Ngày 19/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ cơ sở khoa học của việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên, trong đó cần lấy chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức người cách mạng là nền tảng tư tưởng, cơ sở thế giới quan và phương pháp luận để xây dựng.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã phân tích, đánh giá thực trạng việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay, chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề xuất các định hướng, giải pháp xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.
Theo PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên là những phẩm chất tốt được xã hội, Đảng và hệ thống chính trị thừa nhận, trở thành nguyên tắc, thói quen, định hướng giá trị trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, chọn làm căn cứ để đối chiếu, chi phối, điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên.
"Đó là lương tâm, cái chất, cái “tính đảng”, thường trực trong máu thịt, tim óc mà cán bộ, đảng viên đã nhận thức và lựa chọn. Những chuẩn mực đó đối lập với chủ nghĩa cá nhân", ông Bùi Đình Phong đồng thời nhấn mạnh 3 chuẩn mực của cán bộ, đảng viên là trung thành, kiên định, vì nước vì dân.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng, một trong mười nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là một trong những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là đạo đức thủ cựu, mà là đạo đức mới. Đó là những phẩm chất quý báu của một người cộng sản, người đảng viên chân chính, như: tận trung với Đảng, tận trung với nước, tận hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nhân, nghĩa, trí, tín, dũng; đoàn kết, thống nhất, thân ái, giúp đỡ đồng chí, đồng bào; trung thực, thẳng thắn, dũng cảm tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm; và có tinh thần quốc tế trong sáng.
Đánh mất “nền tảng gốc” là đạo đức cách mạng, dẫn đến suy thoái
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, trải qua quá trình liên tục học tập, rèn luyện, tu dưỡng đội ngũ cán bộ đảng viên đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, là những tấm gương cao đẹp, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống, nêu cao tinh thần yêu nước hăng hái đi đầu trong lao động sản xuất học tập công tác và chiến đấu.
Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào sự thật vẫn còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
"Thực tiễn cho thấy, khi người cán bộ, đảng viên không thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất sẽ dần đánh mất mình, đánh mất “nền tảng gốc” là đạo đức cách mạng, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị; và đó là một bước ngắn, hết sức nguy hiểm dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa", ông Nguyễn Xuân Thắng nói đồng thời nhấn mạnh, nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng, đã vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.
Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới cần tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, kết tinh những giá trị của chuẩn mực đạo đức của Chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh để tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, xứng đáng là tấm gương mẫu mực cho quần chúng và nhân dân noi theo.
Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phải gắn với việc xây dựng, triển khai hệ giá trị của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa chính trị, giá trị gia đình Việt Nam để góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Người cán bộ, đảng viên trong thời đại mới cũng cần kết hợp chặt chẽ truyền thống giữa xây và chống trong xây dựng và thực hành đạo đức cách mạng; phát huy trách nhiệm nêu gương, cùng với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, những điều này có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh rất lớn đối với những biểu hiện mới, ngày càng tinh vi, phức tạp của tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", "tư duy nhiệm kỳ"; những biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm vẫn diễn ra.
Bên cạnh đó, tạo ra hiệu ứng tích cực tăng cường sức đề kháng, miễn nhiễm của cán bộ, đảng viên với những luận điệu chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự nghiệp cách mạng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây cũng cần được coi là cơ sở để tìm hiểu rõ nguyên nhân, phân biệt rõ động cơ “tốt - xấu” của những vi phạm, để bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.
Bình luận