Đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, đại dương của chúng ta đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm trắng từ rác thải nhựa.
Theo báo cáo từ chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa ở bờ biển Việt Nam giai đoạn 2019 – 2021 cho thấy rác thải nhựa có nguồn gốc từ hoạt động thủy sản chiếm ưu thế trong tổng số rác thải nhựa trên các bãi biển. Các loại nhựa thủy sản như phao xốp, dây thừng, lưới nhỏ, phao nhựa, dây câu chiếm 47% về số lượng và 46% về khối lượng rác thải nhựa. Do đó, thu gom rác thải nhựa trên biển đang là yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trước bối cảnh đó, trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án) do Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp triển khai cùng Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) thực hiện nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020-2030” theo Quyết định số 687/QĐ-BNN-TCTS của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Một trong những mô hình thí điểm đã triển khai thành công tại Phú Quốc với nguồn lực hỗ trợ từ Dự án là mô hình “Đoàn tàu cá chống rác thải nhựa đại dương” do Phòng Kinh tế thành phố Phú Quốc phối hợp với Công ty Cổ phần Thương mại Khải Hoàn triển khai từ tháng 10/2021.
Mô hình huy động sự tham gia của thuyền viên thuộc 26 tàu cá thực hành giảm rác thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt trên tàu và trong quá trình đánh bắt thủy sản, đồng thời thu gom rác thải nhựa trôi nổi trên biển và ngư lưới cụ bị hỏng mang về xử lý tại bờ theo đúng quy định.
Các tàu cá tham gia mô hình sẽ thực hiện 4 bước: Ký cam kết thực hiện hành động giảm rác nhựa; Nhận dụng cụ, bao lưới từ Dự án để thu gom và lưu trữ rác thải nhựa trên tàu; Tuyên truyền tới thuyền viên trên tàu; Thực hiện cam kết phân loại rác trên tàu và mang rác về bờ.
Qua hơn 6 tháng triển khai, trung bình mỗi tàu cá mang về bờ khoảng từ 160 kg đến 210 kg rác thải sau một chuyến đi biển; trong đó có khoảng 20% là rác có thể tái chế (chai nhựa, lon bia), còn lại 80% là rác khó tái chế hơn (bao muối, bao gói thực phẩm). Tính đến tháng 6 năm 2022, tổng lượng rác thải đoàn tàu cá của Công ty Khải Hoàn đã mang về bờ là khoảng 10.6 tấn.
Một điểm sáng khác là mô hình thí điểm quản lý rác thải nhựa cho tàu cá, cảng cá tại thành phố Đà Nẵng thực hiện phụ lục V công ước MARPOL. Từ cuối năm 2021, với sự chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang triển khai mô hình thí điểm với tập hợp các giải pháp được triển khai đồng bộ với 25 tàu có chiều dài trên 12m với sự hỗ trợ từ Dự án.
Trong đó các hoạt động tập huấn, hướng dẫn ngư dân và thuyền viên ghi chép số liệu theo biểu mẫu, thực hiện mang rác thải vô cơ về bờ sau các chuyến biển... Rác thải do các tàu cá mang về bờ chủ yếu là rác tài nguyên gồm chai nhựa, bao ni lông, vỏ lon nhôm... với số lượng khoảng 3-5 kg/ chuyến biển, chiếm khoảng 70% lượng sản phẩm có phát sinh rác thải khi mang đi biển. Kết quả 6 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện ký cam kết về việc giao nộp rác thải đối với 1.075 tàu và thu gom được 1.396,72 kg từ 4.655 tàu.
Tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Dự án cũng hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm thu gom rác thải từ biển vào bờ từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022. Mô hình được phối hợp triển khai bởi Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và môi trường bền vững và Hội phụ nữ xã Bảo Ninh.
Ước tính trong thời gian thực hiện mô hình, 100 tàu cá tham gia đã thu gom được khoảng 22.500 lon, chai nhựa các loại và khoảng 150 - 160kg túi nilon.
Số lon, chai nhựa được các tổ, chi hội phụ nữ các thôn thu gom sau các chuyến tàu đi biển về bán phế liệu xây dựng quỹ tình thương hỗ trợ cho trẻ em và phụ nữ nghèo trong xã Bảo Ninh. Bên cạnh đó, từ sáng kiến “Biến rác thành tiền” các chi hội đã thu được 25 triệu đồng để thăm và trao tặng 29 suất quà cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngư dân gặp nạn trên biển; hỗ trợ cho 1 trẻ mồ côi trong thời gian 3 năm hay phân công đón thuyền thu gom để tái chế, bán phế liệu xây dựng Quỹ “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý – Giám đốc Chương trình Giảm Nhựa của WWF - Việt Nam cho biết: “Từ các mô hình thí điểm thu gom rác thải nhựa trên các tàu cá về bờ ở cấp địa phương, chúng ta có thể thấy rõ đây là những hành động nhỏ nhưng mang lại nhiều ý nghĩa lớn.
Hoạt động này không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác nhựa các đại dương đang phải chống chịu, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp và ngư dân với môi trường, mà còn đem lại những lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực biến rác thành tiền phục vụ cho các hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn, như mô hình tại xã Bảo Ninh. Tôi tin rằng đây sẽ là bài học kinh nghiệm với các kết quả tích cực cho các địa phương khác học tập, cũng như tìm thấy cơ hội áp dụng mô hình để thay đổi tại chính địa phương của mình”.
Các mô hình và bài học kinh nghiệm trên đây đã được trình bày, chia sẻ tại Hội thảo “Các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trong lĩnh vực khai thác, sản xuất và kinh doanh thủy sản” được tổ chức tại thành phố Phú Quốc, ngày 11/8 vừa qua. Thông qua Hội thảo các đại biểu cũng đều đồng ý rằng các mô hình này mang tính khích lệ, động viên lớn để các đơn vị khác có thực hành phù hợp, từng bước nhỏ sẽ góp phần thay đổi bức tranh lớn, thay đổi hẳn hình ảnh của địa phương.
Không chỉ Phú Quốc, Đà Nẵng, Đồng Hới mà các địa phương khác cũng mang được những ý tưởng này về ứng dụng với địa phương của mình, đưa địa phương trở thành nơi xanh, sạch, sáng, an toàn, là điểm đến thu hút khách du lịch.
Bình luận