• Zalo

“Nhiều chương trình thiếu nhi sinh ra để… chết yểu”

Tổng hợpThứ Tư, 07/09/2011 07:48:00 +07:00Google News

Là một trong những “thần tượng” của các em nhỏ, Xuân Bắc được biết đến khi thì trong vai trò “siêu nhân đỏ” hay “songoku” tinh nghịch...

Là một trong những “thần tượng” của các em nhỏ, Xuân Bắc được biết đến khi thì trong vai trò “siêu nhân đỏ” hay “songoku” tinh nghịch, lúc lại là một MC dẫn chuyện cực kỳ hóm hỉnh. Anh còn được biết đến là một vị giám khảo vui tính nhất của chương trình Đồ Rê Mí. Yêu và gắn bó với trẻ con, anh cũng có nhiều suy nghĩ và trăn trở về những sân chơi truyền hình cho đối tượng khán giả nhí.

 

 

“Hãy xem Đồ Rê Mí làm được gì rồi hẵng chê”

 Nhiều người cho rằng Đồ rê mí được đầu tư rất hoành tráng và công phu nhưng lại có hơi hướng thương mại hóa nên làm mất đi sự hồn nhiên của chương trình, có cảm giác như một sân khấu của những “người lớn trẻ con” hơn là một sân chơi dành riêng cho thiếu nhi. Là một BGK của chương trình, anh nghĩ gì về nhận xét đó?

Không những là BGK mà còn là một người gắn bó với chương trình từ đầu đến nay đã 5 năm và cũng là người yêu mến chương trình, tham gia đóng góp ý tưởng cho chương trình thì tôi phải nói rằng: cảm ơn những lời khen chương trình có sự đầu tư và cũng cảm ơn những ý kiến cho rằng chương trình mất đi vẻ hồn nhiên. Nhưng tôi xin hỏi “cái vẻ hồn nhiên mất đi”- theo quan niệm của mọi người là như thế nào. Khi mà vẫn có những màn “hối lộ” BGK rất trẻ con như cà rốt của ông trồng thì cháu lấy mang đi hay khi được hỏi “Bố và chú ai đẹp trai hơn?” thì vì nịnh BGK nên bảo “Chú đẹp trai hơn!”. Hay khi một bạn trai được hỏi “Nếu phải chiến đấu với con bò vì cô gái kia thì cháu sẽ làm gì? ” lập tức cu cậu chỉ tay vào mặt… chú Xuân Bắc và quát lên: “Con bò, hãy cút đi!”...

Tôi nghĩ việc đầu tư công phu, hoành tráng khác hẳn với việc làm mất đi tính hồn nhiên. Rõ ràng là các con được đầu tư quần áo kỹ càng hơn, tốt hơn. Và chỉ có người lớn mới đầu tư được, còn trẻ em thì không có khái niệm đầu tư mà chỉ cảm nhận một cách tự nhiên. Bất cứ ai ở đằng sau hậu trường chương trình cũng có thể thấy rằng chỉ cần một cái áo kém đẹp hơn một chút thôi là lập tức các cháu sẽ không chịu lên sân khấu nữa.

 Nhưng các nhà chuyên môn cũng cho rằng không cần thiết và không nên cho các cháu mặc áo tứ thân và hát bài “Thị Mầu lên chùa”, bởi bản thân các cháu chưa thể hình dung Thị Mầu là ai?

Thế chẳng nhẽ bây giờ, cứ lên sân khấu thì lại bắt trẻ em cắt tóc, cạo đầu chỏm đào à? Bản thân tôi nghĩ ngay từ bé, chúng ta phải hướng cho các con biết đến văn hóa dân gian, phải cho các con biết đâu là áo tứ thân, kể cho các con nghe chuyện “Thị Mầu lên chùa” và chỉ ra ý nghĩa nhân văn ở đâu để các con dần dần cảm nhận được. Chúng ta phải nhìn ở khía cạnh thoáng hơn một chút, hiện đại hơn một chút, đừng thấy một chương trình hay mà đổ xô vào bới lông tìm vết. Thử hỏi trong thời gian gần đây có chương trình thiếu nhi nào được đầu tư kỹ chưa? Thử hỏi có chương trình thiếu nhi nào được các em nhỏ chăm chú xem như Đồ Rê Mí chưa? Và thử hỏi niềm hạnh phúc vỡ òa của các em khi được vào vòng trong và những lúc òa khóc khi các em bị loại, đã có chương trình nào gây dựng được chưa?

Nhưng chính anh cũng từng lo sợ Đồ Rê Mí đang chạy theo sự chuyên nghiệp trong dàn dựng và quên mất đi yếu tố gần gũi?

