Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết nhiều năm nay bệnh viện triển khai thu 100.000 đồng từ người nuôi bệnh thứ hai trở đi. Quy định thu tiền không phổ biến trên toàn viện mà chỉ ở một số khu dịch vụ cao, hậu sản, hậu phẫu...
Theo bác sĩ Nhi, trong khung giờ cho phép, thân nhân được vô ra thăm nuôi bệnh. Ngoài giờ quy định, mỗi người bệnh được phép có một thân nhân ở lại chăm sóc, bệnh viện chỉ thu phí từ người thứ hai trở đi.
Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ lý giải, việc thu tiền nhằm hạn chế thân nhân ở lại bệnh viện quá đông. Bệnh nhân cần yên tĩnh nghỉ ngơi, nhiều trường hợp người nhà ở lại đông gây ồn ào, quậy phá khiến người bệnh không thể ngủ. Tình trạng nhiễm khuẩn, trà trộn trộm cắp, mất an ninh cũng dễ xảy ra nếu người nuôi bệnh vào phòng bệnh quá nhiều.
"Phí chỉ đủ để trang trải các khoản như đội bảo vệ tăng cường đi tuần các ở phòng, thêm khoản tiền điện, nước mà thân nhân ở lại dùng. Bệnh viện hầu như không thu lợi gì từ nguồn này", bác sĩ Nhi nói. Việc thu tiền này được bệnh viện công khai và người nuôi bệnh chấp thuận.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trước đây có khu lưu trú trại 25 dành cho thân nhân chờ thông tin những bệnh nhân nặng, phải điều trị hồi sức cấp cứu, cách ly. Bệnh viện thu phí nhà vệ sinh, tắm giặt với giá 2.000 đồng mỗi người nuôi bệnh. Với mức giá này, bệnh viện bù lỗ các chi phí điện, nước, nhân công dọn dẹp...
Từ đầu năm 2019, khu trại 25 được thay thế bằng khu nhà nghỉ cho người nuôi bệnh có quy mô 5 tầng cho những người có nhu cầu sử dụng.
Khu này có các giường tầng giá 30.000 và 50.000 đồng, giường đơn giá 250.000, 350.000 đồng, 400.000 đồng. Tùy mỗi loại giường sẽ có các tiện ích đi kèm như máy quạt, máy lạnh, máy nước uống nóng lạnh, truyền hình cáp, nhà vệ sinh riêng.
Người nuôi bệnh không đăng ký phòng có thể ngồi tại một khu rộng với các dãy ghế, máy uống nước nóng lạnh miễn phí.
Tương tự, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM 2 năm qua cũng xây dựng một khu riêng cho thân nhân nuôi bệnh nhân nằm hồi sức cấp cứu với 70 giường, có nhà vệ sinh, nơi giặt phơi, wifi miễn phí. Bệnh viện thu 10.000 đồng mỗi người, tính vào giá viện phí. Mỗi bệnh nhân được phép có một thân nhân ở lại nuôi, được cấp thẻ nuôi bệnh để thuận tiện quản lý.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, cho biết nơi đây không thu phí người nuôi bệnh mà xây dựng khu nhà lưu trú cho thân nhân có nhu cầu. Khu này trang bị máy lạnh, tủ lạnh, giường ngủ, nhà vệ sinh... Mức phí 50.000 đồng mỗi người một ngày để bệnh viện chi trả điện, nước, nhân công dọn dẹp.
Theo một lãnh đạo bệnh viện ở TP.HCM, chi phí điện, nước, nhà vệ sinh, quản lý an ninh trật tự... với người nuôi bệnh là gánh nặng không nhỏ với các bệnh viện, đặc biệt khi bắt đầu cơ chế tự chủ tài chính.
Ngày 9/4, mạng xã hội xuất hiện video về buổi làm việc của một nhóm người nhà bệnh nhân với giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, về việc người nuôi bệnh phải đóng 30.000 đồng mỗi ngày. Bệnh viện triển khai từ ngày 8/4 nhưng chưa thu được vì bị người nhà bệnh nhân phản đối và phải tạm ngưng.
Ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đánh giá: "Tất cả người chăm nuôi bệnh nhân đều phải đóng phí là không đúng". Một số bệnh viện tại thành phố đang thu phí người nuôi bệnh sử dụng các dịch vụ tại viện như vệ sinh, tắm giặt, thuê ghế bố, giường gấp, sạc điện thoại...
"Các bệnh viện bắt đầu tự chủ tài chính đòi hỏi phải có những cách nâng chất lượng dịch vụ để tăng nguồn thu một cách hợp lý", ông Thượng nói. Sở Y tế TP.HCM sẽ có công văn gửi Bộ Y tế kiến nghị xem xét việc việc thu chi phí người nuôi bệnh dựa trên chi phí điện, nước thực tế.
Bình luận