• Zalo

Nhậu thế nào để không bị say xỉn trong dịp Tết?

Sức khỏeChủ Nhật, 07/02/2016 08:00:00 +07:00 Google News

Làm thế nào để dịp Tết được tiệc tùng, ăn nhậu thoải mái mà không lo bị say xỉn?

(VTC News) - Làm thế nào để dịp Tết được tiệc tùng, ăn nhậu thoải mái mà không lo bị say xỉn?

1. Không nên pha rượu với các loại rượu hay thức uống khác


Nhiều người thường có sở thích pha lẫn các loại rượu vào với nhau để có được hương vị đặc biệt khi thưởng thức. Nhiều người còn hay pha rượu với những loại đồ uống khác như nước ngọt có ga, nước tăng lực hay soda bởi họ nghĩ rằng như vậy sẽ dễ uống hơn và uống được nhiều hơn.
Tuy nhiên đó đều là những cách làm sai lầm bởi mỗi loại rượu hay mỗi loại thức uống đều có những chất phụ gia và hương liệu riêng. Khi được trộn lẫn nhiều khả năng chúng sẽ tạo ra những loại hợp chất mới khiến người uống dễ say hơn và thậm chí còn gây nguy hiểm tới tính mạng.

2. Không nên chọn loại rượu có màu sẫm

Những loại rượu như whisky, bourbon hay tequila... là những loại rượu nặng bởi nồng độ độc tố, đặc biệt là độc tố đồng giống (congener) khá cao vốn được hình thành trong quá trình lên men và chưng cất. Và những loại độc tố này chính là thủ phạm gây ra say xỉn, nôn nao và nhiều hệ lụy khác cho người uống.
Thông thường những loại rượu nào màu càng sẫm lại càng mạnh và nồng độ độc tố lại càng cao. Vì vậy khi chọn rượu mạnh để nâng chén thì bạn nên chọn những loại rượu sáng màu để giảm nồng độ độc tố đi vào trong cơ thể.

3. Ăn trước khi uống

Đây là một trong những điều cơ bản nhất mà bất cứ ai khi uống rượu cũng cần phải biết. Với một dạ dày trống, ethanol cùng các độc tố trong rượu sẽ dễ ngấm vào cơ thể hơn và sẽ khiến bạn nhanh bị say hơn.
Trước và trong bữa nhâu, những loại thức ăn giúp bạn chống say tốt nhất có thể kể tới như sữa và gan lợn. Lý do là bởi chúng cung cấp thêm vitamin B cho cơ thể để nâng cao khả năng đề kháng lại chất cồn.

4. Uống một cách chậm rãi, từ tốn

Trung bình cơ thể con người cần khoảng 1 giờ đồng hồ để “tiêu hóa” hết 30ml thức uống có cồn. Vì thế, nếu uống rượu càng nhanh thì cơ thể càng mất khả năng chống lại sự “tấn công” của chất cồn.
Nếu uống một cách chậm rãi, từ từ, điều độ thì dù là người có tửu lượng kém thì bạn vẫn có thể "cân bằng" được lượng cồn ở trong cơ thể và giữ được trạng thái tỉnh táo.

4. Không nên phân "hơn thua" trong bữa nhậu

Người Việt thường có thói quen thách nhau "100%" hay "cạn ly" nhằm ý chỉ phải uống hết chén để thể hiện được phong độ cũng như tửu lượng của họ.
Tuy nhiên đây cũng chính là lý do vì sao mà nhiều người đi nhậu với anh em bạn bè rồi tới cuối bữa không còn đủ tỉnh táo để có thể trở về nhà.

Trong bữa nhậu, thay vì rượu là chính thì nên đổi thành vui là chủ yếu, để việc cụng ly cũng phải thực sự hợp tình, hợp lý và nên ở một mức độ vừa phải. Nếu bạn đã cảm thấy việc uống thêm là quá sức chịu đựng của bản thân thì bạn nên khéo léo từ chối uống tiếp và đừng bị kích động bởi những lời thách thức của bạn nhậu.

5. Một số lưu ý khác để tránh dễ bị say khi uống rượu

Nếu muốn tăng mức tửu lượng của bản thân, trong bữa nhậu bạn không nên hút thuốc lá. Điều này được lý giải là bởi khói thuốc sẽ làm giảm lưu lượng oxy trong máu và sẽ khiến bạn dễ bị đau đầu, nôn nao và say xỉn khi nâng chén.
Ngoài ra trong bữa nhậu bạn nên dùng thêm những loại đậu, đỗ, thực phẩm dạng hạt hay phomat, bơ... bởi chất béo có thể làm giảm mức độ hấp thụ cồn của cơ thể.

Trà, nước chanh hay đơn giản là một ly nước lọc cũng có thể khiến bạn lấy lại được "phong độ" trên bàn tiệc. Ngoài ra một ít bánh ngọt hay hoa quả cũng sẽ giúp bạn duy trì được trạng thái tỉnh táo lâu hơn.

Diệp Trang(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn