Nhiếp ảnh Trần Huy Hoan: Lý sự của “ông Típ-Phờ-Nờ”

Tổng hợpThứ Ba, 28/05/2013 02:15:00 +07:00

Tác phẩm của anh bình nhiên đi giữa ranh giới mong manh của hội họa giá vẽ và hình chụp, các tư duy và thao tác hòa trộn vào nhau...

Gần 40 năm gắn bó với nghệ thuật chụp ảnh nude, nỗ lực vượt qua khó khăn trong nghề nghiệp, Trần Huy Hoan được coi là một trong những nhà nhiếp ảnh thành công nhất trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Tác phẩm của anh bình nhiên đi giữa ranh giới mong manh của hội họa giá vẽ và hình chụp, các tư duy và thao tác hòa trộn vào nhau, đậm chất lãng mạn và ấn tượng. Người ta gọi anh là người đàn ông mang ống kính trai lơ. Còn tôi sẽ gọi Trần Huy Hoan là ông Típ - Phờ - Nờ.

 

   Số lượng tác phẩm mà công chúng được biết đến chỉ là con số “nhỏ giọt” với khối lượng Trần Huy Hoan đã sáng tác. Mỗi bức ảnh của anh gửi gắm một câu chuyện về người phụ nữ, không chỉ là vẻ đẹp mà còn là thân phận, sự đồng cảm. Cởi mở để ngợi ca, thuộc tuýp người “tôi yêu phụ nữ”, Trần Huy Hoan tự nhận mình chưa có bức ảnh nào mang tiêu chí khác với sự ngợi ca và trân trọng. Tác phẩm của anh không chỉ “chở” cái đẹp hình thể, mà còn có cả thông điệp về thân phận, là sự nhắc nhở rằng vẻ đẹp hãy luôn được nâng niu. Vẫn kể câu chuyện gọn gàng, súc tích như một bài hát, nhưng anh cũng không giấu mong muốn có... một bản giao hưởng bằng một triển lãm qui mô lớn, vì với anh vẻ đẹp của người phụ nữ xứng đáng với câu chuyện dài.

Cảm xúc là “nguồn cơn” xuyên suốt của anh để tiếp tục đam mê và ca ngợi. Những tác phẩm của anh mang cái tên thật dung dị nhưng chính nguồn cảm hứng với những cô gái Việt thuần khiết: Sau tàu lá chuối, Ðằng sau chiếc nón lá... Ðể lí giải cho những giới từ vị trí “sau”, “đằng sau” ấy là sự tôn trọng vẻ đẹp tiềm ẩn, qua bức ảnh để chuyển thông điệp, như cách nói bắc cầu liên hệ vốn đặc trưng của người Việt Nam. Anh đề cao liều lượng, đó là cái quyết định gây cảm xúc đối với người xem. Hoá ra đáp số của sự gợi cảm chính là liều lượng…

   “Chưa bao giờ chụp nude lấy tiền”

Từ trước đến nay, nói đến ảnh nude là người ta lại ngại ngùng. Với tư cách là một nhà nhiếp ảnh có tên tuổi về chụp ảnh nude, liệu anh có những suy nghĩ thầm kín về nghề mà chưa bao giờ được nói hết?

Tôi vẫn nói đùa với mọi người là chuyện ảnh nude chẳng khác nào chuyện phòng the, hầu như chưa bao giờ được đưa ra để bàn luận một cách chính thức. Về ảnh nude, có rất nhiều điều để nói, muốn nói nhưng toàn chuyện khó nói. Ngay cả đến tôi, khi được chuyện trò một cách chính thức như thế này thì lại trở nên lúng túng.

 

Tại sao?

À, tại vì bản chất tư duy của mình là giấu giếm, là bưng bít. Thế nên, giờ bị phanh phui ra thì tự dưng lại thấy mình không khác gì một cô gái đang chuẩn bị khỏa thân. (cười)

Ồ, vậy chúng ta sẽ bắt đầu bằng một câu hỏi nhẹ nhàng nhé! Nếu bây giờ có một cô gái tìm đến anh thuê chụp ảnh nude, anh sẽ vui vẻ đồng ý chứ?

Tôi nghĩ, tôi sẽ từ chối. Bởi từ trước đến nay, tôi luôn xem những cô gái mà mình chụp ảnh nude là những người cộng tác, cùng tìm tiếng nói chung, đẩy nhau lên cùng chia sẻ quan niệm thẩm mỹ và dàn trải sự đồng cảm cho người xem. Và sự cộng tác đó có được khi chúng tôi làm quen với nhau, trở thành bạn của nhau, tin tưởng nhau. Chứ đó không phải là mối quan hệ khách hàng. Tôi thích tự đi tìm cái đẹp hơn là được dâng hiến.

