Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2017 mới được HOSE công bố, doanh thu hoạt động Sở Giao dịch này đạt gần 790 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khoản Thu phí giao dịch chứng khoán hơn 632,6 tỷ đồng chiếm đến 80% tổng doanh thu HOSE và tăng 72% so với năm 2016.
Doanh thu hoạt động cung cấp dịch vụ là 48,5 tỷ đồng, tăng 49,4%. Thu phí sử dụng thiết bị đầu cuối đạt gần 1,5 tỷ đồng, thu phí niêm yết đạt 10,5 tỷ. Thu khác về hoạt động nghiệp vụ đạt gần 97 tỷ đồng, gấp đôi so với năm trước.
Thị trường thăng hoa
Năm 2017 là một năm thăng hoa với thị trường chứng khoán Việt khi Vn-Index tiến sát mốc 1.000 điểm (đạt 984,24 điểm) vào ngày cuối cùng của năm (tăng gần 50% so với đầu năm) nhờ mức tăng trưởng 48%, cao nhất trong 10 năm và trở thành một trong ba TTCK tăng trưởng tốt nhất Thế giới trong năm 2017.
Bên cạnh chỉ số, thanh khoản thị trường cũng được cải thiện đáng kể. Trong năm 2017, những phiên giao dịch 6.000 tỷ, thậm chí 7.000 tỷ đồng ''bùng nổ'' thanh khoản xuất hiện rất nhiều khiến các nhà đầu tư vô cùng phấn khởi chạy theo cuộc đua chứng khoán.
Năm 2017 cũng là một năm chứng kiến sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp có vốn hóa lớn khi một loạt các "ông lớn" như Petrolimex, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Vincom Retail, VPBank, VIB, Kido Foods, Lộc Trời Group, Pymepharco... lên sàn chứng khoán Việt Nam. Tính đến hết năm 2017, vốn hóa thị trường đạt 150 tỷ USD, tương đương 68% GDP.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến TTCK thăng hoa như vậy trong năm 2017 đó là sự góp mặt của các nhà đầu tư với chi tiêu ròng đột biến hơn 26.000 tỷ đồng (1,2 tỷ USD) trên cả 3 sàn, xác lập kỷ lục của khối ngoại trên TTCK Việt Nam từ trước tới nay.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư khi giao dịch phải chịu mức phí tối thiểu 0,15%. Như vậy, sau mỗi giao dịch, HOSE sẽ thu về 0,03% tổng giá trị mỗi giao dịch. Với việc thị trường chứng khoán Việt thăng hoa mạnh mẽ như vậy thì không có gì khó hiểu khi doanh thu của Sở giao dịch chứng khoán này tăng mạnh hàng trăm tỷ trong năm 2017.
Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, HOSE ghi nhận 534 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận của HOSE đạt 427 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm 2016.
Tính đến ngày 31/12/2017, tổng tài sản của HOSE đạt 1.623 tỷ đồng, tăng 222 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tài sản ngắn hạn đạt 859 tỷ đồng, tương ứng với 53% tổng tài sản.
Video: Ba tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2017 là ai?
Bước đệm cho đà nhảy vọt năm 2018?
Năm 2018, HOSE đặt kế hoạch doanh thu 790 tỷ đồng, tương đương năm trước nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ còn 473 tỷ đồng, giảm 11%.
Theo báo cáo hoạt động kinh doanh quý I/2018, cả ba sàn chứng khoán đều có mức tăng trên 10%. VN-Index đạt đỉnh mới tại 1.174,46 điểm và tiếp tục có xu hướng tăng sát mốc 1.200 điểm.
HNX-Index tăng hơn 13,3% lên 132,46 điểm tại ngày 30/3; UPCoM-Index tăng gần 11% lên 60,66 điểm.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt khoảng 4,15 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 166 tỷ USD. Ước tính tăng khoảng 640.000 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Riêng HOSE chiếm tới 85% trong mức tăng này.
Quy mô giao dịch trên HOSE trong 3 tháng đầu năm đạt 14,5 tỷ đơn vị, tổng giá trị giao dịch khoảng 422.400 tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ và 22% so với quý IV/2017.
Tuy nhiên, từ tháng 4, VN-Index bắt đầu ghi nhận chuỗi ngày lao dốc thảm hại. Theo đó, VN-Index đã tạo đáy ở vùng 931,75 điểm, giảm 11,3% trong tháng 5 và giảm 22,6% từ mức đỉnh đạt được trong ngày 9/4. Mặc dù hiện chỉ số phục hồi trong những phiên cuối tháng lên 971,25 điểm nhưng vẫn thấp hơn mức cuối năm 2017.
Bình luận