Từ 15/9, quy định về xử phạt người nuôi để chó thả rông, không tiêm phòng cho chó bắt đầu có hiệu lực.
Ông Phan Xuân Thảo – Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM đã có những chia sẻ sau khi Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực thi hành.
Ông Thảo cho biết: “Việc bắt chó thả rông và xử phạt là rất khó khăn. Bắt chó thả rông không chỉ trách nhiệm của Chi cục Thú y mà còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong vấn đề tuyên truyền vận động người dân tham gia hưởng ứng để tránh việc chó thả rông cắn người.
Vì vậy, để thực hiện được việc bắt chó thả rông không chỉ cần sự quyết tâm của Chi cục Thú y, chính quyền địa phương mà còn cần sự đồng lòng của người dân nữa thì mới có hiệu quả cao”.
Ông Phạm Minh Trí - Trưởng trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật thuộc Chi cục Thú y TP.HCM cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện việc bắt chó thả rông nhiều năm rồi. Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự TP.HCM, hằng năm có 30.000 đến 33.000 người bị chó cắn. Việc tiêm phòng vắc xin ngừa dại tốn chi phí rất cao. Chính vì thế, việc bắt chó thả rông là cần thiết”, ông Trí khẳng định.
Tuy nhiên theo ông Trí, việc bắt chó thả rông của đội gặp rất nhiều khó khăn khi vấp phải sự phản đối từ người dân.
Video: Theo chân đội săn bắt chó thả rông ở Sài Gòn
“Trước kia có nhân viên đội bắt chó bị hăm dọa, thậm chí bị hành hung khi bắt chó thả rông. Tuy nhiên, sau khi tuyên truyền vận động, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền, ý thức người dân nuôi chó đã có nhiều chuyển biến tích cực”, ông Trí cho hay.
Là địa bàn triển khai việc bắt chó, mèo thả rông từ năm 2010, ông Lê Hoàng Hà – Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết, việc bắt chó mèo thả rông rất cần thiết.
Theo ông Hà, từ khi triển khai việc bắt chó thả rông trên địa bàn được thực hiện, người dân cơ bản thực hiện khá tốt, không có phường nào quá phức tạp về việc để chó, mèo thả rông.
“Nhiều năm nay, quận đã phối hợp với trung tâm y tế dự phòng trong việc chích ngừa và quản lý sức khỏe của động vật nuôi thông qua các hình thức tuyên truyền, khảo sát nắm tình hình trong từng hộ dân, những nơi các hộ dân có gắn việc nuôi thú nuôi với vấn đề kinh doanh chó, mèo.
Việc xử lý chó mèo thả rông sau khi bị bắt, nên lập trung tâm nuôi giữ, chăm sóc, chờ có người nhận nuôi - đó là cách xử lý nhân văn nhất”, ông Hà cho biết thêm.
Ngày 15/9, Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực thi hành.
Cụ thể, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắcxin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.
Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.
Ngoài ra, luật cũng quy định, chó thả rông sẽ bị bắt, sau 72 giờ nếu không có người nhận sẽ đem đi tiêu hủy.
Bình luận