thảo”, sau khi lừa đảo và bị “bóc phốt” thì đổi tên thành “Thảo Dể Thương”.  

Cũng theo chị L., để tránh nhiều cư dân không bị mất tiền “oan” nên chị đã đăng bài viết trên group cư dân cảnh báo. “Vợ chồng tôi bị lừa mất 1,2 triệu đồng tiền mua thực phẩm. Vài ngày sau đó, tôi lại thấy tài khoản Facebook này tiếp tục đăng bài nên đã viết bài cảnh báo đến các cư dân khác”.

Liên quan đến việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, mới đây Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.HCM phối hợp với Công an TP Thủ Đức bắt giữ Nguyễn Minh Phụng (trú tại TP Thủ Đức) về hành vi lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, Phụng liên tục lên mạng xã hội Facebook, Zalo rao bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các loại dược phẩm, cung cấp giấy xét nghiệm COVID-19 để đi đường (600.000 đồng/tờ), đăng ký dịch vụ tiêm ngừa vaccine các loại (Pfizer 1.250.000 đồng/liều, AstraZeneca 1.080.000 đồng/liều); sau khi các nạn nhân chuyển tiền, Phụng chặn liên lạc, chiếm đoạt tiền.

KHUẤT NGUYÊN
Bình luận
vtcnews.vn