• Zalo

Nhiều cán bộ ở Gia Lai bỗng dưng mất liên lạc

Pháp luậtThứ Bảy, 24/02/2018 08:02:00 +07:00Google News

Ít nhất 3 cán bộ ở Gia Lai đã mất liên lạc, trong đó, có 2 trường hợp bước đầu xác định là do nợ nần, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín cơ quan nhà nước

Khi vụ việc thiếu nợ không trả bị bại lộ, Văn phòng Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai đã 5 lần đưa giấy mời đề nghị ông Hồ Quang Thi (SN 1979, công chức, chuyên viên văn phòng của Sở Nội vụ) đến cơ quan trình diện nhưng không nhận được phản hồi.

Hiện tại, đơn vị này đang làm các thủ tục buộc thôi việc ông Thi theo quy trình.

Theo đại diện Sở Nội vụ, trước đây, ông Thi làm kế toán, tuy nhiên do có nhiều người đến cơ quan đòi nợ nên từ khoảng tháng 10/2017, đã bị luân chuyển qua làm chuyên viên văn phòng.

"Cứ thi thoảng lại có người đến Sở Nội vụ tìm ông Thi để đòi nợ. Các giấy báo nợ của một số ngân hàng cũng gửi về Sở Nội vụ cho ông Thi" - người này nói và cho biết ông Thi đã không đi làm từ giữa tháng 12/2017 đến nay.

Hiện tại, ông Thi đã bán nhà, điện thoại không liên hệ được nên cơ quan không biết gửi về địa chỉ nào đành gửi về quê tại xã An Tân, huyện An Lão, tỉnh Bình Định với mong muốn nhờ người nhà hồi đáp nhưng cũng không thấy hồi âm.

6-chot-151939346144190478854-0634203 5

 Việc các chủ nợ từng kéo đến Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai để đòi nợ ông Thi đã gây mất uy tín không nhỏ cho cơ quan này.

Một cán bộ khác cũng "bỗng dưng" bặt vô âm tín là bà Nguyễn Thị Việt Hà (công chức công tác tại Chi cục Thi hành án TP Pleiku).

Bà Hà đã hết thời hạn xin nghỉ hơn 15 ngày nhưng không đến cơ quan trình bày lý do. Theo ông Đào Trọng Giáp, Cục trưởng Cục Thi hành án tỉnh Gia Lai, trước đây bà Hà công tác tại Cục Thi hành án tỉnh Gia Lai, gần đây được điều chuyển xuống Chi cục Thi hành án TP Pleiku.

"Tôi đã giao cho phòng tổ chức phải mời cho được bà Hà về, trực tiếp gặp cục trưởng để thông báo lý do nhưng giờ vẫn chưa liên hệ được" - ông Giáp nói và cho biết đã yêu cầu Chi cục Thi hành án TP Pleiku báo cáo công tác bàn giao tiền và tài sản thuộc trách nhiệm của bà Hà. Trước thông tin nợ nần, vay nóng bên ngoài, ông Giáp cho biết có nghe nói và sẽ làm rõ.

Trong một diễn biến khác, bà Trần Thị Bích Hà (SN 1976, công chức thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai) xin nghỉ làm đi chữa bệnh từ ngày 29/1 đến nay không đến cơ quan làm việc.

Ông Trần Tiến Đức, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Gia Lai, cho biết bà Hà xin nghỉ làm đi chữa bệnh tại Hà Nội.

"Đã quá ngày nghỉ nhưng không đến làm việc. Tôi và anh em cơ quan gọi điện nhiều lần nhưng không nghe máy" - ông Đức nói.

Ông khẳng định đến ngày 26/2 sẽ ra thông báo thi hành quyết định kỷ luật gửi gia đình bà Hà và những nơi liên quan. Sau đó, cơ quan họp hội đồng kỷ luật, thông báo kỷ luật, nếu mời 3 lần nữa mà bà Hà vẫn không đến sẽ buộc thôi việc.

Bình luận về những trường hợp cán bộ "bỗng dưng" bặt vô âm tín trên, một cán bộ hưu trí tỉnh Gia Lai cho rằng: Việc các cán bộ đang công tác tại cơ quan nhà nước bỏ việc, rời nhiệm sở mà không có lý do vừa gây xáo trộn công việc vừa gây mất uy tín của cơ quan nhà nước. Bởi việc chủ nợ kéo đến cơ quan nhà nước đòi nợ là hết sức phản cảm.

Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc cán bộ mượn danh nghĩa công tác tại cơ quan nhà nước để mượn tiền không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, nếu các cán bộ vay tiền mà đưa ra thông tin không đúng sự thật để người khác giao tiền, đến thời hạn trả bỏ trốn thì có hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Bộ Luật hình sự.

"Dấu hiệu ở đây là bỏ trốn, cũng là hành vi có điều kiện. Chủ nợ nên làm đơn tố cáo ra cơ quan công an để được bảo vệ" - luật sư Hoan nói.

Tham ô vì cờ bạc

Trước đó, ông Lê Văn Chúng, Đội phó Đội Tổng hợp nghiệp vụ dự toán, trước bạ - thu khác Chi cục Thuế huyện Đắc Pơ (tỉnh Gia Lai), đã bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện có hành vi tham ô 433 triệu đồng tiền thuế.

Bước đầu, các cơ quan chức năng nghi vấn nguyên nhân dẫn đến việc tham ô của ông Chúng là do cờ bạc dẫn đến nợ nần.

(Nguồn: Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn