Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma, mã chứng khoán TCK) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2018 với số liệu khá bết bát.
Nguyên nhân được Coma cho biết do nhiều công trình như: Chống ngập triều cường TP.HCM, cầu vượt ngã tư An Sương… hiện chủ đầu tư đang có vướng mắc trong khâu nghiệm thu, quyết toán nên chưa nghiệm thu cho Coma.
Vì vậy, doanh thu quý 3 của Coma thấp, không đạt kế hoạch, không đủ đắp chi phí quản lý, dẫn đến thua lỗ.
Trong khoảng thời gian từ tháng 7 – 9/2018, Coma đạt gần 119 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, giảm 20,6% so cùng kỳ (hơn 150 tỷ đồng). Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 4,3 tỷ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế âm lần lượt 4,7 tỷ và hơn 4,8 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, Coma lỗ 13,7 tỷ đồng sau thuế. Trong khi đó, tổng nợ tiếp tục tăng nhẹ 2,5% lên 1.101 tỷ đồng, chủ yếu nợ ngắn hạn 98%.
Vẫn theo Coma, trong thời gian trên, ba công ty con là Công ty cổ phần khóa Minh Khai, Công ty TNHH MTV Xây lắp và kinh doanh Vật tư thiết bị số 27 và Công ty TNHH MTV SX-XNK-DV phát triển nông thôn có kết quả kinh doanh thua lỗ nên không đủ bù chi phí quản lý.
Trên thị trường chứng khoán, mã TCK của Coma đang giao dịch dưới mệnh giá, mức 4.600 đồng, gần như không có thanh khoản và mất 54% giá trị kể từ khi niêm yết. Không những thế, ngày 5/10/2018, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội có thông báo hạn chế giao dịch với hơn 23 triệu cổ phiếu TCK do chậm công bố báo cáo tài chính bán niên 2018.
Coma vốn là một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực chế tạo kết cấu thép. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính mới đây, công ty cùng nhiều đơn vị thành viên đã có vi phạm trong kinh doanh, quản lý vốn và tài sản.
Theo kết luận, 5 trong số 8 công ty trong diện thanh tra (gồm: Công ty mẹ - Tổng công ty Cơ khí xây dựng, Công ty cổ phần Khóa Minh Khai, Công ty TNHH MTV Xây lắp và kinh doanh vật tư thiết bị số 27, Công ty TNHH MTV Sản xuất – xuất nhập khẩu dịch vụ và phát triển nông thôn, Công ty cổ phần Cơ khí và xây lắp Thái Bình, Công ty cổ phần Cơ khí và xây lắp sông Chu, Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng số 2 Hà Bắc, Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng và lắp máy điện nước) chưa bảo toàn và phát triển vốn hoặc có dấu hiệu mất an toàn tài chính của doanh nghiệp.
Tất cả doanh nghiệp được thanh tra chưa thực hiện đối chiếu đầy đủ nợ phải thu tại thời điểm 31/12/2017 với số tiền 388 tỷ đồng, chiếm 66% tổng số nợ phải thu. Trong đó, nợ phải thu của khách hàng chưa đối chiếu là 215 tỷ đồng, trả trước cho người bán chưa đối chiếu là 21 tỷ đồng, phải thu nội bộ là 6,2 tỷ đồng, phải thu khác là 136,7 tỷ đồng, tạm ứng là 8,3 tỷ đồng.
Cả 8 doanh nghiệp được thanh tra có nợ phải thu quá hạn thanh toán tại thời điểm 31/12/2017 với số tiền 344 tỷ đồng (chiếm 58% tổng nợ phải thu), trong đó các khoản nợ kéo dài trên 3 năm khó có khả năng thu hồi với số tiền lên tới 226 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có 5 công ty do Công ty mẹ - Tổng công ty đầu tư vốn hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ hoặc còn lỗ lũy kế nên chưa bảo toàn và phát triển được vốn và có khả năng rủi ro về an toàn tài chính của doanh nghiệp.
