Trưa 12/11, cơ quan công an đã có thông tin xác định nguyên nhân vụ nam nhân viên y tế báo bị cắt chân ở Bệnh viện đa khoa quận Cái Răng.
Công an quận Cái Răng và Công an TP. Cần Thơ xác minh, anh P.D.K. (27 tuổi, kỹ thuật viên vật lý trị liệu của khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, thuộc Bệnh viện Cái Răng) đã tự cắt rời phần chân trái của mình do mắc chứng bệnh rối loạn nhận dạng toàn diện cơ thể (có biểu hiện giống như bị ngáo đá). Thông tin được đăng tải trên báo Vietnamnet.
Người mắc bệnh này trong đầu lúc nào cũng khao khát được tàn phế và ý nghĩ ấy luôn chi phối tâm thức. Họ luôn có cảm giác một phần cơ thể của họ, như tay hay chân, là thừa và có thể muốn “xẻo” đi.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, khoảng 17h20 ngày 10/11, anh P.D.K đợi các đồng nghiệp trong khoa đi làm về hết rồi tự chốt cửa phòng lại.
Sau đó, K. vào nhà vệ sinh tự dùng dao y tế cắt và tháo khớp gối của mình. Đồng thời, nặn hết máu trong phần chân bị cắt rời để không thể sử dụng lại được.
K. còn có ý định đi ra ngoài tạo hiện trường bị tai nạn giao thông nhưng do một mình K. không thể thực hiện được nên đã mang phần chân trái tháo rời giấu vào ngăn tủ nơi đầu giường.
Tiếp theo, K. qua phòng kế bên dùng điện thoại nội bộ gọi điện thoại cho một nhân viên khác báo tin rằng mình nằm ngủ say trong phòng thì bị người khác vào tháo khớp gối mà không hay biết.
Theo cơ quan chức năng, K. biết mình mắc bệnh này từ nhỏ nhưng không nói cho ai biết. Đến khi bắt đầu học ngành y, K. tự tìm hiểu về căn bệnh của mình thông qua mạng internet để tìm cách chữa trị.
Tuy nhiên, biết việc chữa trị là không thể nên K. nghĩ ra cách duy nhất là phải loại bỏ phần dư thừa và chân trái từ khớp gối trở xuống chính là phần này. Do là nhân viên y tế nên K. biết cách tự tháo khớp gối mà không đau…
Cơ quan công an xác định, việc này K. đã tự hành động một mình, không nhờ ai giúp đỡ. Đây là sự việc do bệnh lý tạo ra, không phải vụ án.
Thông tin trên báo chí, ông Nguyễn Minh Thắng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quận Cái Răng (Cần Thơ) cho biết, ông K. về công tác tại Bệnh viện từ tháng 7/2012. Hiện nay ông K đã lập gia đình và có 1 con 3 tuổi.
“Cậu K. làm việc rất tốt, không có biểu hiện gì lạ hết, vẫn rất bình thường. Chúng tôi cũng thấy ngạc nhiên”, ông Thắng nhấn mạnh.
Sự việc trên đã gây chấn động dư luận và tạo ra những luồng ý kiến trái chiều, gây tranh cãi. Nhiều người bức xúc cho rằng đây là một lỗ hổng trong quản lý nhân sự của bệnh viện khi để một nhân viên mắc chứng rối loạn tâm thần làm việc suốt một thời gian dài mà không phát hiện ra. Thậm chí, một số người còn cho rằng nhân viên này đã sử dụng ma tuý đá trước khi hành sự.
Nickname Dragon bình luận: "Đề nghị không tuyển những người như thế này vô bệnh viện dù chuyên môn họ giỏi cỡ nào, nghe sợ phát khiếp được".
Độc giả tên Trần Thanh Phong nói: "Kinh y như phim kinh dị của Mỹ. Một người nếu tỉnh táo làm sao có thể chịu nỗi đau đớn khi tự hủy hoại thân thể mình?".
Facebook phanchimy ý kiến: "Nguy hiểm thật, bệnh nhân nào gặp phải ông này chắc đứt..."
Trả lời trên báo Đất Việt, luật sư Đỗ Hải Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, sau trường hợp này có thể thấy quy trình kiểm tra sức khỏe tổng quan đối với các nhân viên y tế còn có những lỗ hổng.
Cụ thể, đối với các cán bộ y, bác sĩ, theo quy định hàng năm đều có những đợt tổng kiểm tra đánh giá sức khỏe cũng như năng lực hành vi của đội ngũ cán bộ.
Tuy nhiên, nhân viên K. vào Bệnh viện đa khoa quận Cái Răng từ năm 2012 nhưng các đợt kiểm tra đều không phát hiện được gì.
Trong khi đó, một bộ phận khác tỏ ra thương cảm với nhân viên y tế tự chặt chân mình khi phải một mình chiến đấu với căn bệnh quái ác, để cuối cùng bất lực phải tự chặt bỏ một phần thân thể. Đồng thời, những người này cũng lên án hành động vội vàng kết án, ném đá nhân viên này khi chưa tìm hiểu rõ về căn bệnh.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, độc giả Nguyễn Tấn Lợi cho rằng: "Các bạn không hiểu bệnh này như thế nào vì bệnh này rất ít người bị và nghe qua rất lạ. OK! Nhưng đừng vội đánh giá người khác khi bạn chưa biết gì.
Bệnh này chỉ là bản thân họ luôn cảm thấy họ bì thừa một bộ phận trên cơ thể (tay hoặc chân), và họ thấy khó chịu với việc đó. Họ muốn loại đi sự khó chịu đeo bám mình bằng việc loại bỏ đi bộ phận "thừa" ấy. Bệnh này không khiến bệnh nhân trở thành kẻ tâm thần sát nhân, hay ảnh hưởng đến tính tình hiền lành của con người đâu nhé".
Tài khoản facebook tên Trang cảm thán: "Tội nghiệp. Chỉ là bệnh thôi. Chắc người thân của bạn ấy và bản thân bạn ấy đau lắm!"
Được biết, nhà khoa học thần kinh người Mỹ Vilayanur Ramachandran gần đây đã khám phá ra nguyên nhân của chứng bệnh này là bản đồ hình ảnh về cơ thể trong não của những người mắc BIID bị thiếu mất một phần nào đó.
Ví dụ, một chi đủ trên cơ thể mà người bệnh tưởng “thừa” không được định vị đúng trên vùng não tương ứng, khiến cho anh ta cảm thấy cực kỳ khó chịu với cái chi đó.
Hiện vẫn chưa có thuốc chữa bệnh này ngoài việc xẻo bộ phận “tưởng thừa” đi. Khi được toại nguyện thành tàn phế, người mắc BIID luôn thấy hạnh phúc hơn.
Video: Giọt nước mắt muộn màng của người đàn bà thuê người chặt chân tay để trục lợi bảo hiểm
Bình luận