Thế giả sử một hoa hậu rất rất xinh đẹp đến tìm anh?

Thì cũng thế cả thôi. Hoa hậu, siêu mẫu chưa chắc lên ảnh nude đã đẹp bằng một thiếu nữ chân quê, thô mộc. Và cái quan trọng nhất là cảm giác của người chụp. Từ trước đến nay, khi chụp ảnh nude, tôi ra công che đậy thân thể người mẫu, chỉ khoe những cái đẹp, những góc đẹp. Nhưng bây giờ, người ta tìm đến tôi yêu cầu chụp nude với tâm lý muốn phô hết ra, muốn giảm cái sự che đậy đến mức tối đa. Mà tính tôi, càng được giải phóng tự do thì lại càng thấy bị trói buộc, gò bó. 

 

Tôi thì nghĩ, nghề chụp ảnh nude có thể thu nhập rất khá bởi nói cho cùng không phải ai cũng biết chụp nude và càng không phải ai cũng chụp đẹp. Thế nên, nếu Trần Huy Hoan có kiếm sống bằng nghề chụp ảnh khỏa thân thì chắc cũng chẳng ai phản đối?

Rất nhiều chị em tìm đến tôi nhờ chụp ảnh khỏa thân với lý do rất chính đáng và nghiêm túc là họ muốn giữ lại hình ảnh xuân sắc một thời của mình. Và họ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để thực hiện mong muốn đó. Tuy nhiên, có lẽ do tôi hơi cực đoan, tôi cứ cảm thấy chụp nude để kiếm sống là có tội với nghệ thuật. Hơn nữa, tôi muốn bức ảnh của mình mang tên tác giả chứ không phải mang tên người mẫu. Ví dụ, tôi thích mọi người gọi “ảnh này là ảnh nude của ông Trần Huy Hoan” chứ không phải “ảnh này là ảnh nude của cô xyz” nào đó.

Nhưng nói gì thì nói các nhiếp ảnh nude chân chính thì cũng phải kiếm sống, nghệ thuật rồi cũng phải “vị nhân sinh” chứ đâu có ai sống bay bổng với nghệ thuật mà không cần cơm ăn áo mặc?

Nói thật, để sống được với ảnh nude cho đến ngày hôm nay, tôi đã phải sử dụng những nguồn thu nhập khác để tiêu tốn, nuôi sống cho thú chơi ảnh của mình. Nếu chụp ảnh nude để kiếm tiền thì tôi không đủ dũng cảm. Người ngoài nhìn vào cứ nghĩ chụp ảnh nude là một sự hưởng thụ nhưng đối với tôi hưởng thụ là chỉ với cái mình thích thôi, chứ cái gì mình không thích thì lại trở thành cực hình. Từ trước đến nay, chưa bao giờ tôi chụp ảnh nude để lấy tiền.

Phải công nhận nhu cầu chụp ảnh nude đang ngày càng tăng cao, theo anh, đó có phải là trào lưu nhất thời?

Nếu như ngày xưa, chỉ những người phụ nữ khá bạo dạn hoặc làm những nghề bạo dạn mới muốn chụp ảnh nude thì ngày nay, ngay cả những người làm nghề mô phạm cũng có nhu cầu chụp những bộ ảnh nude chân chính. Tôi không nghĩ đó là một trào lưu đơn thuần mà có thể do tư duy con người đang dần thay đổi. Người phụ nữ biết trân trọng giá trị của mình hơn và hướng đến sự tự do nhiều hơn.

 

Và nếu ông nhiếp ảnh nào cũng như Trần Huy Hoan thì chắc những người phụ nữ ấy chẳng bao giờ thực hiện được giấc mơ của mình?

Tôi nghĩ vẫn có nhiều anh em nhiếp ảnh muốn nghệ thuật chụp nude chân chính trở thành một cái nghề đích thực, một cái nghề có thể nuôi sống bản thân và gia đình như bao nghề khác. Nhưng để bảo vệ quyền lợi của họ cũng như bảo vệ hình ảnh cho những người có nhu cầu chụp nude thì nên có một sự định hướng rõ ràng hoặc mở các trường lớp đào tạo chụp ảnh nude. Nếu mình cứ công khai, minh bạch thì mọi chuyện sẽ không còn quá nặng nề nữa.

Anh là một người từng đi nước ngoài rất nhiều, vậy theo anh, nghệ thuật chụp ảnh nude ở Việt Nam đang đứng ở đâu so với thế giới?

Tôi nghĩ, nước mình có thể đang đi chậm hơn nhưng không phải là lạc hậu. Mà vấn đề mấu chốt là định kiến nằm trong đầu người dân chứ không phải trong đầu nhà quản lý. Một ông có thể tân tiến, nhìn ra cái đẹp của ảnh nude, vỗ ngực khen ngợi ý nghĩa của ảnh nude nhưng chưa chắc đã dám đưa con gái đến nhà Trần Huy Hoan để gửi gắm.

   “Tôi đã phải yêu rất nhiều phụ nữ”

Giới chơi ảnh nude vẫn có hai khái niệm “sáng tác chính thống” và “sáng tác vườn”, anh nghĩ gì về điều này?

Gọi là chính thống nhưng chỉ là chính thống trong sự bầu bán của anh em chơi ảnh thôi, chứ có ai được đào tạo đi chụp ảnh nude đâu. Chính thống ở đây nôm na là làm việc một cách nghiêm túc, không vay mượn việc chụp ảnh nude để quờ quạng những món khác. Còn nhóm thứ hai là những anh em thường làm việc theo kiểu đến đâu tính đến đó, việc này đan xen việc kia, chả có tính nghệ thuật gì cả, họ cho đó là ảnh nude nghệ thuật, nhưng tôi cho đó là ảnh tục.

Vậy, ranh giới nào cho ảnh khỏa thân nghệ thuật và ảnh tục?

Giờ người ta chụp ảnh nude dễ dãi lắm. Chỉ mất 10- 15 nghìn đồng là đã có một tấm ảnh để gọi là “ảnh nude”. Có khi tấm ảnh đó không phải xuất phát từ nguyện vọng của người đến chụp, cũng không phải là nguyện vọng của cái ông chụp mà là một sự lắp ghép vô thức. Trước hết là phải hở hang, ban đầu là cởi mấy cái cúc áo ở trên, rồi cởi dần xuống và cởi hết, bất luận xấu hay đẹp, bởi họ không được đào tạo, họ không hiểu được mục đích của tấm ảnh để làm gì.

 

Tôi cho đó là những người không có con mắt nhìn đàn bà. Bản thân tôi, muốn chụp ảnh phụ nữ thì tôi đã phải yêu rất nhiều phụ nữ. Chính từ tình yêu ấy, tôi mới biết nhìn một cô gái đẹp, để từ đó chắt lọc thành một bức ảnh đẹp. Có khi trong một  bức ảnh đẹp mang hình bóng của rất nhiều cô gái đẹp.

Ðứng trước một cơ thể đẹp, lẽ nào trong anh chỉ có cảm xúc của một người nghệ sĩ mà không có xúc cảm của một người đàn ông?

Rồi cũng quen thôi, giống như bác sĩ nam làm nghề sản khoa vậy. Nude là đề tài đang còn trong màn bí mật nên người ta tò mò và đặt nhiều câu hỏi. Ðến một ngày nó được công khai thì sẽ chẳng ai thèm đặt câu hỏi hay thổi phồng về nó nữa. Người trong nghề như chúng tôi đều biết nó chẳng có gì giấu giếm cả, đơn giản là công việc.

 

 

Nghĩa là lúc đó anh sẽ tự “bọc thép” cho cảm xúc của mình?

Ngược lại, tôi phải hâm nóng mình lên để làm việc. Tôi quan niệm nhục cảm sinh mỹ cảm.

Các tác phẩm art nude của anh đều gợi hình ảnh người phụ nữ đồng bằng bắc bộ, đấy có phải là nỗi ám ảnh?

Những thân phận nữ đó rất đẹp. Tôi đã có cả tuổi trẻ với phụ nữ vùng Ðồng bằng Bắc bộ, và tôi nuối tiếc tuổi trẻ của mình ở đấy. Tất nhiên, nghệ sĩ nào cũng cần phải vay mượn những tình cảm để sáng tạo, tôi cũng có những cảm xúc không gọi tên, không cụ thể rõ nét.

“Say” ảnh nude gần nửa đời người có khiến anh phải  “trả giá” điều gì?

Với tôi, nhiếp ảnh là cuộc chơi, tuy nghiệp dư nhưng trả giá khá lớn. Thiệt thòi về mặt đời sống chẳng hạn, để ngợi ca nhiều người thì phải chịu sự trừng phạt... của một người thôi! Phải chấp nhận sự thiệt thòi về cho mình, vì có người phụ nữ nào yêu mà không ghen?

Phụ nữ có vị trí như thế nào trong cuộc sống của anh?

Chỉ cần một ngày đẹp trời nào đó không có họ, tôi sẽ sống rất... lôi thôi. Các tác phẩm của tôi đều có sự cộng tác của phụ nữ. Ðấy là sự cộng tác khiến tôi thấy dễ chịu nhất.

Vậy chúc anh sẽ ngày càng có nhiều tác phẩm đẹp hơn nữa trong sự nghiệp ảnh nude nghệ thuật của mình!

Thương Anh


Bình luận
vtcnews.vn