• Zalo

Nhiều nghệ sĩ mong muốn VOV sớm tiếp nhận Hãng phim truyện Việt Nam

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 29/11/2018 19:05:00 +07:00Google News

Các nghệ sĩ đều tỏ ra vui mừng trước thông tin Đài Tiếng nói Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận Hãng phim truyện Việt Nam.

Mới đây, trong một buổi gặp gỡ báo chí, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã thông báo việc Đài TNVN sẵn sàng tiếp nhận Hãng phim truyện Việt Nam.

"Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận Hãng phim truyện Việt Nam về Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng đã đồng ý với đề xuất này. Các anh em nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam cũng đã đến gặp tôi để đề nghị được về Đài.

Lúc đó, tôi nói với họ rằng: Tôi tin chắc rằng với sự phát triển và tầm nhìn văn hóa lâu dài của Đài TNVN, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các anh, các chị yên tâm sản xuất các tác phẩm điện ảnh để phục vụ xã hội", Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ cho biết.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, giữa Đài TNVN và Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cũng đã có những cuộc tiếp xúc, bàn thảo thuận lợi về vấn đề này.

ong-nguyen-the-ky-lam-tong-giam-doc-vov-1419073

 Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ.

Trước thông tin về việc Đài TNVN sẵn sàng tiếp nhận Hãng phim truyện Việt Nam, các nghệ sĩ của Hãng phim đều tỏ ra vui mừng và cho rằng điều này sẽ mở ra tương lai mới cho Hãng phim.

NSƯT, Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã phấn khởi chia sẻ: “Thông tin Đài Tiếng nói Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là một tin vui với toàn thể anh em nghệ sĩ hãng phim. Chúng tôi mong việc sáp nhập được tiến hành nhanh chóng, bởi vì càng để lâu thì những hệ luỵ, đình trệ, bất hợp lý tại VFS ngày càng nặng nề hơn".

Cũng theo ông Nhã, việc Đài Tiếng nói Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận VFS có ý nghĩa rất lớn, bởi nếu việc này thành hiện thực tức là giờ đây VFS có thể an cư, an cư rồi mới lập nghiệp được. Điều quan trọng sau đó là VOV có thể có một cơ chế thích hợp cho VFS, để VFS có thể hoạt động trong VOV như một đơn vị độc lập.

Ông bày tỏ hy vọng rằng VOV là một tập đoàn truyền thông hàng đầu của cả nước, có thể tận dụng khả năng tìm kiếm tài trợ của VOV và được sự trợ giúp của VOV để nâng năng lực tài chính. Từ đó, anh em nghệ sĩ lao động, hoạt động nghệ thuật hết mình để có những tác phẩm xứng đáng.

hang_phim_truyen_vn_1499850508179_crop_1499850542935_ijyd

 Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thuỵ Khuê - Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu)

NSƯT Vũ Tuấn, Phó phòng quay phim Hãng phim truyện Việt Nam cũng chia sẻ:  “Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam là người rất quan tâm đến các hoạt động nghệ thuật. Nếu VOV tiếp nhận VFS là một tin rất vui với anh em nghệ sĩ VFS. Việc cổ phần hoá VFS đã kéo dài 3 năm kèm theo quá nhiều mệt mỏi bởi vậy chúng tôi mong ngóng việc sáp nhập được tiến hành nhanh chóng”.

NSND Trà Giang bày tỏ: “Thực sự tôi muốn Hãng phim chỉ là Hãng phim thôi, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, được kết hợp cùng với VOV thì rất tốt. Những người nghệ sĩ vừa có thể sản xuất phim, vừa có phương tiện để quảng bá, phát hành phim. Việc giữ nguyên hãng phim như hiện tại là điều không thể. VOV có thể cùng gánh vác công việc với Hãng phim thực sự là điều rất đáng vui mừng”.

Hoạ sĩ Vũ Huy, người đã có 36 năm gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam chia sẻ: “Thời gian qua, việc cổ phần hóa khiến Hãng phim truyện Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thất thoát nhiều lực lượng sản xuất, phim không có đầu ra, uy tín của Hãng phim bị ảnh hưởng, các nghệ sĩ vừa không có việc, vừa không có tài chính nên rất thất vọng, mất niềm tin. Nhưng điều quan trọng nhất là ảnh hưởng đến điện ảnh Việt Nam".

"Việc VOV sẵn sàng tiếp nhận Hãng phim, tức là sẽ có một cơ quan chủ quản Nhà nước tiếp sức, làm tái sinh lại, thậm chí phát triển lực lượng điện ảnh, theo tôi là rất tốt. Tôi biết PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ là người rất quan tâm đến các hoạt động nghệ thuật, có cái nhìn vĩ mô nên không chỉ hy vọng, mà tôi tin đây là một tín hiệu tích cực, VOV sẽ phát triển tiếp truyền thống 60 năm của Hãng phim truyện Việt Nam”, ông Huy nói.

Ngày 29/6/2010, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim truyện Việt Nam. Năm 2016, Hãng phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy Việt Nam (VIVASO) hoàn tất quá trình mua lại hãng phim vào tháng 6/2017 và trở thành cổ đông chiến lược. Sau khi cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam được đổi tên thành Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.

Tuy nhiên sau khi tiến hành cổ phần, rất nhiều nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam đã bức xúc lên tiếng vì cho rằng VIVASO đã không thực hiện đúng cam kết trước đó. Các nghệ sĩ khẳng định, cổ phần hóa đã không đưa hãng vượt qua giai đoạn khó khăn và nhiều cam kết của nhà cổ đông chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy như đảm bảo việc làm, tôn trọng nghề nghiệp… đảm bảo mức lương theo quy định của Nhà nước không được thực hiện.

Trước những lùm xùm về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, ngày 21/9/2017, tại buổi làm việc về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/9/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam trong đó chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm và vi phạm trong quá trình cổ phần hóa. Thanh tra Chính phủ cũng đưa ra những kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khắc phục những hạn chế, sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam./.

>>> Đọc thêm: Cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam: Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý người đứng đầu

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn