(VTC News) – Các chuyên gia vấn đề biển đảo Nhật Bản kiến nghị Tokyo đặt tên hơn 160 hòn đảo vô danh để củng cố chủ quyền.
Tờ Economic News của Nhật cho biết, sau cuộc hội đàm về biên giới biển đảo và các biện pháp xây dựng, giới chuyên gia biên giới, hải đảo Nhật Bản thống nhất gửi kiến nghị chính quyền nước này đặt tên cho 160 đảo vô danh.
Nhật Bản đang lên kế hoạch quốc hữu hóa hàng trăm đảo vô danh |
Ước tính Nhật có khoảng 280 đảo vô danh đang trong kế hoạch quốc hữu hóa, điều mà Tokyo đã làm với quần đảo Senkaku mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Theo Economic News, chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch đặt tên cho các đảo vô danh vào tháng 8 tới. Một tháng sau đó, một số đảo trong số này sẽ được đưa vào danh sách đăng ký quốc hữu hóa.
Nhật Bản bắt đầu xây dựng luật biển từ năm 1977, cho tới nay có khoảng 400 đảo lớn nhỏ nằm trong danh sách được gọi là “cứ điểm lãnh hải”.
Sau khi quốc hữu hóa quần đảo Senkaku hồi năm 2012, Nhật tiếp tục khảo sát các đảo xung quanh. Nhật cũng đã đưa ra chức danh Bộ trưởng chính sách biển để nghiên cứu các biện pháp củng cố chủ quyền biển đảo. Chức danh này lần đầu tiên có trong nội các Nhật Bản từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền.
Tokyo khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình quốc hữu hóa các đảo vô danh và 'đảo chưa có người sở hữu', đưa vào danh sách quốc hữu hóa để “nâng cao năng lực quản lý” và đẩy mạnh tuyên truyền chính sách này với thế giới.
Video: Nhật tập trận giả định chiếm đảo tranh chấp
Năm 2012, khi Nhật quốc hữu hóa Senkaku đã gặp phải nhiều phản ứng từ Trung Quốc. Thậm chí, tuần duyên Nhật Bản và các tàu cá từ Hong Kong, Đài Loan đã có những cuộc đấu vòi rồng trên biển.
Tàu cá đến từ phía Trung Quốc buộc phải rút lui trước sức mạnh tàu tuần duyên Nhật Bản. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc và Nhật Bản có nhiều cuộc khẩu chiến quanh khu vực mà Bắc Kinh gọi là "vùng nhận dạng phòng không" bao trùm cả Senkaku.
Nhật Bản nói họ nhiều lần phải điều chiến đấu cơ ngăn chặn máy bay Trung Quốc xâm nhập trái phép, trong khi Bắc Kinh tuyên bố đó là hoạt động bình thường trong 'vùng biển thuộc chủ quyền'.
Phương Mai
Bình luận