Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở các bộ, ngành cần quan tâm khen thưởng những người trực tiếp lao động, sản xuất, nhưng đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ khen thưởng lãnh đạo vẫn cao gấp 4 lần những người trực tiếp lao động, sản xuất.
Bà Trần Thị Hà, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
- Thưa Thứ trưởng, vì sao trong các cơ quan Nhà nước, cán bộ lãnh đạo vẫn được khen thưởng nhiều hơn chuyên viên lao động, mặc dù Chính phủ luôn nhắc nhở, phải ưu tiên những trực tiếp lao động, sản xuất hơn?
Trong một tổ chức, đương nhiên thành tích và tầm ảnh hưởng của những người quản lý sẽ lớn hơn chuyên viên hoặc những người trực tiếp lao động, sản xuất. Mà Luật Thi đua – Khen thưởng năm 2003 đã quy định, nếu được tặng bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương, đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” liên tục từ 5 năm trở lên hoặc có thành tích đột xuất mới được tặng Bằng khen của Thủ tướng. Trong một số lực lượng đặc biệt còn khen thưởng theo niên hạn.
Mặt khác, nhiều người Việt Nam vẫn chưa nhận thức đầy đủ về việc khen thưởng, nên có thể còn tâm lý e ngại. Và ở nhiều nơi, khen thưởng còn đi kèm với các quyền lợi về kinh tế như nâng lương, phân đất, tiền thưởng…nên ở nhiều đơn vị, lãnh đạo được khen thưởng nhiều hơn chuyên viên, công chức bình thường.
- Vậy làm thế nào để trong những năm tới, các đơn vị cơ sở khen thưởng nhiều hơn đối với công chức, viên chức trực tiếp lao động sản xuất?
Trước hết, Bộ Nội vụ sẽ đề xuất sửa đổi một số điều trong Luật Thi đua – Khen thưởng, để trình Quốc hội năm 2012, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp cơ sở khen thưởng nhiều những người trực tiếp lao động, sản xuất. Tiếp đó sẽ làm chuyển biến nhận thức của người lãnh đạo về việc khen thưởng. Ví dụ trước đây, cơ quan anh khen thưởng 10 cán bộ đều là trưởng phòng thì năm nay cần xem xét thưởng 5 cán bộ, 5 chuyên viên.
Một số cơ quan Nhà nước đã quy định, từ hàm Vụ trưởng, nếu được khen thưởng thì không nằm trong diện đề xuất nâng lương, đề bạt…để tạo thuận lợi cho cấp dưới được khen thưởng. Điều này cần được nhân rộng. Một số nơi cũng vận dụng Luật, khuyến khích khen thưởng những người không làm quản lý, lãnh đạo. Có nơi tỷ lệ này lên đến 50%.
Hiện nay, Nhà nước đang phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước. Qua các phong trào này, các đơn vi cơ sở sẽ có thêm căn cứ để phát hiện các điển hình mới, nhân tố mới để khen thưởng kịp thời.
- Thưa Thứ trưởng, vậy cách nào để hạn chế tiêu cực trong khen thưởng, “mua” thành tích?
Hiện nay, một số giải thưởng được tường thuật trực tiếp trên truyền hình không nằm trong hệ thống khen thưởng do Luật Thi đua – Khen thưởng quy định, nên người dân cần phân biệt rõ, tránh hiểu nhầm.
Nhưng đúng là ở một số cơ quan Nhà nước, còn có bệnh thành tích trong việc khen thưởng: tuy chưa thực sự xứng đáng nhưng vẫn được khen.
Vì thế các cấp sẽ xem xét khen thưởng chặt chẽ hơn, khen đúng người, đúng thành tích. Luật Thi đua – Khen thưởng khi điều chỉnh sẽ quy định chi tiết hơn việc khen thưởng.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
(thực hiện)
Bình luận