Tìm giải pháp tận dụng nguồn lực, phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nội dung của cuộc hội thảo “tăng cường liên kết vùng ở ĐBSCL” do Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng 19/12.
Chỉ Cần Thơ tự chủ được ngân sách
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH&ĐT) cho biết vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh đang nắm giữ nhiều lợi thế lớn về kinh tế, nhưng phát triển vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Vùng ĐBSCL có diện tích gần 41.000 km2 với dân số gần 18 triệu người. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của Việt Nam.
Các địa phương đều có thế mạnh về nông nghiệp, sản phẩm chủ lực là đều là lúa, tôm, cá, và trái cây. Đây là những lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế nhưng hiện tại chỉ duy nhất Cần Thơ có thể tự chủ về ngân sách. 12 tỉnh khác vẫn phải nhận hỗ trợ từ trung ương.
ĐBSCL gặp thách thức khi là một trong 3 đồng bằng lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Cùng với đó là hiện tượng suy giảm lượng phù sa và tài nguyên thủy sản, đồng thời gia tăng tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn.
Ông Đông nhấn mạnh để tận dụng hết lợi thế của vùng thì phải đặt ra yêu cầu về liên kết giữa các địa phương, để có thể khai thác tính kinh tế về quy mô, phát huy lợi thế so sánh và tránh tình trạng cạnh tranh không cần thiết.
Với ý nghĩa như vậy, ĐBSCL đã trở thành vùng đầu tiên và duy nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước được áp dụng quy chế thí điểm liên kết vùng theo quyết định 593/2016 của Thủ tướng.
Theo ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tiến độ xây dựng danh mục dự án liên kết của ĐBSCL rất chậm hơn so với dự kiến ban đầu. Các dự án đều do mỗi địa phương tự nghiên cứu và đề xuất, không có dự án nào do các địa phương đề xuất chung.
Liên kết về quy hoạch, kế hoạch giữa các địa phương chủ yếu còn mang tính hình thức, vẫn dừng ở mức độ cho ý kiến khi đã hoàn thành dự thảo. Liên kết sản xuất theo chuỗi còn ít, mô hình các sản phẩm chủ lực chưa được xây dựng, chưa có liên kết trong xúc tiến thương mại và đầu tư, chưa liên kết nhiều trong nghiên cứu phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Ông cũng chỉ ra việc thiếu tiền, nguồn lực tài chính khiến liên kết vùng còn rất hạn chế. Do phải nhận ngân sách hỗ trợ từ trung ương, các tỉnh thường ưu tiên các nhiệm vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội của địa phương rồi mới đến các vấn đề mang tính vùng.
Đề xuất thành lập Ủy ban điều phối liên kết vùng ĐBSCL
Ông Trần Duy Đông cho rằng để làm tốt liên kết vùng tại ĐBSCL thì nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong liên kết cần được xác định rõ đó là nguyên tắc hài hoà về lợi ích. Chỉ khi đảm bảo được lợi ích của các bên tham gia thì liên kết mới có thể bền vững.
Ngoài ra cần tuân thủ quy hoạch vùng cũng cần được bổ sung đối với các cơ chế liên kết vùng hiện nay. Quy hoạch vùng cần được tôn trọng bởi đây là công cụ pháp lý trong điều phối nguồn lực, tổ chức không gian, phân công chức năng và vai trò của các địa phương trong vùng.
Các liên kết quan trọng khác như liên kết về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, và các liên kết khác như sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản có thể được thực hiện mà không nhất thiết cần tới các cơ chế điều phối phức tạp.
Cần xây dựng bộ máy liên kết có hiệu lực và hiệu quả. Cơ quan điều phối liên kết vùng phải có thẩm quyền quyết định về các vấn đề có tính chất vùng, dựa trên cơ sở quy hoạch vùng và đồng thuận của các bên.
Ông lưu ý đến phương án đột phá mà Viện trưởng Viện Kinh tế đề xuất là thành lập Ủy ban điều phối liên kết vùng ĐBSCL. Chủ tịch Ủy ban do một phó thủ tướng đảm nhiệm.
Để có nguồn tài chính cần có một cơ chế cho phép các địa phương đóng góp tài chính để thực hiện các dự án chung, bên cạnh nguồn hỗ trợ từ trung ương. Ngoài ra cần tận dụng nguồn lực xã hội hóa bằng các dự án hợp tác công tư.
Bình luận