Công hàm này được gửi tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm 19/1.
"Nhật Bản với tư cách là một thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) bác bỏ lập trường của Trung Quốc cho rằng việc nước này vẽ các đường cơ sở lãnh hải đối với các đảo và đá ở Biển Đông là phù hợp với UNCLOS cũng như luật pháp quốc tế", công hàm của Nhật Bản khẳng định.
Khẳng định này từ phía Nhật Bản dùng để đáp trả các tuyên bố trước đó của Trung Quốc trong công hàm CML/63/2020 được Bắc Kinh gửi lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc. CML/63/2020 dùng để phản bác công hàm ngày 16/9 của Phái đoàn các nước Anh, Pháp và Đức liên quan đến Biển Đông.
Trong công hàm, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố UNCLOS không phải là tất cả. Công hàm của Trung Quốc không trả lời điểm 4 và 5 công hàm Pháp - Anh - Đức về quy chế các đảo và yêu sách quyền lịch sử. Công hàm của ba nước châu Âu trước đó khẳng định các hoạt động cải tạo đất hoặc bất kỳ hình thức chuyển đổi nhân tạo nào đều không thể thay đổi được các đặc tính của một thực thể biển theo UNCLOS.
Công hàm phái đoàn Trung Quốc chỉ nhắc lại chủ quyền lãnh thổ và các quyền trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không bị phương hại dưới bất kỳ hoàn cảnh nào do phán quyết bất hợp pháp về Biển Đông.
"Trung Quốc đề cập tới tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trong công hàm CML63/2020. Tự do hàng hải và hàng không phải được đảm bảo trên biển và trên không, xung quanh và trên các thực thể biển không có lãnh hải và không phận được xác định là bãi cạn lúc chìm lúc nổi như được nêu trong phán quyết về Biển Đông ngày 12/7/2016. Đây là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc với các bên tranh chấp", công hàm khẳng định.
Nhật Bản cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc không công nhận phán quyết Biển Đông năm 2016. Thay vào đó, nước này tiếp tục khẳng định "chủ quyền" trên biển và trên không đối với các thực thể nói trên.
Bất chấp đại dịch COVID-19, Trung Quốc trong năm qua vẫn tiếp tục leo thang hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc, hàng loạt các quốc gia có động thái phản đổi mạnh mẽ nước này.
Cũng trong năm 2020, Philippines, Malaysia, Indonesia đồng loạt gửi công hàm ngoại giao lên Liên hợp quốc, phản đối yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, các nước có lợi ích ở Biển Đông như Mỹ và Australia cũng gửi công hàm bác bỏ yêu sách Biển Đông của Bắc Kinh.
Về phần mình, Việt Nam liên tục đưa ra các tuyên bố gay gắt chỉ trích các hành vi phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển này như tập trận trái pháp, dựng trạm nghiên cứu Trường Sa....
Bình luận