Ngày 11/7, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết điểm chung của các bệnh nhân này đều từng mắc COVID-19. Theo TS Trần Anh Bích, Phó Khoa Tai Mũi Họng, các bệnh nhân trong thời gian mắc bệnh có triệu chứng đau vùng đầu, mặt, răng miệng.
Dù sau khi hết COVID-19, các triệu chứng đau kéo dài không giảm, khi khám lại đa phần chẩn đoán viêm xoang, áp xe hàm. Bác sĩ phẫu thuật lẫn điều trị nội khoa nhưng vẫn không bớt.
Hai ca tử vong lúc nhập viện được bác sĩ mổ xoang xong sức khỏe ổn, song phim chụp ghi nhận tình trạng hoại tử xương bất thường. Bác sĩ chỉ định mổ tiếp nhưng do bệnh nhân nghĩ mình khỏe đã từ chối mổ. Bệnh cảnh sau đó suy đa tạng diễn tiến nhanh, dù bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng không qua khỏi.
Nhiều bệnh nhân khác cũng nhập viện với triệu chứng tương tự, bác sĩ băn khoăn với nhiều bất thường mà chưa có phác đồ điều trị và bệnh có phần hiếm.
Bệnh viện Chợ Rẫy phải hội chẩn liên chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân. Ê-kíp quyết định phối hợp phẫu thuật sớm cho bệnh nhân khi tình trạng chưa diễn tiến nặng. 6 bệnh nhân xin về không mổ, còn 3 người quyết định mổ dù phần thành công vẫn tiên lượng dè dặt.
TS Nguyễn Ngọc Khang, Phó Khoa Ngoại Thần kinh cho biết, hơn 30 năm làm việc, đây là những trường hợp đầu tiên ông gặp bệnh lý lạ. Đa số những ca này thường lầm tưởng bệnh phổ biến như viêm xoang, răng hàm mặt, song có những diễn tiến phức tạp và gây ra tình trạng hủy xương.
Bác sĩ khoa ngoại thần kinh và tai mũi họng phối hợp phẫu thuật vùng hoại tử lan rộng. Ê-kíp phát hiện phần xương chết nhiều mủ, nếu chậm trễ có thể tử vong như hai ca trước nhập viện.
Rất may, những ổ viêm nhiễm được giải quyết gần như triệt để các ổ xương hoại tử và kết hợp điều trị kháng sinh, kháng nấm. Hiện, cả 3 bệnh nhân hồi phục khả quan, kết quả xét nghiệm, phim chụp cho thấy tình trạng viêm dừng hẳn và bệnh nhân không còn đau nhức như trước.
PGS Trần Minh Trường, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội Phẫu thuật đầu cổ TP.HCM cho biết, qua tìm hiểu y văn thế giới và hội chẩn chuyên sâu ghi nhận đây là tình trạng bị cốt tủy viêm xương hàm mặt, cốt tủy viêm xương nền sọ.
Bệnh này hiếm gặp, song ghi nhận trong y văn từ tháng 5/2021 có khoảng 80 bài báo cáo, chủ yếu ở Ấn Độ, Trung Quốc, nhiều nước châu Á và một số nước châu Âu, Mỹ. Đa số bệnh nhân có bệnh nền đái tháo đường, đều từng mắc COVID-19 thời điểm biến chủng Delta bùng phát. Phương pháp điều trị là phẫu thuật lấy xương hoại tử, sau đó tấn công bằng kháng sinh, kháng nấm.
Theo TS. Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, đến nay vẫn chưa thể khẳng định bệnh này có liên quan đến COVID-19 hay không. Nguyên nhân của tình trạng hủy xương thường do tắc mạch, giảm máu nuôi dẫn đến hoại tử, hoặc có thể do các yếu tố bên ngoài như vi sinh vật tấn công làm viêm nhiễm xương. Trong 11 trường hợp, có 5 bệnh nhân mắc đái tháo đường.
Trước đây, bệnh nhân đái tháo đường rất hiếm bị cốt tủy viêm xương, song sau khi COVID-19 xuất hiện và thế giới ghi nhận nhiều ca.
Bác sĩ Hùng phân tích thêm: "Có thể do cơ thể người mắc Covid bị rối loạn miễn dịch kéo dài, cộng với bệnh lý nền sẵn đó, dẫn đến nấm phát triển nhiều hơn trong cơ thể, gây viêm nhiễm". Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân sau khi mắc Covid khoảng 6-8 tháng nếu có nhức đầu, viêm xoang, cần chụp CT sọ não để kiểm tra tầm soát.
Bình luận