Chính phủ và chính quyền các địa phương của Nhật Bản đang triển khai nhiều biện pháp đối phó khẩn cấp với thời tiết cực đoan và thiên tai nặng nề.
Từ cuối tháng 7 cho đến nay, tại các khu vực phía Đông và phía Tây Nhật Bản, bao gồm cả Thủ đô Tokyo, nắng nóng gay gắt kéo dài, có nơi nhiệt độ đo được trong lều khí tượng lên tới 41 độ C.
Hiện tượng thời tiết cực đoan này khiến hàng trăm người chết do sốc nhiệt, hàng trăm nghìn người phải nhập viện điều trị. Đồng thời, tại khu vực Đông bắc Nhật Bản bao gồm 6 tỉnh: Aomori, Iwate, Miyaghi, Akita, Yamagata và Fukushima, mưa lớn kéo dài gây ngập lụt nghiêm trọng, kéo theo những thiệt hại to lớn về người và của. Trong đó, Akita và Yamagata là hai tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ lịch sử lần này.
Trong khi Chính phủ Nhật Bản và chính quyền các địa phương trên đang cùng người dân thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, thì từ cuối giờ chiều 8/8, một trận động đất mạnh trên 7 độ xảy ra tại khu vực Tây Nam nước này.
Tiếp theo, đêm hôm qua 9/8, một trận động đất gần 5 độ lại xảy ra tại tỉnh Kanagawa (giáp ranh Tokyo), tạo ra những rung chấn mạnh khiến nhiều hoạt động, bao gồm cả vui chơi giải trí, không chỉ tại Kanagawa mà tại cả Tokyo, phải tạm dừng khẩn cấp. Động đất cũng khiến 12 người bị thương, nhiều tòa nhà bị hư hại.
Theo Cơ quan khí tượng thủy văn Nhật Bản, những trận động đất này mới chỉ là khởi đầu, và là dấu hiệu cho thấy khả năng sẽ xảy ra trận động đất rất mạnh trên một khu vực rộng lớn của Nhật Bản, kéo dài từ Thủ đô Tokyo đến vùng Kyushyu - phía Tây Nam nước này và có thể gây ra sóng thần cao từ 3m trở lên nhấn chìm các khu vực ven biển từ Kanto đến tận Okinawa (cực Nam Nhật Bản).
Tiến sỹ Maeda Yoshihide - chuyên gia về động đất cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận và dựa trên cơ sở tham chiếu các thông tin có từ trước đến nay đưa ra phán đoán là có tới 70~80% sẽ xảy ra động đất rất mạnh trên một khu vực rộng lớn.
Chúng tôi cũng dựa vào dữ liệu thu thập được trong suốt 30 năm qua tại khu vực tâm chấn và nhận thấy nguy cơ xảy ra động đất lên tới 8~9 độ tại khu vực này cao hơn gấp nhiều lần những dự báo và phân tích thông thường từ trước đến nay”.
Chính phủ Nhật đã phát đi cảnh báo khẩn cấp, yêu cầu người dân rời xa các cửa sông, bãi biển, tất cả ngư dân đang ở ngoài khơi lập tức vào bờ, tìm chỗ cao để trú ẩn, canh chừng trẻ em cẩn thận và trong trường hợp cần thiết, nên tích trữ nhu yếu phẩm dự phòng.
Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa nói: “Tất cả mọi người cần nâng cao chú ý, vẫn có khả năng sẽ xảy ra động đất ở mức thấp nhất là khoảng 6 độ richter. Các cư dân ở vùng vừa xảy ra động đất cần theo dõi thông tin từ chính quyền địa phương thông qua, phát thanh, truyền hình và internet. Chúng tôi đã huy động lực lượng phòng vệ và cảnh sát để hỗ trợ trong trường hợp cần thiết”.
Trong bối cảnh đó, lại có một tin xấu nữa đối với khu vực Đông bắc Nhật Bản, nơi người dân đang phải gồng mình lên để chống chịu với những thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Theo Cơ quan khí tượng thủy văn, rạng sáng ngày 12/8, một cơn bão rất mạnh được gọi là “bão số 5” có khả năng sẽ đổ bộ vào khu vực trên, kèm theo mưa và gió dữ dội. Người ta lo ngại rằng cơn bão này sẽ không chỉ cản trở các hoạt động cứu trợ người dân vùng lũ, mà sẽ làm nghiêm trọng thêm các thiệt hại về người và của cho người dân các địa phương nơi bão đi qua.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng đã phải hủy chuyến công du 3 nước Uzbekistan, Kazakhstan, Mông Cổ và dự hội đàm thượng đỉnh với lãnh đạo 5 nước Trung Á tại Kazakhstan dự định từ mùng 9 đến 12/8 này, để trực tiếp chỉ đạo công tác đối phó, phòng tránh, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai, mặc dù Nhật Bản đã cam kết công bố một khuôn khổ hợp tác Nhật Bản – Trung Á mới tại hội đàm thượng đỉnh nêu trên.
Nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho hay, ông Kishida đã trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo các nước để giải thích về quyết định đột ngột này.
Bình luận