Trao đổi với báo chí bên lề Đại hội XIII của Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng cần có chính sách tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các vùng nông thôn, tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp cho nông nghiệp địa phương.
Hệ sinh thái nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị cho nông dân và doanh nghiệp, đồng thời là môi trường hấp dẫn để thu hút nhân tài trên khắp cả nước, các trí thức trẻ, trở về cống hiến cho quê hương.
Thu hút khởi nghiệp và nhân tài
Nền nông nghiệp nước nhà đang cần nguồn lực để phát triển toàn diện, không chỉ trên khía cạnh sản xuất, canh tác, mà còn ở hạ tầng khoa học công nghệ, quản lý. Do đó, sự xuất hiện của các doanh nghiệp khởi nghiệp cùng lực lượng trí thức được đào tạo bài bản là yếu tố cần thiết để thúc đẩy nông nghiệp đi lên.
"Nhiều tập đoàn đầu tư cho nông nghiệp là tín hiệu vui. Họ xác định nông nghiệp không phải lĩnh vực sinh lợi ngay, lại có nhiều rủi ro, nhưng nhiều doanh nhân tâm huyết với nông nghiệp, họ không chỉ muốn làm giàu cho doanh nghiệp của mình, mà còn muốn tạo ra cú hích thay đổi cho nông nghiệp Việt Nam.
Chúng ta trân trọng đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, và họ sẽ là người có vai trò dẫn dắt. Tuy nhiên, trong tự nhiên, chúng ta có đại bàng thì cũng có chim sẻ. Đại bàng là doanh nghiệp lớn, mang vai trò dẫn dắt, còn chim sẻ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã đang đầu tư ở các địa phương.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Đại bàng hay chim sẻ đều có giá trị riêng. Họ có phân khúc riêng, so với phân khúc của các doanh nghiệp lớn", ông Hoan phân tích về tầm quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các vùng nông thôn, đồng thời đề cập đến sự cấp thiết của việc hội tụ chất xám từ các trí thức trẻ tuổi.
"Các bạn trẻ hấp thu hàm lượng tri thức từ đô thị, khi trở về làng quê để khởi nghiệp ở các doanh nghiệp nông nghiệp (trong lĩnh vực bảo quản, chế biến, thương mại điện tử) sẽ tác động, tạo ra sự lan tỏa ở cộng đồng, không kém gì những con “đại bàng”.
Cơ quan truyền thông hãy trân quý, tôn vinh, phát hiện, khi ấy chúng ta mới có điều kiện thu hút đội ngũ trí thức trẻ về làng. Nếu chỉ sản xuất đơn thuần, canh tác tạo ra sản lượng thì đâu cần công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm,...
Nếu chúng ta chuyển động công nghiệp chế biến, doanh nghiệp vừa và nhỏ về làng, chúng ta sẽ tạo được sức hút với trí thức trẻ về làng, nơi các em được sinh ra. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn ca cẩm về việc thanh niên trẻ bỏ ruộng bỏ quê đi Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương, Vĩnh Phúc… dù đó là sự chuyển dịch ở nước nào cũng có", ông Hoan khẳng định.
Như vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương là mấu chốt để hóa giải "điểm nghẽn" về nông nghiệp. Chính sách thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp ở địa phương sẽ do cơ quan quản lý đề xuất với chính phủ.
Tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp ở địa phương sẽ kéo những doanh nghiệp lớn về hoạt động, tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và nông dân.
Không đánh đổi tất cả vì tăng trưởng
Thứ trưởng Bộ NN & PTNT cũng cho rằng tăng trưởng trong nông nghiệp là cần thiết, nhưng không thể đánh đổi tăng trưởng bằng nguy cơ mất cân bằng sinh thái, mất đa dạng sinh học hay uy tín, thương hiệu của nông sản Việt Nam, mà cốt lõi uy tín nông sản nước ta là chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, không thể vì tăng trưởng nông nghiệp mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng, cũng như gây hại đến môi trường.
"Chúng ta sẽ có chương trình đo đếm được sự chuyển đổi từ thuốc bảo vệ thực vật vô cơ sang thuốc sinh học. Với người sản xuất, sự thay đổi đều khó khăn. Thuốc bảo vệ thực vật bán đầy ở các cửa hàng xung quanh nhà mình rồi.
Chúng ta cần thời gian để chuyển đổi từ nền nông nghiệp lạm dụng vật tư đầu vào sang nền nông nghiệp thuận theo tự nhiên. Sẽ có một khoảng thời gian năng suất giảm xuống, nhưng năng suất giảm không đồng nghĩa với giảm thu nhập, bởi khi chất lượng đã được nâng lên rồi, thương hiệu và giá bán sẽ nâng lên.
Có sự đánh đổi ở giai đoạn đầu, nhưng nếu cơ quan truyền thông kiên nhẫn cùng người nông dân hóa giải tập quán, thói quen, quán tính lâu đời, chúng ta sẽ chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam thành nông nghiệp sinh thái. Một câu “nông nghiệp sinh thái” thôi cũng tạo ra thương hiệu cho nông sản Việt. Nông nghiệp sinh thái, bao gồm nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ, mang giá trị thương hiệu cao hơn", ông Hoan chia sẻ.
Một vấn đề nữa được Thứ trưởng Lê Minh Hoan đề cập với truyền thông là vấn đề sản xuất manh mún, nhỏ lẻ ở nhiều hộ gia đình tại địa phương. Theo ông Hoan, đây là "lời nguyền" của nông nghiệp Việt Nam.
Theo dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng, Việt Nam cần phát triển kinh tế, hợp tác kinh tế tập thể. Vấn đề định vị lại hợp tác xã trong tiến trình cơ cấu nông nghiệp phải đặt ở vị trí cao hơn, đưa nhiều quyết sách cho hợp tác xã hơn, để hợp tác xã là mảnh ghép của kinh tế hộ nhỏ lẻ, làm cầu nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp, thị trường.
"Thời gian qua chúng ta làm được một bước về nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã, nhận thức của các cấp uỷ chính quyền về kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể. Tuy nhiên, trong văn kiện đánh giá vẫn còn vấn đề tồn tại: năng lực quản trị của hợp tác xã, tính liên kết của các hợp tác xã với doanh nghiệp.
Chúng ta phải đưa kinh tế tập thể, với nòng cốt là hợp tác xã, ở vị trí tương xứng với tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp. Tôi xem đây là cứu cánh để vượt qua 'lời nguyền' sản xuất manh mún nhỏ lẻ.
Với những gì ở Sơn La, Gia Lai, Đồng Tháp làm được, tôi tin rằng nếu cấp uỷ chính quyền địa phương, nơi gần dân nhất, thấy sự bức thiết của kinh tế hợp tác và hợp tác xã, trong vấn đề đầu tư, hỗ trợ cho người nông dân, thì phong trào hợp tác xã sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn, là đòn bẩy để chúng ta kết nối các hộ nông nghiệp nhỏ lẻ lại.
Với những nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng khoa học công nghệ,... chúng ta sẽ không hỗ trợ hộ cá thể, mà hỗ trợ qua hợp tác xã, như thế sẽ kích hoạt được chủ ý, hợp tác của những người nông dân với nhau. Sự hợp tác này tạo ra sự liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp.
Công việc của chúng ta là hợp tác và liên kết, xác định định vị được thị trường. Thị trường sẽ điều chỉnh lại chất lượng, quy mô sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật của nông nghiệp Việt Nam", ông Hoan kết luận.
Bình luận