• Zalo

Nhân vật số 2 Triều Tiên từng bị Kim Jong-il nghi ngờ

Thế giớiThứ Ba, 17/12/2013 02:15:00 +07:00Google News

Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il được cho là từng cảnh báo con trai về Chang Song-thaek, đặc biệt từ sau khi ông Kim phải chuyển giao một phần quyền lực.

Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il được cho là từng cảnh báo con trai về Chang Song-thaek, đặc biệt từ sau khi ông Kim phải chuyển giao một phần quyền lực cho em rể vì đột quỵ năm 2008.

"Kim Jong-il từng rất cảnh giác với quyền lực và sự ủng hộ ngày càng lên cao của Chang Song-thaek. Ông ấy đã để lại một bản di chúc cảnh báo con trai mình về điều này", Chosun Ilbo dẫn lời ông Lee Yun-keol, giám đốc Trung tâm tình báo chiến lược Triều Tiên (NKSIS), cho biết. NKSIS là cơ quan chuyên quan sát tình hình Triều Tiên thuộc bộ Thống nhất Hàn Quốc.
Jang Song-thaek (trái) chụp cùng với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (phải) và ông Naguib Sawiris, CEO công ty Orascom Telecom, tại Bình Nhưỡng hồi tháng 1/2011. Ảnh: KCNA  

Ông Lee cũng cho hay, sau khi Kim Jong-il bị đột quỵ năm 2008, Chang Song-thaek đã bổ nhiệm một vài người thân tín vào các vị trí quan trọng và tiếp cận được những tài liệu tuyệt mật mà Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên trình cho ông Kim. 
Chang thời điểm đó là bộ trưởng Hành chính thuộc Trung ương đảng cầm quyền, chuyên phụ trách vấn đề an ninh và pháp luật.
"Kim Jong-il phát hiện và rất giận dữ với hành vi trên của Jang. Nói một cách khác, Jang bị coi là mối nguy hiểm tiềm tàng từ trước khi Kim Jong-un lên cầm quyền", ông Lee nói.
Bản di chúc bí ẩn của cố lãnh đạo Kim Jong-il được cho là có nội dung nhắc nhở Kim Jong-un phải đề phòng "những kẻ bất đồng trong hàng ngũ của mình" và "chuẩn bị cho các mối đe dọa tiềm tàng", nhưng không để cập trực tiếp đến Chang Song-thaek.
"Rất có khả năng là Kim Jong-il cảnh báo con trai phải đề phòng Jang Song-thaek. Kim luôn lo ngại về tham vọng của Chang", Giáo sư Ryu Dong-ryeol thuộc Học viện cảnh sát Hàn Quốc nhận định.
Từ giữa năm 2004, Jang đột nhiên biến mất khỏi tầm mắt công chúng trong một thời gian dài. Theo báo cáo của cơ quan tình báo Hàn Quốc, Chang bị giam lỏng tại gia ở Bình Nhưỡng, mà nguyên nhân chính được cho là do ông có quyền lực quá lớn, khiến cố lãnh đạo Kim Jong-il, anh rể ông, không bằng lòng.
Phả hệ gia tộc họ Kim. Đồ họa: Peterson Institute 

Tháng 1/2006, Chang Song-thaek tái xuất trên chính trường Bình Nhưỡng, với chức danh thứ trưởng thứ nhất bộ Xây dựng thủ đô. 
Một năm sau, ông được thăng chức bộ trưởng Hành chính, phụ trách lĩnh vực an ninh và pháp luật.
Năm 2009, Chang Song-thaek được bầu vào Ủy ban Quốc phòng và trở thành phó chủ tịch của cơ quan này một năm sau đó. 
Động thái này được cho là bước chuẩn bị của cố lãnh đạo Kim Jong-il trong tiến trình chuyển giao quyền lực cho người con trai út Kim Jong-un.
Tháng 12/2011, Kim Jong-il qua đời. Kim Jong-un trở thành lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên. Chang Song-thaek cùng 6 quan chức cao cấp khác được chỉ định là người phò tá cho nhà lãnh đạo trẻ tuổi trong những ngày đầu nắm quyền.
Nhưng chính vai trò quan trọng đó càng khiến Jang đối diện với những nguy cơ chính trị tiềm tàng, dẫn đến bản án tử hình dành cho ông. 
Một phiên tòa quân sự đặc biệt của bộ Bảo vệ An ninh Quốc gia Triều Tiên hôm 12/12 ra phán quyết tử hình với Chang Song-thaek, với tội danh phản đảng, phản cách mạng, âm mưu lật đổ lãnh đạo tối cao và tham nhũng. Quyết định tử hình được thi hành cùng ngày.
Theo truyền thông Hàn Quốc, người chấp hành mệnh lệnh bắt giữ Chang Song-thaek là ông Kim Jong-chol, anh trai của Kim Jong-un. 
Bà Kim Kyong-hui, cô ruột của nhà lãnh đạo và là vợ của Jang, được cho là không phản đối quyết định thanh trừng chồng.  

Theo Vnexpress

Bình luận
vtcnews.vn