• Zalo

Nhất quyết nghỉ hưu phải trả lại nhà công vụ

Thời sựThứ Tư, 28/05/2014 04:07:00 +07:00Google News

Theo đại biểu Ngô Văn Minh, phải quy định rõ ai được ở nhà công vụ và ký hợp đồng thuê. Nhất quyết là “nghỉ hưu thì phải trả lại nhà”.

Theo đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), phải quy định rõ ai được ở nhà công vụ và ký hợp đồng thuê. Nhất quyết là “nghỉ hưu thì phải trả lại nhà” chứ không để dư luận như vừa qua.

Ngày 27/5, thảo luận về dự án Luật Nhà ở, một số đại biểu (ĐB) cho rằng, có hiện tượng sử dụng nhà ở công sai mục đích, thậm chí không ít người có chức quyền biến nhà công vụ thành nhà tư nhân.

Nhà ở công vụ Hoàng Cầu, Hà Nội Ảnh: Như Ý Nhà ở công vụ Hoàng Cầu, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Nhà ở công vụ Hoàng Cầu, Hà Nội Ảnh: Như Ý Nhà ở công vụ Hoàng Cầu, Hà Nội. Ảnh: Như Ý 

Nghỉ hưu phải trả lại nhà


ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho biết, do chuyển công tác từ địa phương ra Hà Nội nên chính ông cũng đang ở nhà công vụ. “Thực tế ở nhà công vụ không sung sướng gì bởi trong kia tôi có nhà cửa đàng hoàng, bây giờ ra Hà Nội phải thuê ở nhà công vụ mất thêm hơn một triệu mỗi tháng”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, phải quy định rõ ai được ở nhà công vụ và ký hợp đồng thuê. Nhất quyết là “nghỉ hưu thì phải trả lại nhà” chứ không để dư luận như vừa qua. “Vừa qua nhà nước quyết định mua hơn 100 căn hộ để bổ sung vào quỹ nhà công vụ thì cũng tiêu tốn cả trăm tỷ đồng ngân sách. Do vậy việc quản lý, cho thuê phải rất chặt chẽ”, ông Minh kiến nghị.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) và một số ĐB cũng cho rằng, quy định về nhà công vụ tại dự thảo là cần thiết, nhưng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh tiêu cực, như có thể giao nhà công vụ cho một công ty chịu trách nhiệm cho thuê nhà công vụ.

Theo một số ĐB, thực tế do không có khung pháp lý để quản lý, việc sử dụng nhà công vụ dễ phát sinh tiêu cực. Có những người đã có nhà ở Hà Nội rồi còn được thuê nhà công vụ ở khu vực Hoàng Cầu. Mỗi căn nhà như vậy thuê bên ngoài tới cả chục triệu đồng/tháng, nhưng người thuê chỉ phải trả mấy trăm nghìn đồng, khi chuyển công tác rồi không trả mà chuyển cho con cháu ở, gây phản cảm, mất lòng tin.

“Vừa qua, báo chí nêu nhiều cán bộ không trả nhà. Luật cần quy định rõ đối tượng, cấp nào được ở nhà công vụ, khi nào đi phải trả, trả cho ai” - ĐB Bùi Thị An phát biểu. Theo ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội), chỉ nên làm nhà công vụ phục vụ cán bộ bị điều động luân chuyển, không nên phát triển nhà công vụ tràn lan.

Đã nghèo lấy đâu tiền mua nhà

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết, tinh thần của luật là làm sao mọi người có chỗ ở chứ không phải là sở hữu nhà ở. “Chính sách nhà ở xã hội phải khả thi, đằng này lương không đủ sống, thu nhập quá thấp mà còn phải đi vay tiền ngân hàng để mua nhà là không hợp lý”, ĐB Lịch nói.

Thảo luận về Luật Kinh doanh bất động sản, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho biết, thời gian vừa qua, các chủ đầu tư thu hàng trăm tỷ đồng của dân, sau hàng chục năm dự án vẫn là bãi đất hoang, nhưng không thấy bị xử lý. Theo ĐB Đương cần siết lại quy định về kinh doanh bất động sản, quy định chặt chẽ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống lại thế lực xâm lược, bành trướng lãnh thổ.

“Phải lành mạnh, minh bạch thị trường; quy định rõ Việt kiều, doanh nghiệp nước ngoài được tham gia vào thị trường đến mức nào. Bên cạnh đó, phải bịt lỗ hổng, thất thoát ngân sách từ chênh lệch địa tô trong các dự án. Có người nói, đất đô thị là con gà đẻ trứng vàng, nhưng vô túi ai chứ không vô nhà nước”, ĐB Trần Du Lịch phát biểu.

Theo ĐB Nguyễn Minh Quang, dự luật cho phép tất cả cá nhân, tổ chức nước ngoài được giao đất, cho thuê đất để thực hiện các hoạt động kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên quyết định này chưa thực sự phù hợp, còn mâu thuẫn với Luật Đất đai.

"Mở rộng phạm vi tham gia của nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết nhưng cần có cơ chế kiểm soát năng lực của nhà đầu tư như phải giao cho một cơ quan quản lý hoặc giao cho công ty độc lập làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án”, ông Quang kiến nghị.


» Giao nhà công vụ: Nhiều khi chỉ... nói miệng là xong
» Những điều 'kỳ bí' khu nhà công vụ Hoàng Cầu

Theo TPO
Bình luận
vtcnews.vn