Đúng, nhưng đó chỉ là những lo lắng thỉnh thoảng gợn lên trong đầu tôi chứ không phải là vấn đề gì quá ghê gớm. Nếu tất cả mọi người đều đồng ý rằng các em nhỏ cần được đầu tư thì sẽ thấy chương trình Đồ Rê Mí rất được. Trường hợp thí sinh Thanh Trúc năm ngoái là một ví dụ. Rõ ràng Thanh Trúc đến với chúng ta rất hồn nhiên, người thì bé nhưng giọng rất to, rất vang. Và rõ ràng, nếu không có chương trình này thì tôi khẳng định cho đến bây giờ Thanh Trúc vẫn chưa thể được đứng trên một sân khấu lớn và chuyên nghiệp như Đồ Rê Mí. Cái đó là cái được đấy chứ! Bạn nghĩ sao nếu nhà văn hóa huyện nào cũng được như Đồ Rê Mí, phường nào cũng có một sân khấu như Đồ Rê Mí?

Chúng tôi vẫn luôn nhắc nhở mình không chạy theo sản xuất chương trình công nghiệp như đóng gạch mà phải hướng đến nhịp thở của các em nhỏ, có ước mơ, có khát khao, mong muốn. Nhiều bạn nhỏ ở ngoài cánh gà giao lưu rất tốt nhưng lên sâu khấu thì BGK hỏi gì cũng không nói. Bởi vì những câu hỏi của BGK đã… nằm ngoài phần “chuẩn đoán” của bố mẹ ở nhà. Hay khi lựa chọn trực tiếp trên Đồ Rê Mí Phone, nhiều khi tôi đã phải can thiệp thẳng với phụ huynh là “Anh chị ạ, dạy cháu 6 - 7 năm nay rồi không phải bây giờ mới dạy. Hãy để cho cháu được tự nhiên!”. Nếu như bạn đến xem trực tiếp các cháu diễn kịch thì sẽ thấy hồn nhiên vô cùng, gần gũi vô cùng, có cháu vừa diễn vừa… gãi mông là chuyện bình thường.

 Một thực tế là hầu như không nghệ sĩ nào cho con tham gia những sân chơi như Đồ Rê Mí, mặc dù con cái họ có khả năng, có nền tảng… Như anh chẳng hạn?

Thứ nhất là con tôi còn bé. Thứ hai là tôi không bao giờ bắt ép con. Con tôi có thích hay không mới là điều quan trọng. Nó thích khác hẳn với việc tôi cho nó đi tham gia. Với tư cách là người cha, tôi sẽ nhận biết con mình có khả năng hay không. Thứ nữa là hoàn cảnh gia đình tôi có phù hợp không? Ví dụ chương trình diễn ra ở TP HCM thì có thể tôi không có thời gian để đưa con vào trong đấy thi thố được.

Hình như trong 5 năm qua, “hậu Đồ Rê Mí” chưa thực sự được quan tâm, các em nhỏ đạt giải vẫn không có thêm cơ hội để phát triển tài năng của mình?

Sứ mệnh của Đồ Rê Mí là ươm mầm tài năng. Một mình chương trình Đồ Rê Mí sẽ không thể làm tất cả mọi điều cho các em thiếu nhi. Chúng tôi không thể làm được hết tất cả các việc bồi đắp, nuôi dưỡng và phát tiển các bé đến năm 26 tuổi để trở thành một ngôi sao ca nhạc. Mà đơn giản, chương trình chính là sân chơi đầu tiên để các em thi thố tài năng với nhau và qua đó, những tài năng thực sự sẽ được phát hiện. Sau đó là phần việc của gia đình, nhà trường, địa phương, sở văn hóa, phòng văn hóa… là những nơi cần bắt tay vào tiếp tục giúp các em vươn cao, vươn xa. Chúng tôi có nhiệm vụ đãi vàng và tìm ra vàng rồi thì đến lượt các vị mài giũa nó thành những món trang sức.  

        

 

“Muốn làm cho thiếu nhi phải hiểu và yêu các em”

Nếu trước đây, chương trình thiếu nhi Những bông hoa nhỏ gần như là một kênh truyền bá nhạc thiếu nhi duy nhất và được yêu thích thì hiện tại các em có quá nhiều sự lựa chọn với những chương trình thiếu nhi nước ngoài được đầu tư hoành tráng. Vậy, do sự xâm nhập của hàng ngoại quá mạnh mẽ hay do bản thân hàng nội không chất lượng?

