• Zalo

Nhan sắc, sức khoẻ bị huỷ hoại từ thói quen hàng ngày

Sức khỏeThứ Năm, 27/02/2014 02:23:00 +07:00Google News

(VTC News) - Có những thói quen ta thực hiện hàng ngày nhưng không hề hay biết nó lại là mầm mống hủy hoại dung nhan và sức khỏe. 

Đánh răng quá nhiều lần trong ngày
Bác sĩ, nha sĩ Peter Alldritt, chủ tịch Ủy ban Sức khỏe Răng miệng thuộc Hiệp hội Nha khoa Australia, khuyến cáo: “Lớp men trên răng chỉ có độ dày nhất định. Nếu đánh răng quá nhiều lần mỗi ngày sẽ khiến lớp men này mỏng đi. Khi đó, phần ngà răng dưới lớp men sẽ dần lộ ra khiến răng bạn trông càng vàng hơn”.
Tuy nhiên, không đánh răng hoặc đánh răng 1 lần/ngày cũng không tốt cho răng vì không thể loại bỏ hết các vi khuẩn và mảng bám trên răng.
Tốt nhất, bạn nên giữ thói quen đánh răng 2 lần sáng, tối. Ngoài ra, bạn cũng nên dùng thêm chỉ nha khoa trong ngày để loại bỏ các thức ăn bám trên răng, ngăn ngừa khả năng vi khuẩn phát triển.
Cắn móng tay
Sẽ không phải là chuyện lớn khi bạn cắn móng tay khi xem phim kinh dị, nhưng nếu nó trở thành thói quen thường xuyên, nó có thể gây tổn hại cả móng tay lẫn vùng da xung quanh chúng. Vi trùng từ miệng bạn được chuyển sang da tay và ngược lại. Vi khuẩn dưới móng có thể “di cư” sang miệng, gây nhiễm trùng nướu và cổ họng.
Xoắn và bứt tóc
Dùng ngón tay xoắn và bứt hết một mảng tóc sẽ gây tổn thương đến gốc tóc qua thời gian. Điều này tạo ra những khu vực rụng tóc tạm thời hoặc lâu dài cũng như nhiễm trùng. Hành động bứt tóc liên tục có thể là dấu hiệu của chứng nghiện bứt tóc – vốn cần được điều trị bằng liệu pháp tâm lý và thuốc men.
Bẻ cổ
Bẻ cổ kêu cái “rắc” có thể tạo cảm giác tốt cho bạn, nhưng việc lặp đi lặp lại hành động này sẽ khiến những dây chằng xung quanh cổ trở nên cơ động quá mức và dễ bị thương hơn. Ngoài ra, hành động bẻ cổ gây hao mòn khớp xương và dẫn đến bệnh viêm khớp qua thời gian. Trong những trường hợp hiếm hoi, bẻ cổ có thể kích hoạt một cơn đột quỵ.
Nghiến răng
Cứ luôn nghiến răng khi căng thẳng sẽ gây thảm họa cho sức khỏe răng miệng. Nghiến răng khiến răng nứt và gãy, thậm chí có thể gây tổn thương khớp hàm dưới dạng rối loạn khớp thái dương – hàm.
Ngoáy tai
Đây là thói quen không hay mà nhiều người mắc phải. Bằng chứng là ở bất kỳ đâu, ta cũng mua được dụng cụ ngoáy tai. Chưa kể, các vật dụng này được làm từ nhiều chất liệu: kim loại, tre, nhựa, lông tổng hợp, gòn… Người ta ngoáy sau khi tắm, gội và làm vệ sinh tai khi thấy ngứa ngáy.
Tuy nhiên, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đã nhận điều trị nhiều trường hợp: viêm tai trong, viêm tai ngoài, viêm tai xương chũm, viêm màng não, áp xe não, liệt mặt… do tự ngoáy tai hoặc đi tiệm hớt tóc ngoáy tai.
