Ông Kishida cho biết, 4 lò phản ứng hạt nhân mới được cấp phép hoạt động trở lại ở Nhật Bản sẽ được tận dụng để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Ngoài ra, nước này cũng có dự định hồi sinh nhiều nhà máy điện hạt nhân khác để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao trong bối cảnh nắng nóng kéo dài.
Trước thảm họa động đất và sóng thần phá hủy nhà máy hạt nhân Fukushima Daiich vào năm 2011, Nhật Bản có 54 lò phản ứng trong trạng thái hoạt động - đáp ứng 30% nhu cầu điện của quốc gia. Chính quyền Tokyo đã đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa, khiến đất nước buộc phải nhập khẩu dầu, than và khí đốt tự nhiên để đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Trong thông báo mới nhất, Thủ tướng Kishida cho biết Nhật Bản sẽ “tăng tốc độ xem xét” các biện pháp an toàn để đưa các nhà máy điện hạt nhân của đất nước vào hoạt động trở lại sớm nhất có thể.
Theo các nhà khí tượng học, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đang trải qua tháng 6 nóng nhất trong 150 năm trở lại đây với mức nhiệt trung bình liên tiếp vượt 35 độ C.
Hôm 25/6, thành phố Isesaki ở phía Tây Bắc Tokyo ghi nhận mức nhiệt 40,2 độ C - nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở Nhật Bản vào tháng 6.
Theo các chuyên gia, điều kiện thời tiết ở Nhật Bản và khu vực Tây Thái Bình Dương cho thấy nhiệt độ sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao bất thường trong ít nhất hai tuần tới.
Nhiệt độ cao hơn dẫn đến nhu cầu sử dụng năng lượng cao hơn, chủ yếu là do máy điều hòa.
Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi các hộ gia đình cùng doanh nghiệp tại Tokyo và khu vực lân cận hạn chế tiêu thụ năng lượng. Theo đó, người dân nên tắt tất cả các thiết bị không cần thiết, đặc biệt là trong khoảng thời gian cao điểm từ 15 -18h và sử dụng máy điều hòa không khí một cách “thích hợp”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Kishida lưu ý người dân nên cân bằng giữa tiết kiệm và bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh số ca nhập viện vì say nắng tăng cao.
“Say nắng là một điều đáng lo ngại. Tôi không muốn mọi người đưa việc tiết kiệm năng lượng đi quá xa”, ông Kishida nói.
Bình luận