Nó mang tính thời điểm và tính lịch sử. Cách đây 20 năm, tất cả mọi kênh thông tin đều thiếu. Ngoài chương trình cho thiếu nhi trên Đài phát thanh thì “Những bông hoa nhỏ” là món ăn tinh thần lớn nhất của các em. Mình không thể so sánh 20 năm trước với bây giờ được. Mọi thứ đều phát triển theo quy luật của nó. Bây giờ bạn có xem những chương trình như thế nữa không khi mà xung quanh bạn có rất nhiều chương trình để lựa chọn. Nhiều người cho rằng khai thác chương trình thiếu nhi là rất dễ và hiệu quả. Một vài kênh thì khai thác mảng phim họat hình nước ngoài. Một vài kênh khác thì chuyên kể chuyện… Tôi nghĩ mỗi chương trình ra đời đều có sứ mệnh riêng của nó. Nhiều chương trình mang sứ mệnh “chết yểu” chỉ để tôn vinh những chương trình thực sự chất lượng.

 Suy cho cùng, nguyên nhân dẫn đến chất lượng “hàng nội” chưa thực sự làm đã “cơn khát” của các khán giả nhí là đâu?

Đơn giản thôi, là do… không làm như Đồ Rê Mí. Bạn thấy thế mạnh của Đồ Rê Mí ở đâu? Thứ nhất là kênh truyền hình có sóng đẹp. Thứ hai là ý tưởng chương trình phong phú. Thứ ba là những người làm việc vô cùng tâm huyết, yêu và hiểu trẻ con.

Nhiều kênh Đài kêu ca là không có tiền để sản xuất những chương trình hay, vậy kinh phí đóng vai trò như thế nào đối với sự thành công của một gameshows truyền hình dài hơi cho thiếu nhi?

Đôi khi nó đóng vai trò quyết định nếu như bạn có một ê-kip tốt và một ý tưởng tốt. Còn thiếu một trong hai vế sau thì tiền nhiều cũng không ăn thua.

 Thời gian qua trên mạng có đăng tải clip Chú ếch con của bé gái Hương Trà, một người Việt sống tại Ý. Bài hát thì không lạ, vậy mà nó đã làm xôn xao cộng đồng mạng, cả trên truyền hình và nhiều tờ báo. Theo anh, nguyên nhân do đâu?

Quả thật Hương Trà đã biểu diễn rất hồn nhiên, rất tự tin. Cái đó tất cả các bé trong vòng 10 Đồ Rê Mí đều có thể làm được. Còn vì sao được khen ngợi hết lời thì thật ra nó cũng giống như miếng giò trên đĩa thịt gà mà thôi. Mọi người đang ăn thịt gà và bỗng nhiên được thưởng thức một miếng giò thì thấy nó ngon và lạ quá. Nếu như bây giờ tuần nào bạn cũng xem một lúc 5 tiết mục như “Chú ếch con” của bé Hương Trà thì rồi chính bạn cũng sẽ nghi ngờ rằng hình như là có bàn tay sắp đặt của người lớn.

 

 Vậy làm chương trình cho thiếu nhi, điều gì là quan trọng nhất?

Tiêu chí đầu tiên cần có là bạn phải thực sự muốn làm cho thiếu nhi. Mà muốn làm thì trước hết phải yêu, và thấy cần thiết phải làm. Rồi bạn phải có ý tưởng, có tài chính, có người đỡ đầu, có cộng sự tốt. Và cái quan trọng nhất là phải được các em nhỏ ủng hộ.

 Anh là một MC truyền hình thiếu nhi rất có duyên, vậy theo anh, một MC dẫn cho thiếu nhi khác như thế nào so với dẫn cho người lớn?

Khác rất nhiều. Bởi thiếu nhi cảm nhận trực quan, ít phân tích. Thích là thích, không thích bảo không thích. Buồn cười là cười. Miễn phân tích. Các em đến bằng sự hào hứng nên MC cũng phải biết thổi không khí hào hứng vào cuộc chơi của các em. MC phải hiểu mình đang làm cho ai. Từ đó sẽ tự biết mình nên làm cái gì và phải làm như thế nào.

Trẻ em của thời nào thì cũng đều giống nhau về bản năng, nhận thức hồn nhiên, giống như việc đẻ ra thì đứa trẻ nào cũng tìm đến ti mẹ vậy. Chỉ đến một độ tuổi nhất định khi có sự can thiệp quá nhiều, thậm chí thô bạo của người lớn thì các em mới bị biến đổi.

Nhà anh cũng có đến hai “thiếu nhi”, đã bao giờ anh nung nấu làm tặng cho con mình một chương trình nào đó?

Tôi nghĩ mọi chuyện cứ để cho nó hồn nhiên vậy thôi. Mặc dù bố nó là nghệ sĩ phải đi diễn suốt ngày nhưng tôi khẳng định là các con tôi sẽ không hề thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác, bởi tôi rất yêu con.

 Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Thanh Hương - Ảnh: Hồ Quang

Bình luận
vtcnews.vn