Các cựu bộ trưởng và quan chức an ninh dưới thời Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Goerge W. Bush đã nộp kiến nghị lên Tòa án phúc thẩm liên bang khu vực số 9 (gồm bang Washington và bang Minnesota), trong đó nêu rõ sắc lệnh cấm nhập cư của tân Tổng thống Donald Trump không làm cho đất nước an toàn hơn như ông vẫn nói.
Ý kiến từ những cái tên “sừng sỏ” trong giới an ninh và tình báo Mỹ
Ký vào đơn kiến nghị này có cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright và John Kerry, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Michael Hayden, Leon Panetta và Michael Morell, cựu quyền Giám đốc CIA.
Ngoài ra còn có cựu Phó Giám đốc CIA Avril Haines, cựu Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Janet Napolitano, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice và cựu Cố vấn quốc gia về chống khủng bố Lisa Monaco. Cựu Phó Giám đốc CIA dưới thời Tổng thống George W. Bush ông John E. McLaughlin cũng ký vào kiến nghị này.
Các quan chức này cho biết họ không nhận thấy bất cứ mối đe dọa an ninh quốc gia cụ thể nào có thể dẫn tới quyết định cấm nhập cư và theo các cựu quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ sắc lệnh của Tổng thống Trump chỉ làm cho đất nước cũng như các binh sỹ Mỹ ở khắp nơi trên thế giới ít được an toàn hơn.
Văn bản ghi rõ: “Bốn chúng tôi (Haines, Kerry, Monaco và Rice) vẫn còn hoạt động trong lĩnh vực tình báo liên quan đến tất cả những mối đe dọa khủng bố đáng kể nhằm vào nước Mỹ chỉ một tuần trước khi có Sắc lệnh Hành chính ngày 27/1/2017”.
Tất cả các quan chức này nhất trí rằng “nước Mỹ đang đối mặt với những nguy cơ thực sự từ mạng lưới khủng bố và phải có những bước đi khôn ngoan, hiệu quả nhằm ngăn chặn chúng, bao gồm việc rà soát một cách thích hợp những người tới Mỹ”.
Tuy nhiên, các cựu quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ cho rằng không có “bất cứ mối đe dọa cụ thể nào có thể dẫn tới việc cấm nhập cảnh theo như Sắc lệnh Hành chính ban hành ngày 27/1/2017”.
Các cựu quan chức an ninh thời Tổng thống Obama và Bush tin rằng lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump chỉ “phá hoại” an ninh quốc gia. Nó không thể hiện trách nhiệm “bảo vệ đất nước khỏi những thực thể khủng bố nước ngoài”, ngược lại, sắc lệnh này ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng nghìn người, trong đó có những người tị nạn, những người đã có visa và tất cả những người này đã được rà soát theo quy trình đầy đủ.
Cũng theo các quan chức này, sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump có thể gây nguy hiểm cho binh sỹ Mỹ ở nước ngoài và “tiếp tay cho những nỗ lực tuyên truyền của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trở thành thông điệp để chúng tuyển mộ thêm các tay súng với luận điệu rằng nước Mỹ đang gây chiến với Hồi giáo”.
Kiến nghị của các cựu quan chức an ninh Mỹ nêu rõ sắc lệnh của Tổng thống Trump sẽ “cản trở mối quan hệ với những cộng đồng mà các chuyên viên thực thi pháp luật cần tiếp cận để loại bỏ những mối nguy”.
Bên cạnh đó, theo các cựu quan chức này, sắc lệnh của ông Trump “sẽ có tác động hủy hoại về mặt nhân đạo và kinh tế đối với cuộc sống và công ăn việc làm của công dân cũng như những người sinh sống tại Mỹ”. Trên hết những mối quan ngại đó, sắc lệnh này bị cho là “xúc phạm luật pháp và những giá trị của nước Mỹ”.
Tranh cãi về sắc lệnh nhập cư của ông Trump có thể phải đưa lên Tòa án Tối cao
Ngày 7/2, Tòa án phúc thẩm liên bang khu vực số 9 sẽ quyết định liệu có giữ nguyên phán quyết của tòa án cấp dưới về việc dừng sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Trump đối với công dân 7 nước Hồi giáo hay không.
Ngày 3/2 vừa qua, một thẩm phán liên bang ở Washington đã ra phán quyết rằng sắc lệnh của ông Trump có thể vi hiến.
Video: Người biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cư của ông Trump
Hành động này ngay lập tức bị dội một “cơn mưa” những lời lẽ chỉ trích của tân Tổng thống trên mạng xã hội Twitter. Ông Trump cho rằng “người được gọi là thẩm phán đó” đang làm cho đất nước kém an toàn hơn và kêu gọi những người ủng hộ ông cũng lên tiếng chỉ trích vị thẩm phán cũng như toàn bộ hệ thống tư pháp Mỹ nếu có chuyện gì xảy ra, ám chỉ đến những nguy cơ tấn công khủng bố.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ tuyên bố sẽ ngừng việc thực thi lệnh cấm nhập của ông Trump cho đến khi Tòa án ra phán quyết mới. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ cuối tuần qua tuyên bố đứng về phía Tòa án phúc thẩm liên bang khu vực số 9.
Tòa án này đã đề nghị cả Bộ An ninh Nội địa và Bộ Tư pháp Mỹ báo cáo lại để xem xét tình hình trước khi đưa ra phán quyết. Tuy nhiên, vấn đề này nhiều khả năng sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao để có phán quyết cuối cùng.
Bình luận