Thực tế, hành động ngoáy tai là thừa và nguy hiểm. Tai đã có cơ chế tự làm sạch, việc ngoáy tai sẽ đẩy chất thải vào trong, đồng thời làm tổn thương da ống tai, làm rụng lông trong ống tai. BS Nguyễn Thành Lợi - BV Tai Mũi Họng TP.HCM giải thích: “Tai tiết ra chất nhầy nhằm ngăn cản bụi bặm, vi trùng từ ngoài xâm nhập vào tai. Song song là hệ thống lông trong ống tai làm nhiệm vụ ngăn chặn bụi bặm và là “chổi” quét chất thải từ trong ra ngoài cửa tai. Vì thế, việc vệ sinh tai chỉ cần dùng khăn lau cửa tai, khi bị ngứa thì dùng tay vò vò nắp tai để qua cơn ngứa”.
Dụi mắt
Dụi mắt là thói quen của trẻ em khi mới ngủ dậy và của bất kỳ ai khi có vật gì rơi vào mắt. Thói quen này chẳng khác gì “tay trong” của vi khuẩn. Bàn tay “bắc cầu” đưa vi khuẩn lên mắt và “làm ổ” tại đây.
Chưa kể, hành động dụi qua dụi lại khi vật lạ bay vào mắt còn làm rách mắt, gây viêm nhiễm. BS Trần Thị Phương Thu - Bộ môn Mắt, Đại học Y Dược TP.HCM khuyên: “Khi có vật lạ rơi vào mắt, không được dụi mắt mà rửa mắt bằng nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo. Nếu thấy xốn, đau mắt thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa”.
Gần đây, có những dịch vụ làm đẹp gây hại cho mắt không ít như: đeo kính áp tròng đổi màu mắt, nối mi… Những bệnh nhân đi khám mắt do đeo kính áp tròng thường bị các bệnh: trầy xước giác mạc, viêm loét, giảm thị lực… Còn người nối mi thì bị cọ xát mi, khó mở mắt… Vì vậy, cần suy nghĩ trước khi sử dụng những kỹ thuật làm đẹp có tác động không tốt tới mắt.
Dùng tay làm vệ sinh
Dùng tay trần để rửa chén bát, vệ sinh nhà… là nguyên nhân dẫn tới các bệnh ở tay như: viêm da tiếp xúc, ly móng (hở móng do tiếp xúc hóa chất).
Bệnh viêm da tiếp xúc có hai loại: do kích thích và do dị ứng. Ai cũng có thể bị viêm da kích thích khi tay tiếp xúc hóa chất nồng độ cao. Khi đó, da sẽ bị đỏ, khô, nứt, đóng vẩy, ngứa ngáy, có cảm giác hơi châm chích.
Nếu tránh được hóa chất thì da sẽ hồi phục từ từ, nếu tiếp tục “gần gũi” hóa chất, da sẽ nứt, viêm đỏ gây khó chịu. Viêm da dị ứng thường do cơ địa, chỉ cần tiếp xúc hóa chất nồng độ thấp cũng dị ứng. Biểu hiện của bệnh gồm: da viêm đỏ, nổi mụt nước, ngứa nhiều…
BS Huỳnh Huy Hoàng - BV Da Liễu TP.HCM khuyên: “Nên đeo bao tay khi tiếp xúc hóa chất, chất tẩy rửa… để bảo vệ vẻ đẹp của bàn tay”.
Khạc nhổ bừa bãi
Những người có thói quen khạc nhổ thường đã bị bệnh lao, nhiễm trùng cấp tính… Thói quen này “chắp cánh” cho vi trùng đi khắp nơi. Riêng vi trùng lao do được “thừa kế” lớp vỏ cứng, nằm trong chất thải khạc nhổ, nhờ nắng khô đi, quyện trong gió bụi, nên dễ dàng tìm nơi ở mới.
Theo BS Nguyễn Đắc Thọ - Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nên tập thói quen khạc nhổ vào khăn giấy, sau đó bỏ vào thùng rác, không thải ra môi trường.
Ăn khuya
Nếu lâu lâu một lần đi chơi khuya thì ăn đêm làm tăng hương vị cuộc sống không hề có hại. Thế nhưng, nếu trở thành thói quen, không ăn là… nhớ thì cơ thể sẽ lên cân nhanh chóng, nhất là khi “ăn no lại nằm”. Ăn đêm, năng lượng dư thừa chuyển thành mỡ tích lũy vùng bụng, không những làm xấu vóc dáng mà còn tiềm ẩn nhiều bệnh mãn tính nguy hiểm.