Cụ thể, công ty mẹ có vốn đầu tư của chủ sở hữu là 238 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 51,5 tỷ đồng. Công ty Xây dựng và lắp máy điện nước có vốn góp của chủ sở hữu là 11 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 49,6 tỷ đồng.
Công ty Xây lắp và Kinh doanh vật tư thiết bị số 27 có vốn đầu tư của chủ sở hữu là 12,9 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 14,3 tỷ đồng. Công ty Sản xuất – XNK dịch vụ và phát triển nông thôn có vốn đầu tư của chủ sở hữu là 127,3 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 9,6 tỷ đồng; Công ty Khóa Minh Khai có vốn góp của chủ sở hữu là 6,6 tỷ đồng, lỗ năm 2017 là 4,8 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhiều công ty hạch toán sai dẫn đến nợ thuế hàng trăm tỷ đồng.
Đang làm rõ việc chuyển nhượng cổ phần tại Coma
Năm 2007, Coma được UBND TP.Hà Nội chỉ định tự huy động vốn để xây dựng Cung Trí thức thành phố (theo hình thức BT) và được chấp thuận chuyển giao lô đất 2.5 HH Lê Văn Thiêm với diện tích hơn 8.700 m2 đất để phát triển dự án Cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp văn phòng (Goden West).
Để huy động vốn thực hiện dự án, Coma đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Vietradico (Hợp đồng số 469/HĐHTKD ngày 23/7/2008). Theo hợp đồng, Vietradico cho Coma vay 150 tỷ đồng. Hai bên sẽ thành lập một công ty cổ phần để triển khai xây dựng Khu nhà hỗn hợp trên khu đất 2.5 HH Lê Văn Thiêm.
Ngay sau khi ký hợp đồng, Coma và Vietradico đã thành lập Công ty ComaLand, vốn điều lệ 160 tỷ đồng (trong đó Coma góp 10 tỷ đồng, Vietradico góp 150 tỷ đồng) để triển khai dự án dự án Goden West trên lô đất 2.5HH Lê Văn Thiêm.
Ngày 11/8/2010, Coma tiếp tục ký hợp đồng với Vietradico, chuyển nhượng một triệu cổ phần thuộc sở hữu của mình tại ComaLand cho Vietradico với giá 140 tỷ đồng tương ứng với giá bán 140.000 đồng/cổ phần.
Đến ngày 5/4/2013, hai bên ký biên bản thanh lý hợp đồng, xác nhận, Vietradico đã trả 94 tỷ đồng cho Coma (tương ứng 671.429 cổ phần), còn nợ lại số tiền chuyển nhượng cổ phần 46 tỷ đồng (tương ứng 328.571 cổ phần).
Tuy nhiên, ngày 25/6/2014, Coma lại ký thêm phụ lục hợp đồng với Vietradico. Tại văn bản này, hai bên đã điều chỉnh giảm giá bán cổ phần Coma tại ComaLand từ 140.000 đồng/cổ phần xuống còn 48.000 đồng/cổ phần. Do đó, tổng giá trị chuyển nhượng đang từ 140 tỷ đồng bị kéo xuống còn hơn 109,7 tỷ đồng.
Và đến ngày 20/1/2015 Coma ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án Cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp văn phòng 2.5 HH Lê Văn Thiêm cho Vietradico. Tổng giá trị thương vụ này là hơn 299,5 tỷ đồng. Đáng nói, tại thời điểm này, Coma vẫn là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Trả lời VTC News, ông Dương Văn Hồng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng – Coma cho biết, liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần Coma cho Vietradico trong quá trình thực hiện dự án chung cư Golden West, hiện cơ quan công an đang điều tra, định giá nên không thể công bố thông tin. “Tôi chưa thể khẳng định đúng hay sai. Khi nào cơ quan chức năng có kết luận tôi sẽ thông tin”, ông Hồng nói.
Bình luận