Mặc dù các hãng hàng không đều tăng chuyến nhưng nhiều chuyến bay Tết từ TP HCM đi miền Trung và miền Bắc đã hết vé hạng phổ thông hoặc vé ở các chuyến bay giờ đẹp.
Chưa bao giờ Việt Nam có nhiều hãng hàng không như hiện nay khi có đến 6 hãng hàng không nội địa. Đông về số lượng và thành phần kinh tế tham gia nhưng vào mùa cao điểm Tết, hành khách vẫn khó mua vé trong khi mùa thấp điểm, thị trường suy giảm mạnh.
Vừa mở bán đã cháy vé
Hết vé sớm nhất trong mùa bay Tết là ở đường bay TPHCM – Quy Nhơn. Hiện chỉ có 2 hãng khai thác trên đường bay này là Vietnam Airlines (VNA) và AirMekong (AM).
Giá vé thông thường của VNA là 2,139 triệu đồng/vé/lượt trong khi giá của AM là 2,879 triệu đồng. Cách đây hơn một tháng, vé Tết đã được AM mở bán nhưng nhiều hành khách chưa vội mua vì chờ sắp xếp lịch về quê và tham khảo giá của VNA.
Đối với gia đình có trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng thì mua vé của VNA tiết kiệm hơn do chỉ phải trả 75% giá thông thường trong khi hãng giá rẻ vẫn tính 100% giá vé. Nhưng ngay khi VNA mở bán từ đầu tháng 11, nhiều người đã thất vọng không mua được vé online vì tốc độ bán rất nhanh, nhiều người truy cập gây nghẽn mạng.
Mỗi chuyến bay chỉ dành 10% chỗ cho em bé nên các gia đình có trẻ em dưới 2 tuổi càng khó có cơ hội.
Các đường bay từ TPHCM đi Hải Phòng, Vinh, Huế mỗi ngày chỉ có 2 chuyến khứ hồi nên đều căng thẳng như vậy.
Hàng không luôn trong tình trạng quá tải vào dịp Tết từ nhiều năm nay
Các chuyến bay trên đường trục – Đà Nẵng/Hà Nội dễ thở hơn. Đường bay TP HCM - Hà Nội của VNA vào dịp Tết tăng lên 30 chuyến khứ hồi, bắt đầu từ 3 giờ 10 phút sáng đến 20 giờ 30 phút hằng ngày.
Giá vé một chiều là 2,981 triệu đồng/vé nhưng đến hôm nay, hầu hết các chuyến bay đều hết sạch vé hạng phổ thông, chỉ còn hạng thương gia 5,544 triệu đồng/vé. Một vài chuyến còn hạng phổ thông cũng chỉ có 5 chỗ và đều là các chuyến bay rất sớm hoặc rất khuya nhưng giá vé không rẻ hơn bay ngày. Đây là điểm khác biệt so với thường lệ.
Mặc dù nhận thêm máy bay mới nhưng VietJet Air (VJA) cũng đã hết sạch vé Tết ở các chuyến bay giờ đẹp. Giá vé của hãng này trên đường bay TP HCM – Hà Nội là 2,948 triệu đồng/vé/lượt...
Năm nay, các hãng giá rẻ như VJA, Jetstar Pacific (JPA) thiết kế các sản phẩm siêu rẻ cho các đường bay Hà Nội/Đà Nẵng – TP HCM để chống “lệch đầu”.
Thay vì phải trả 24 triệu đồng cho một gia đình 4 người từ TP HCM ra Hà Nội ăn Tết, nếu chuyển sang phương án đón bố mẹ vào Nam thì chỉ phải trả 2 triệu đồng nhưng cũng không làm thay đổi được tập quán của người Việt.
Thị trường nội địa suy giảm
Sự tấp nập của các chuyến bay Tết không phản ánh không khí chung của thị trường hàng không Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Hàng không, trong tháng 10, sản lượng vận tải hành khách của các hãng VNA, JPA, Vasco đều giảm từ 1% đến 27% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm mạnh nhất là Vasco.
Cụ thể, VNA vận chuyển được 1.054 triệu lượt khách (cả nội địa và quốc tế), giảm 1%; JPA vận chuyển được 133.590 lượt khách, giảm 18,3% và Vasco vận chuyển được 12.820 lượt khách, giảm 27%.
Hai hãng tư nhân mới VJA vận chuyển được 104.898 lượt khách, tăng 32,6% so với tháng 9 và AM vận chuyển được 52.908 lượt khách, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng VNA có sản lượng vận tải hành khách giảm nhẹ 1% vì các đường bay quốc tế vẫn khai thác tốt, tăng 9,9% về sản lượng trong khi thị trường nội địa giảm tới 7,4%.
Tính chung 10 tháng đầu năm, tình hình có cải thiện hơn khi thị trường nội địa giảm 3,9% nhưng cả nội địa và quốc tế vẫn tăng được 2,5% so với 10 tháng đầu năm 2011. Riêng JPA và Vasco vẫn suy giảm 14,8% và 6,5% trong khi sản lượng vận chuyển của AM chỉ tăng được 2,6%.
Sau thời kỳ phát triển khá nhanh đến mức Chính phủ phải có quyết định tạm dừng thành lập hãng hàng không mới trong những năm 2004-2009, đến nay hoạt động đầu tư trong ngành hàng không đã chững lại.
Theo Người Lao Động
Bình luận