BS Đào Thị Yến Phi - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM khuyên: “Người có thói quen này cần thay thế bữa ăn đêm nhiều năng lượng bằng các món ăn nhẹ như: sữa không béo, vài cái bánh lạt, trái cây ít ngọt và giảm dần số lượng…”.
Luôn luôn ngồi vắt chéo chân
Theo các chuyên gia sức khỏe, thói quen ngồi vắt chéo chân trong thời gian dài có thể làm tăng huyết áp của bạn (tăng huyết áp tâm thu gần 7% và huyết áp tâm trương 2%).
Ngồi vắt chéo chân dễ gây ra tình trạng chuột rút, đau, sưng, phù nề, thậm chí gây hại cho cột sống và khung xương chậu... do lượng máu cung cấp tới các chi bị cản trở, đình trệ, làm mắt cá chân và chân bị phù nề. Ngồi vắt chéo chân còn có thể đau đầu gối do xương bánh chè sẽ cọ xát với các xương khác, gây đau vùng trước khớp gối. Việc ngồi chéo chân có thể gây co kéo dây thần kinh tọa, làm chân tê. Khi đó bạn cần đứng dậy, đi lại để bớt cảm giác tê.
Vì vậy, bạn không nên ngồi vắt chéo chân quá 15 phút hoặc nên bỏ chân xuống khi bạn thấy mỏi.
Nhai kẹo cao su cả ngày
Mặc dù nhai kẹo cao su là cách đơn giản nhất để làm cho hơi thở bạn thơm tho nhưng thường xuyên nhai kẹo cao su liên tục trong cả ngày lại không tốt cho sức khỏe của bạn.
Thường xuyên nhai kẹo cao su có thể dẫn đến các vấn đề về cơ khớp ở hàm, đầu, cổ gây nhức đầu, đau tai, đau răng, rối loạn khớp thái dương-hàm bao gồm đau hàm liên quan đến các cơ bắp và khớp kết nối hàm dưới với hộp sọ vì vùng cơ hàm phải hoạt động liên tục.
Ngủ gục trên bàn
Giờ nghỉ trưa ở văn phòng, nhiều người đều có thói quen ngủ gục trên bàn, hoặc tựa ghế khi tỉnh dậy thường thấy mệt mỏi, tinh thần không tỉnh táo, cổ, mặt và cánh tay bị ảnh hưởng. Tư thế bị để gập trong suốt quá trình ngủ sẽ làm cổ bạn bị đau nhức, mỏi và đôi lúc mất cảm giác.
Các bác sĩ khuyến cáo: thói quen ngủ gục trên bàn khiến đường máu lên não bị tổn thương khá nặng, nguyên nhân chính là do máu lên não không được lưu thông thuận lợi và bất lợi cho sức khỏe.
Với những người bị cao huyết áp, việc giữ lâu một tư thế ngủ gục như vậy sẽ khiến huyết áp của họ tăng rất nhanh. Còn đối với những người sức khỏe kém thì rất dễ bị trúng gió. Ngoài ra giấc ngủ chập chờn sẽ khiến chúng ta thêm mệt mỏi. Tốt nhất hãy tìm một chỗ bằng phẳng để ngả lưng, một giấc ngủ sâu và thoải mái sẽ giúp trí óc được tỉnh táo, cơ thể khỏe mạnh.
Kẹp điện thoại vào vai để nghe
Nhiều người có thói quen nghe điện thoại bằng cách kẹp điện thoại vào vai và tai để rảnh tay làm những việc khác. Tuy nhiên, tư thế nghe điện thoại này có thể khiến cho cơ cổ và vai của bạn bị căng mỏi. 
Tư thế nghe điện thoại tốt cho bạn nên là giữ ống nghe sát tai, không nghiêng đầu, giữ cổ thằng cũng như giữ vai bạn ở tư thế thoải mái. Tay nắm ống nghe nhẹ nhàng, không nên siết chặt, nên đổi tay cầm ống nghe khoảng 10 phút 1 lần.
Bình luận
vtcnews.vn