Huyền già hơn nhiều so với tuổi 34, hai gò má quá cao nhô trên gương mặt buồn gầy sạm nắng. Cô và mẹ già từ Hải Phòng lên Tây Thiên cầu siêu cùng lúc cho 3 hương linh bé bỏng là con ruột của mình. Một thai nhi mất từ trong bụng mẹ, còn hai bé trai sinh đôi do mắc viêm não bẩm sinh lần lượt lìa xa vợ chồng Huyền lúc chưa đầy một năm tuổi.
Chờ đợi mong ngóng suốt nhiều tháng ngày, Huyền vẫn chưa thể có thai trở lại. Trong tận cùng nỗi đau mất con, cô khao khát được nghe tiếng trẻ thơ gọi mẹ.
“Em mong các con siêu thoát! Cầu trời Phật cho em đời này vẫn còn tiếp tục được làm mẹ, cho đứa trẻ nếu về đầu thai có nhân duyên biết Phật pháp để được bình an” - cô nghẹn lời, nước mắt nhòa trong mưa.
Tại đàn tràng có khá đông nam giới đi cầu siêu thai nhi. Anh Trần Đình Dũng (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đến cầu nguyện cho con trai 1 tuổi rưỡi và thai nhi 6 tuần tuổi.
Mười ba năm trước anh chị kết hôn và nhanh chóng sinh con đầu lòng. Vào tuổi ăn dặm, thằng bé bắt đầu dấu hiệu ốm bệnh, lo nhất là cái hạch nhỏ bên má phải cứ nổi to dần. Vợ anh - chị Liên một mình đưa con nhập viện, chuyển liên tục qua 6 bệnh viện từ Vĩnh Phúc ra Hà Nội suốt 4 tháng ròng để xét nghiệm tìm bệnh.
Vợ chồng chết lặng lúc nhận hung tin con trai nhỏ mắc bệnh bạch cầu cấp (một dạng ung thư máu). Hôm đó là 27 Tết, anh vội xin nghỉ phép ra Hà Nội chăm con nằm điều trị tại Viện Huyết học TW.
“Tôi ở bên cháu đúng 7 ngày ngắn ngủi, để rồi chẳng bao giờ còn được ôm con trong đời nữa…”- anh Dũng nghẹn lời.
Sau này khi vợ chồng sinh thêm 2 em bé, nỗi ám ảnh bệnh tật có thể bất ngờ xảy đến cho con cứ quanh quẩn đeo bám họ. Mãi cho đến năm các con vào cấp 1, cấp 2, cuộc sống mới dần nhẹ nhõm, thanh thản hơn.
Anh Dũng bảo, kỳ lạ mỗi lần vợ hoặc chồng đi Tây Thiên cầu siêu, đêm về cô ấy đều mơ gặp con trai chơi đùa rất vui. Tôi nghe kể mà lòng vui ấm, có niềm tin thằng bé được vãng sinh an lành.
Không nhớ đã bao lần miệt mài đi Tây Thiên cầu siêu độ nhưng anh Hoàng Khánh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mình chưa năm nào lỗi hẹn với đàn lễ đặc biệt của các em bé Đỏ (cách gọi tâm linh cho hài nhi yểu mạng). Năm nay anh lại về Bảo tháp cầu siêu cho thai nhi 3 tháng tuổi mà anh với bạn gái lỡ “tạo tác” rồi phá bỏ thời tuổi trẻ…
Ở một góc khác của đàn tràng, Hạnh là Phật tử trẻ lập gia đình 2 năm nhưng chưa có con. Cô đến dự lễ cầu siêu độ thai nhi cũng là tích phúc cho mình sớm làm mẹ. Hạnh chia sẻ, thật buồn lòng vì trong khi có bao nhiêu phụ nữ ngày đêm mong cầu sinh con thì lại cũng tồn tại vô số người nhẫn tâm phá bỏ thai nhi.
Tháng 5/2018, Bộ Y tế công bố số liệu khảo sát thực trạng phá thai tại Việt Nam. Mỗi năm cả nước có khoảng 250.000 - 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức.
Tổng tỷ suất phá thai ở VN hiện nay là 0,42 - có nghĩa cứ 5 phụ nữ thì có 2 người đã phá thai ít nhất một lần trong độ tuổi sinh sản. Khoảng 17,4% phụ nữ đã từng phá thai trong cuộc đời mình. WHO xếp Việt Nam vào danh sách 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và dẫn đầu châu Á.
“Phá thai là tội giết người, người nữ bỏ thai người nam đồng phạm và cả người thực hiện thủ thuật cũng phạm vào tội này, oán thán vì thế mà ngút trời, đeo đẳng trong nhiều kiếp” - anh Trần Vũ Thành (Chủ tịch CLB Trí thức trẻ Hà Nội) tham gia tác nghiệp chụp ảnh đàn lễ, thẳng thắn bày tỏ.
Trong quan niệm của nhà Phật, đến với nhau là một niềm duyên. Tạo ra một đứa trẻ mà vứt bỏ đi thì vô tình người làm cha mẹ đã gieo một nghiệp xấu, ai oán đối với người thương yêu nhất. Bậc làm cha mẹ nên hiểu ý nghĩa này để giữ gìn, không làm điều sai.
“Nương nhờ cửa Phật, tâm thành của mỗi người là một ánh nến cùng nhau kết lại sẽ thành đuốc lửa thiêng, tạo ra năng lượng từ bi sáng soi đường về Tịnh độ cho hương linh hài nhi” - lời sư thầy Thanh Tịnh giảng.
Video: Xúc động mẹ khóc trước bài vị con trong lễ cầu siêu cho chiến sĩ Gạc Ma
Bình luận