Thời điểm Sống chung với mẹ chồng chưa lên sóng, phóng viên đặt cho đạo diễn Vũ Trường Khoa câu hỏi: “Anh có kỳ vọng bộ phim này sẽ được yêu thích như Hôn nhân trong ngõ hẹp và Khi đàn ông góa vợ bật khóc?”.
Không một phút đắn đo suy nghĩ, nam đạo diễn của những bộ phim về đề tài gia đình thẳng thắn: “Tôi và ê-kíp thực hiện luôn mong muốn điều đó nhưng tự tin trả lời bây giờ thì e là hơi sớm. Tôi mong khán giả sẽ quan tâm và theo dõi bộ phim”.
Vũ Trường Khoa là một người làm phim tử tế. Các tác phẩm của anh hấp dẫn khán giả truyền hình bằng kịch bản đời sống chân thực, dàn diễn viên chuyên nghiệp thay vì những cảnh nóng câu khách hay dàn chân dài nổi tiếng của showbiz.
Nhưng có thể, cũng vì sự chỉn chu và truyền thống đó mà nhiều người bảo Vũ Trường Khoa không chịu đổi mới. Những câu chuyện trong phim của anh dường như đã cũ và không còn phù hợp trong nhịp sống hiện đại.
Và một thắc mắc được đưa ra trong những ngày gần đây là “Cách xây dựng nhân vật mẹ chồng - nàng dâu như phim Sống chung với mẹ chồng có còn đáng xem trong thời đại của Facebook, Zalo?”
Nhiều khán giả dừng xem vì "phim thiếu văn minh"
Mới lên sóng 3 tập, Sống chung với mẹ chồng đã gây bão mạng xã hội. Khán giả truyền hình vừa mong ngóng, chờ đón từng tập vừa không ngại thể hiện quan điểm cá nhân, khen - chê lẫn lộn.
Nhiều người quả quyết phim đáng xem nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng đây là một sản phẩm của “cường điệu hóa” với lối tư duy làm phim xưa cũ.
“Năm 2017, những bà mẹ chồng như bà Phương không còn điển hình. Mẹ chồng thời nay có thể đi mua sắm, tập yoga và nói chuyện với con dâu về mạng xã hội, công nghệ. Thực tế cuộc sống đã khác nhiều, do vậy, những tình huống trong Sống chung với mẹ chồng không còn phù hợp”, một khán giả bày tỏ quan điểm.
Giữa thành phố, trong thời đại của văn minh công nghệ số, người ta rất khó tin khi phim ảnh vẫn khắc họa một bà mẹ chồng giật tạp dề của con trai khi anh định rửa bát cho vợ.
Và càng khó chấp nhận hơn khi thấy cảnh mẹ chồng quát mắng con dâu vì dám ngồi lên người chồng trong đêm tân hôn. Theo bà, đàn ông - con trai sẽ không bao giờ ngóc đầu lên được nếu để đàn bà - con gái “đè lên đầu lên cổ” mình.
Sống chung với mẹ chồng còn rất nhiều câu thoại mà một bộ phận khán giả truyền hình cho rằng đó là tư tưởng phong kiến, trọng nam khinh nữ và không còn văn minh trong xã hội.
Nhiều người quyết định và kêu gọi dừng xem bộ phim này, số khác lại ví von “Nếu muốn lấy chồng thì đừng theo dõi Sống chung với mẹ chồng”.
“Tôi tự hỏi phim này truyền tải điều gì đến người xem, ngoài việc khắc họa một mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu không thể nặng nề và bế tắc hơn. Những bộ phim như này chỉ khiến phụ nữ bi quan về đời sống hôn nhân, gia đình và có định kiến về hình ảnh mẹ chồng”, một khán giả gay gắt.
Năm 2017 có còn bà mẹ chồng nào như bà Phương?
Trước những tranh cãi không hồi kết về nội dung của Sống chung với mẹ chồng, nhiều người đã quyết định tiết lộ câu chuyện về cuộc sống riêng tư của mình hoặc bạn bè, người thân lên các diễn đàn tâm sự phụ nữ.
Họ khẳng định ở ngoài đời, có nhiều mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu còn kinh khủng và khó tin hơn phim.
“Chuyện thật như đùa. Trong Sống chung với mẹ chồng, bà Phương tự ý vào phòng con trai. Còn ngoài đời, bạn tôi kể rằng mẹ chồng cô ấy yêu cầu 2 vợ chồng khi đi ngủ không được đóng cửa để bà ấy có quyền vào phòng kiểm tra bất cứ lúc nào”, một phụ nữ tiết lộ.
Thực tế cho thấy, những bà mẹ chồng soi mói, xét nét và can thiệp vào đời sống vợ chồng con trai như bà Phương không phải không có.
Tất nhiên, không thể phủ nhận nhà biên kịch đã cường điệu hóa sự thật và xây dựng bà Phương thành một nhân vật điển hình để phim có những tình huống "gay cấn" và hấp dẫn đối với người xem.
Thêm nữa, đạo diễn và biên kịch cũng không chủ đích xây dựng một bà mẹ chồng xấu xa trên màn ảnh. Thực chất, bà Phương là người yêu thương chồng con hết mực.
Và không phải bà mẹ chồng nào ngoài đời cũng hầm gà cho con dâu ăn hay khuyên con dậy sớm tập thể dục, thể thao để rèn luyện thân thể, giữ gìn sức khỏe.
“Bà Phương không xấu, chỉ có điều cách yêu thương con của bà ấy không thực sự phù hợp”, NSND Lan Hương, người đóng vai bà Phương, nhận định.
Nếu để ý kỹ, cũng có thể lý giải sự "tai quái" của bà Phương với con dâu bằng tâm lý: Không phải người mẹ nào cũng chấp nhận việc con trai - người mình đã mang nặng đẻ đau, sống với mình từ bé đến lớn - bỗng dưng lại yêu và bị kiểm soát bởi một người phụ nữ khác.
'Không muốn tạo suy nghĩ trái chiều về phụ nữ'
Trả lời về nhận định cho rằng đề tài trong Sống chung với mẹ chồng tương đối cũ kỹ và không thực phù hợp trong xã hội hiện nay, đạo diễn Vũ Trường Khoa cho biết những mâu thuẫn trong quan hệ mẹ chồng và nàng dâu tuy không mới nhưng là một câu chuyện muôn thuở.
“Đối với phần lớn người châu Á, đề tài về gia đình luôn tạo nên sức hút riêng cho mỗi tác phẩm. Mặc dù trong xã hội ngày nay, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu đã có nhiều thay đổi nhưng những bất hòa, rắc rối vẫn luôn tồn tại”, nam đạo diễn nhấn mạnh.
Vũ Trường Khoa cũng khẳng định anh không xây dựng “cuộc chiến” giữa mẹ chồng và nàng dâu với mục đích tạo ra những suy nghĩ trái chiều cho khán giả truyền hình về hình ảnh hai người phụ nữ.
“Trong phim không có nhân vật nào là chính diện hay phản diện. Thay vào đó, bộ phim để khán giả tự suy ngẫm, tự lựa chọn họ nên đứng ở vị trí nào và phải làm sao để có cách sống phù hợp trong gia đình.
Ngoài ra, tôi cũng muốn khán giả thấy người đàn ông trong gia đình có vai trò quan trọng như thế nào trong việc dung hòa mối quan hệ giữa mẹ chồng và vợ”, nam đạo diễn nói thêm.
Video: Trích đoạn trong phim "Sống chung với mẹ chồng"
Bình luận