Siêu Trái Đất mới được đặt tên Ross 508b, cách Trái Đất 37 năm ánh sáng, quay quanh một ngôi sao lùn đỏ trong chòm sao Cự Xà.
Theo SciTech Daily, Ross 508b có khối lượng gấp 4 lần Trái Đất và quay khá gần ngôi sao mẹ khiến 1 năm ở đó chỉ bằng 11 ngày trên địa cầu. Tuy nhiên sao lùn đỏ là một ngôi sao nhỏ và mát hơn nhiều so với Mặt Trời, nên "vùng sự sống" Goldilocks của nó cũng gần hơn rất nhiều. Quỹ đạo của siêu Trái Đất Ross 508b trùng phần lớn với vùng sự sống này.
Sao lùn đỏ là dạng sao chiếm tới 3/4 các ngôi sao trong thiên hà chứa Trái Đất Milky Way, tuy nhiên do chúng nhỏ, mờ nên các kính viễn vọng rất khó quan sát.
Sao lùn đỏ sẽ dễ nhìn thấy hơn ở bước sóng hồng ngoại, do đó nhóm khoa học gia từ Trung tâm Sinh vật học thiên văn của Nhật Bản đã thiết kế ra một thiết bị quan sát hồng ngoại mới là IRD Doppler hồng ngoại, gắn vào kính viễn vọng để tăng sức mạnh của "mắt thần" Subaru.
Ross 508b đã là thành quả đầu tiên của sự cải tiến này. Siêu Trái Đất này có một quỹ đạo hình elip và cho dù có một đoạn ngắn hơi chệch ra khỏi vùng sự sống của ngôi sao, nhưng nó vẫn hoàn toàn có khả năng bảo tồn nước lỏng - điều kiện tiên quyết cho sự sống.
Ngay cả trong hệ Mặt Trời, các cơ quan vũ trụ hàng đầu như NASA, ESA vẫn theo đuổi các thế giới ngoài vùng sự sống với niềm tin gần như chắc chắn, ví dụ mặt trăng Europa của Sao Mộc, mặt trăng Enceladus và Titan của Sao Thổ, thậm chí là hành tinh lùn Sao Diêm Vương.
Theo giáo sư Bun'ei Sato từ Học viện Công nghệ Tokyo, thành viên của nhóm điều hành IRD, đã 14 năm kể từ khi họ bắt đầu nghiên cứu phát triển công nghệ này và đang nỗ lực tìm thêm những thế giới thương tự Ross 508b.
Riêng với Ross 508b, các nhà khoa học sẽ tiếp tục theo đuổi nó và phân tích các dữ liệu chi tiết hơn để tìm ra manh mối của nước - nếu có - và các dấu hiệu khả dĩ khác của sự sống.
Nghiên cứu vừa được công bố trên Publications of the Astronomical Society of Japan.
Bình luận