Lần nhật thực này có vùng quan sát rộng lớn, kéo dài từ châu Phi tới châu Á. Địa điểm quan sát lý tưởng nhất là Cộng hòa Trung phi, Ethiopia, phía nam Pakistan, phía bắc Ấn Độ và một phần Trung Quốc.
Tại Việt Nam, chúng ta chỉ có thể chứng kiến nhật thực một phần, nơi có độ che phủ cao nhất là Hà Nội với 77%. Tỷ lệ che phủ giảm dần về phía nam. Cụ thể, người ở Đà Nẵng chỉ được xem nhật thực với độ phủ 65%. Ở TP.HCM, tỷ lệ này chỉ còn 48%.
Theo Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, nhật thực một phần sẽ bắt đầu tại Hà Nội vào lúc 13h16, đạt cực đại lúc 14h55 chiều 21/6. Tại Đà Nẵng, nhật thực xuất hiện lúc 13h30 và đạt cực đại lúc 15h04. Tại TP.HCM, thời gian nhật thực bắt đầu là 13h37, đạt cực đại lúc 15h05’
Thời điểm kết thúc nhật thực là 16h18 ở Hà Nội và TP.HCM. Sau đó 4 phút, hiện tượng này cũng chấm dứt tại Đà Nẵng. Như vậy, trong 3 thành phố, Hà Nội là nơi có thời gian quan sát nhật thực dài nhất. Thiệt thòi nhất là những người yêu thiên văn ở TP.HCM.
Bình luận