• Zalo

Nhiễm sởi trong bệnh viện, tại sao nhiều trẻ tử vong?

Sức khỏeThứ Tư, 07/05/2014 01:11:00 +07:00Google News

(VTC News) – Không khí không lưu thông, người nhà bệnh nhân không có biện pháp phòng ngừa nên trẻ bị lây sởi trong bệnh viện có thể dẫn đến tử vong.

(VTC News) – Không khí không lưu thông, người nhà bệnh nhân không có biện pháp phòng ngừa nên trẻ bị lây sởi trong bệnh viện có thể dẫn đến tử vong.

Chữa viêm phổi nhưng lây sởi

Tại các bệnh viện Nhi Trung Ương, Nhi Bạch Mai, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân điều trị sởi đã giảm so với cách đây nửa tháng.

Tuy nhiên, lượng bệnh nhân ở cả 3 viện trên vẫn khá cao (viện Nhi TW hơn 200 cháu đang điều trị).

sởi
Bệnh nhân nhiễm sởi sẽ bị suy giảm miễn dịch nên nếu đang mắc bệnh khác mà nhiễm virus sởi sẽ rất nguy hiểm.
Điều đáng nói là, rất nhiều cháu bị sởi chủ yếu do nhiễm chéo bệnh khi đến điều trị tại bệnh viện. Các cháu bị viêm phổi, bại não, bệnh tim đến điều trị những bệnh này nhưng bị nhiễm sởi tại bệnh viện khiến cơ thể càng suy kiệt, rất dễ tử vong.

Trao đổi với VTC News, PGS – TS Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Nhi TW cho biết: Những trẻ tử vong trực tiếp từ bệnh sởi không nhiều mà chủ yếu do trẻ bị bệnh trước đó như viêm phổi, tim bẩm sinh… sau đó bị lây nhiễm sởi. Trẻ bị bội nhiễm do vi khuẩn khác có cơ hội tấn công. Điều này khiến trẻ tử vong.

Qua khảo sát của phóng viên VTC News, tại Khoa truyền nhiễm, bệnh viện Nhi TW, đa số các ca bệnh nhiễm sởi nặng nằm điều trị tại tầng 1 khoa này thì 100% người được hỏi cho biết, con bị viêm phổi trước khi bị nhiễm sởi.

Chị Hà T. H (Hải Dương) có 2 con sinh đôi bị nhiễm sởi. 1 cháu bị viêm phổi điều trị tại khoa hô hấp, bệnh viện Nhi TW sau đó bị sởi nên phải chuyển qua khoa Truyền nhiễm. Một cháu nữa bị nhẹ hơn nên đã được xuất viện.

Tương tự, chị N.T. M, (Sông Lô, Vĩnh Phúc) có con 8 tháng tuổi bị viêm phổi nên sốt cao. Sau đó, cháu bị nhiễm sởi nên phát ban, tím tái tay chân và được chuyển sang khoa Truyền nhiễm điều trị.

Trước tình hình lây nhiễm sởi tại bệnh viện, Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện kiểm soát lây nhiễm sởi.

Bộ Y tế yêu cầu các BV tổ chức tiếp đón, khám và điều trị kịp thời các ca mắc sởi; Tăng cường việc kiểm soát và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm sởi tại BV; Phòng ngừa cho nhân viên y tế, người nhà người bệnh và khách đến thăm để nhanh chóng kiểm soát lây nhiễm bệnh sởi.

Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê yêu cầu các BV phân luồng và bố trí khu vực khám người bệnh sởi và nghi ngờ mắc sởi riêng tại khoa Khám bệnh. Bố trí đơn vị thu nhận người bệnh sởi và nghi ngờ mắc sởi riêng biệt tại Khoa Truyền Nhiễm và các đơn vị cách ly của các khoa lâm sàng khác trước khi có chẩn đoán xác định sởi.

 Xây dựng lưu đồ tiếp nhận, phân loại người bệnh sởi, nghi ngờ sởi ngay tại khu vực khám bệnh và được để sẵn tại nơi tiếp nhận, thăm khám.

Bản thân người bệnh và người nhà người bệnh cần mang khẩu trang, vệ sinh hô hấp, khuyến khích tất cả người bệnh và người nhà mang khẩu trang khi đến khoa Khám bệnh.

Để tránh lây nhiễm sởi, ông Khuê chỉ đạo phải bảo đảm vệ sinh môi trường, bề mặt có tiếp xúc người bệnh bằng hóa chất khử khuẩn với nồng độ thích hợp theo quy định và quản lý tốt chất thải từ người bệnh. Bố trí khu vực ngồi chờ khám, phòng lưu người nghi ngờ mắc bệnh sởi có thông khí tốt, tối ưu là thông khí tự nhiên với 12 luồng không khí đổi mới mỗi giờ và có nhiều cửa sổ thông thoáng.

Thành phố Hà Nội: Dập dịch trong tuần tới

Hà Nội là nơi tập trung nhiều trẻ mắc sởi, đồng thời, số trẻ tử vong liên quan đến sởi cũng nhiều nhất.

 
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong ngày 6/5 toàn thành phố ghi nhận thêm 12 bệnh nhân sởi, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh này kể từ đầu năm đến nay lên 1.559 tại 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố.

Bệnh nhân mắc sởi chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi: Trẻ 9 tháng (chưa đến lịch tiêm chủng) chiếm 20,1%; trẻ 9-11 tháng chiếm 11,2%; trẻ 1-4 tuổi chiếm 26,2%; trẻ 5-9 tuổi chiếm 4,6%; trẻ 10-14 tuổi chiếm 5%; trẻ trên 15 tuổi và người lớn chiếm 32,9%. 90,8% số trường hợp mắc bệnh chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, trong đó có trẻ dưới 9 tháng tuổi.

Về tử vong, trên địa bàn toàn thành phố có 63 trường hợp tử vong liên quan đến sởi, trong đó có 14 trường hợp tử vong trực tiếp do bệnh này. Từ ngày 2/5 đến nay không có thêm bệnh nhân tử vong liên quan đến dịch bệnh này.

 Đáng chú ý, có 294/389 xã, phường có dịch đã qua 21 ngày không có bệnh nhân sởi mắc mới; 4 huyện đã qua 21 ngày không có bệnh nhân mắc mới là Thanh Oai, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức.

Trước tình hình này, chiều 6/5, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích yêu cầu Sở Y tế tích cực dập dịch trong tuần tới.

» Thiết bị phòng chống sởi gây họa cho trẻ?
» Trẻ bị sởi, ăn gì chóng khỏe?
» Độc giả VTC News tiếp tục ủng hộ bệnh nhi sởi
» 127 trường hợp tử vong liên quan đến sởi
» Những "Từ Mẫu" giữa tâm sởi


Nam Anh



Bình luận
vtcnews.vn