Tại Kỳ họp thứ 11, Khóa IX HĐND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016-2021 đang diễn ra, nhiều đại biểu nêu thực trạng hàng loạt dự án quy hoạch “treo” kéo dài hàng chục năm gây khổ sở, bức xúc cho người dân.
Theo bà Phan Thị Tuyết Nhung, Luật Đất đai quy định dự án có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã quá 3 năm thì phải được rà soát, điều chỉnh, hủy bỏ theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay, Đà Nẵng vẫn còn khá nhiều dự án “treo” kéo dài hàng chục năm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
“Đề nghị thành phố cần sớm cho rà soát một cách tổng thể để có kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện các dự án này”, bà Nhung kiến nghị.
Bà Nhung dẫn chứng về dự án “treo” điển hình khiến người dân khổ sở, bức xúc là Dự án Làng Đại học Đà Nẵng.
“Riêng đối với Dự án Làng Đại học tại Ngũ Hành Sơn đã treo hơn 20 năm nay gây quá nhiều khó khăn cho người dân. Chúng tôi mong mỏi thành phố tiếp tục kiến nghị Trung ương để đầu tư, được bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2020-2025 thực hiện dự án”, đại biểu Nhung nói.
Bà Nhung cũng nêu kiến nghị của cử tri đề nghị thành phố chỉ đạo thực hiện sớm, ưu tiên dành quỹ đất còn lại cho y tế, giáo dục, công viên công cộng, thiết chế văn hóa phục vụ lợi ích cộng đồng.
Nhiều đại biểu cũng nêu thực tế quy hoạch, sử dụng đất của Đà Nẵng chưa đạt hiệu quả. Cụ thể, nhằm huy động vốn từ khai thác quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng thực hiện chủ trương giao đất cho nhà đầu tư triển khai các dự án.
Tuy nhiên, thành phố chỉ thu tiền sử dụng đất đối với phần đất thô và giao toàn quyền quản lý, khai thác cho chủ đầu tư dự án là bất cập. Ở một số dự án, số tiền thành phố bỏ ra để thực hiện giải phóng mặt bằng còn cao hơn số tiền nhà đầu tư phải nộp cho ngân sách.
Bên cạnh đó, việc quản lý quy hoạch không nghiêm, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, giảm đi phần lớn diện tích đất dành cho cây xanh, công cộng, thiết chế văn hóa gây ra nhiều hệ lụy. Từ đó, việc này sẽ là gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Bình luận