Vấn đề mà iPhone 6 và 6 Plus gặp phải liên quan đến cảm ứng. Sau một thời gian sử dụng, màn hình không phản ứng và thậm chí còn có một dải màu xám hiển thị ngay ở trên cùng màn hình. Đây là lời tố cáo được đưa ra bởi iFixit, một công ty sửa chữa nổi tiếng với các màn “mổ bụng” sản phẩm.
Trong blog, Julia Bluff – thành viên của iFixit, cho biết ngày càng nhiều iPhone dính lỗi “Touch Disease”, không chỉ được nhắc đến trên diễn đàn Apple mà còn tại các trung tâm sửa chữa của bên thứ ba.
“Nhiều chuyên gia sửa chữa gặp phải lỗi tương tự trên iPhone – chủ yếu xuất hiện các dải màu xám nhấp nháy và chức năng cảm ứng gặp trục trặc. Rami Odeh từ New Orleans chứng kiến tối đa 100 chiếc iPhone 6 và 6 Plus mỗi tháng không phản hồi trước các thao tác chạm. Khoảng một nửa các máy gửi đến Michael Huie – chuyên gia sửa chữa có tiếng của Microsoldering.com – đều cho thấy cùng một hiện tượng”.
Theo Huie, Apple đáng lẽ nên phát hành thông báo thu hồi hay đưa ra chế độ sửa chữa miễn phí. “Nếu đang sở hữu một chiếc iPhone 6 Plus nhưng chưa gặp phải tình trạng này, tôi nghĩ có khả năng cao bạn sẽ sớm trải qua thôi”.
Jason Villmer sở hữu một tiệm sửa chữa tại Missouri có tên STS Telecom. Mỗi tuần, vài chiếc iPhone 6 và 6 Plus lại được mang đến để sửa màn hình cảm ứng. Ông nói: “Vấn đề lan rộng đến mức tôi cảm giác gần như mọi iPhone 6/6 Plus đều dính phải và giống như một quả bom nổ chậm chực phát nổ”.
Theo iFixit, lỗi không nằm trong màn hình cảm ứng mà nằm trong hai con chip điều khiển màn hình cảm ứng nằm trong bảng mạch iPhone, vốn là cầu nối giữa các thao tác chạm từ màn hình đến phần mềm. Các con chip này dần dần bị bật ra khỏi bảng mạch trong quá trình sử dụng. Trong iPhone 6s và 6s Plus, Apple đã di chuyển chúng đến vị trí khác.
Cũng như các vấn đề trước đó như lỗi Touch ID Error 53 hay iPhone 6 Plus bị bẻ cong dù chỉ chịu áp lực nhỏ, rất khó xác định có bao nhiêu iPhone dính lỗi này. Những người gặp phải sự cố đều lên tiếng trên các diễn đàn hỗ trợ, blog, mạng xã hội.
Không chỉ có vậy, Apple Store Genius Bars không thể sửa chữa các thiết bị gặp lỗi này do họ không được đào tạo về bảng mạch, đưa thiết bị cho họ chỉ tốn thời gian. Một số nhân viên Genius Bar còn nói với người dùng rằng Apple không xem sự cố màn hình cảm ứng là một vấn đề. Nếu đã hết hạn bảo hành, tùy chọn duy nhất của họ là mua máy mới.
Thử bẻ điện thoại hay nhấn mạnh vào màn hình có thể xử lý tạm thời nhưng sau đó “căn bệnh” quay trở lại và còn nặng hơn trước đó khi dải màu xám chiếm nhiều diện tích hơn. Sau đó, màn hình ngày càng tệ đến khi không hoạt động nữa. Thay màn hình mới chỉ khắc phục được một thời gian vì dải màu xám lại xuất hiện lại trên cả màn hình mới.
Sự việc có thể leo thang nhanh chóng thành một cơn khủng hoảng nếu Apple không thể nhanh chóng kiểm soát mọi thứ, trả lời các cáo buộc và đưa ra chiến lược chi tiết nhằm xử lý những chiếc iPhone bị hỏng.
Giải pháp mà iFixit khuyên người dùng iPhone gặp sự cố là mang đến trung tâm sửa chữa, đề nghị thay hai chon chip Touch IC (nếu hết bảo hành) và mang đến cho Apple (nếu còn bảo hành). Chi phí sẽ ít hơn phải thay bảng mạch hay mua iPhone mới. Không chỉ vậy, trung tâm còn gia cố bảng mạch để nó không bị lỏng ra như trước.
Thời điểm sự cố bị phơi bày cũng là một trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất vì chỉ chưa đầy một tháng nữa, thế hệ iPhone mới dự kiến được giới thiệu. Cộng đồng mạng rõ ràng đang lùng sục tất cả thông tin về iPhone để xem có nên mua sản phẩm này hay không hay chuyển sang các thiết bị Android mới hơn như Galaxy S7 Edge hay Note 7.
Thay vào đó, họ lại tìm ra một loạt các câu chuyện về các sự cố mà iPhone gặp phải sau khi mua và Apple không chịu trách nhiệm sửa chữa. Như vậy, họ càng có cớ để tin rằng thiết bị điện tử được thiết kế để chỉ hoạt động tốt trong thời gian bảo hành.
Sự kiện iPhone 7 có thể vì vậy không thể diễn ra suôn sẻ như dự tính của Apple. Hình ảnh Apple cất công xây dựng như một công ty tập trung 100% vào trải nghiệm người dùng cuối cùng cũng bộc lộ mặt tối: Apple chỉ giống như bất kỳ hãng điện tử nào khác mà thôi.
Bình luận