Đối thủ tiếp theo của tuyển Việt Nam ở vòng tứ kết Asian Cup đã được xác định, đó là Nhật Bản. Đội bóng của HLV Hajime Moriyasu đánh bại Ả Rập Xê Út với tỉ số 1-0, qua đó trở thành đội đầu tiên có mặt ở vòng tám đội mạnh nhất mà không có được chiến thắng nào với cách biệt quá... một bàn.
Trước Ả Rập Xê Út, Nhật Bản chơi thong dong, song cực kỳ khoa học và chặt chẽ để khoá chặt đường vào khung thành của đối thủ. Khác với màn trình diễn ở World Cup 2018, Nhật Bản của HLV Moriyasu chơi rất thực dụng, luôn đặt hiệu quả lên hàng đầu.
Video: Tomiyasu ghi bàn duy nhất giúp Nhật Bản thắng 1-0
Nhật Bản phòng ngự rất kỷ luật
Nhật Bản phòng ngự cực hay ở biên và vô hiệu hoá hoàn toàn các pha lên bóng của Ả Rập Xê Út trong khu vực cấm địa. Sự kết hợp ăn ý giữa trung vệ đội trưởng Maya Yoshida và Takehiro Tomiyasu khiến những pha tạt bổng của Ả Rập Xê Út bị vô hiệu hoá. Ở hai biên, Hiroki Sakai và Yuta Nagatomo vừa hỗ trợ phòng ngự tốt, vừa leo biên bền bỉ để phục vụ cho những pha phản công chớp nhoáng của Nhật Bản.
Hàng phòng ngự Nhật Bản khiến Ả Rập Xê Út không có pha đánh đầu nguy hiểm nào trong suốt 90 phút. Đội bóng của HLV Antonio Pizzi cầm bóng hơn 70%, chủ động đẩy cao đội hình và thực hiện nhiều pha phối hợp nhóm trung lộ, nhưng chỉ có một cú dứt điểm trúng đích duy nhất. Sự chắc chắn và kiên cố khối phòng ngự hai tầng bên phía đội bóng áo xanh được duy trì, buộc Ả Rập Xê Út phải thực hiện những pha dứt điểm từ xa.
15 lần dứt điểm với quá nửa là sút xa, thông số cho thấy các học trò của Moriyasu đã tuân thủ chiến thuật chặt chẽ ra sao.
Tomiyasu là cầu thủ chơi hay nhất bên phía Nhật Bản trong trận này. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ phòng ngự, trung vệ này còn là người ghi bàn duy nhất với pha đánh đầu không thể cản phá trong hiệp 1. Bàn thắng giúp Nhật Bản thoải mái chơi phòng ngự phản công, trong khi Ả Rập Xê Út gặp khó về tâm lý trong việc triển khai lối chơi.
Ả Rập Xê Út tấn công quá kém
Không phải Nhật Bản, Ả Rập Xê Út mới là đội kiểm soát thế trận trong 20 phút đầu. Đội bóng của Pizzi áp đặt thế trận và liên tục đẩy đối thủ vào thế chống đỡ. Dẫu vậy, sức ép của đội bóng Tây Á không được duy trì đều đặn, bởi khác với Triều Tiên hay Lebanon - những đội bóng thua đậm Ả Rập Xê Út ở vòng bảng, Nhật Bản phản công tốt hơn nhiều với sự góp mặt của Minamino Takumi hay Ritsu Doan.
Khả năng chuyển trạng thái của Nhật Bản là mấu chốt khiến đối thủ không thể dồn sức tấn công dù cầm bóng trong phần lớn thời gian. Hàng tiền vệ của "samurai áo xanh" giữ cự ly đội hình tốt, luôn chơi gần nhau để phối hợp với hàng thủ tạo thành gọng kìm, cô lập chân sút Fahad Al Muwallad với phần còn lại của Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, cũng phải nói Ả Rập Xê Út thiếu những phương án để khoan phá hàng thủ số đông.
Hầu hết đường chuyền trên 1/3 sân của đội bóng Tây Á đều bị Nhật Bản dễ dàng bẻ gãy. Ả Rập Xê Út không thể phối hợp quá ba chạm để xâm nhập vòng cấm của thủ môn Gonda Shuichi, dẫn đến những pha bóng quyết định để tạo ra cơ hội của Ả Rập Xê Út đều là những quả tạt, vốn không thể làm khó Yoshida, Tomiyasu không chiến rất giỏi.
Ngoài ra, Ả Rập Xê Út cũng không dàn xếp những pha tấn công đủ hay để mở ra khoảng trống cho tuyến hai. Những pha sút xa của đội bóng áo trắng đều ở tư thế bất lợi, bế tắc và tương đối bị động.
Sự bất lực của Ả Rập Xê Út được thể hiện ở tình huống đập chai nước của HLV Pizzi khi đứng trong cabin huấn luyện. Trước Nhật Bản quá kỷ luật và chặt chẽ, một Ả Rập Xê Út chơi dựa nhiều vào cảm hứng, lại thiếu tính tổ chức trong tấn công thật khó để làm nên chuyện.
Chiến thắng của đẳng cấp
Cùng có thành tích rực rỡ ở Asian Cup, cùng dự World Cup 2018 và có một chiến thắng ở vòng bảng, nhưng phải đối đầu trực tiếp mới thấy, Nhật Bản vẫn ở tầm vóc khác xa Ả Rập Xê Út. Ở châu Á lúc này, chỉ có Iran và Hàn Quốc là sánh được với đội bóng của HLV Moriyasu.
Dù khởi đầu chậm, nhường khu trung tuyến cho đối thủ hay khi tràn lên để gây sức ép ngược lại, Nhật Bản đều cho thấy sự vượt trội so với Ả Rập Xê Út về cả con người, trình độ tổ chức đến khả năng cầm nhịp trận đấu. Nhật Bản cầm bóng 30%, nhưng tấn công đa dạng cả ở trung lộ lẫn hai hành lang cánh với sự cơ động của Ritsu Doan, Haraguchi hay Takumi. HLV Moriyasu có nhân sự đủ chất lượng để vận hành rất nhiều lối chơi, kể cả tấn công áp đặt (trước Turkmenistan, Oman) hay nhún nhường, chờ đợi thời cơ phản công (trước Uzbekistan, Ả Rập Xê Út).
Khác với lối chơi tự phát của đối thủ, Nhật Bản chính xác, lạnh lùng như một cỗ máy. Tình huống ghi bàn của Tomiyasu cũng đến từ pha dàn xếp phối hợp di chuyển ấn tượng trong pha bóng cố định - vốn không phải điểm mạnh của Nhật Bản. Ngay cả khi Ả Rập Xê Út dồn ép trong 20 phút cuối và liên tục nhồi bóng vào vòng cấm, vẫn có cảm giác "samurai áo xanh" mới là đội làm chủ tình hình.
Sự tỉnh táo và điềm tĩnh của Nhật Bản chính là sự khác biệt. Đó là lý do Nhật Bản không cần thắng đậm, song vẫn có cái uy đủ lớn để tất cả phải dè chừng. Khác với Jordan, Iraq hay Yemen, đối thủ sắp tới của tuyển Việt Nam sẽ mang tới thử thách rất khác. Đây là khó khăn, song cũng là may mắn với thầy trò HLV Park Hang Seo. Asian Cup năm nay, chúng ta được chạm trán với hai đội bóng hay bậc nhất châu Á thời điểm hiện tại.
Bình luận